Hôm nay (2/7), rất đông người nhà và sĩ tử đổ xô về các bến xe trên địa bàn thủ đô tham gia kỳ thi Đại học, Cao đẳng. Dọc các tuyến đường gần bến xe, hàng trăm lượt xe nối đuôi nhau ra vào bến dẫn đến tình trạng ách tắc, ùn ứ cục bộ giao thông. Hành khách xuống bến đa phần là các sĩ tử các tỉnh lên Hà Nội thi đại học.
Thí sinh và người nhà chen chân lên xe buýt - Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+ |
Biển người ở bến xe
Với tâm lý đi sớm cho khỏi tắc, lại có nhiều thời gian tìm chỗ trọ, từ 2, 3 ngày nay, nhiều phụ huynh đã đưa con về Hà Nội. Theo ghi nhận của phóng viên, tại các bến xe, thí sinh từ các tỉnh đã bắt đầu đổ về.
Tại các con đường vào các bến xe ở Hà Nội và các cửa ngõ thủ đô, dòng xe khách nối đuôi nhau nằm dài khiến cho giao thông bị ùn ứ và rất khó khăn.
Lượng xe máy của người thân ra đón thí sinh tại các cổng bến xe tăng đột ngột so với ngày thường khiến tại hầu hết những điểm dừng đỗ đèn đỏ, dòng người phải ì ạch di chuyển mấy nhịp đèn mới thoát khỏi ùn tắc.
Tại các đường Phạm Hùng, Giải Phóng, rất đông các phương tiện nối đuôi nhau, xếp thành hàng dài, còi xe bấm inh ỏi, hàng loạt phương tiện chỉ biết đứng tại chỗ. Lượng phương tiện đổ xô về cùng ngày khiến các tuyến đường này rơi vào cảnh ùn tắc cục bộ.
Tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Lương Yên, lượng khách về các tỉnh cũng đông gấp nhiều lần ngày thường.
10 giờ sáng ngày 2/7, bến xe Mỹ Đình chật kín bởi biển người và xe. Khu vực đỗ xe thường ngày tại bến đã được mở rộng ra phía ngoài nhưng vẫn không “gánh” nổi lượng xe lớn đột biến ngày hôm nay.
Nhiều xe vào bến nhưng không có chỗ đậu phải nối đuôi nhau nằm dài trên con đường phía sau bến.
Phía cửa chính của bến, hàng ngàn người chen chúc, ai cũng rảo bước mong nhanh chóng thoát khỏi bể người chật như nêm.
Hai bên hông của bến xe Mỹ Đình, dòng xe khách ra vào kết hợp với la liệt xe máy đứng đợi người nhà khiến con đường nhỏ nơi đây kẹt cứng. Tiếng còi xe inh ỏi kết hợp cùng tiếng lái xe, phụ xe om sòm làm cả khu vực bến xe vô cùng nhốn nháo.
Vứt phịch túi đồ lỉnh kỉnh xuống đất, chị Thanh Thảo (Lâm Thao, Việt Trì) thở phào: “Năm ngoái đưa đưa đầu đi thi lên trước 2, 3 hôm cho đỡ đông. Năm nay bận việc nên sát ngày thi mới đi được, ai ngờ đông đến mức này, cả tuyến hầu như phải đứng vì không có chỗ ngồi.”
Ngồi bệt xuống thềm ô vuông trong khu vực bán vé bến xe, trong chiếc áo trắng đồng phục của trường, em Trần Văn Tâm tỏ ra mệt mỏi bởi hành trình dài trên đoạn đường và cũng bỡ ngõ vì lần đầu len thủ đô.
“Chưa lần nào em đi xe đông như hôm nay, trên xe đa phần là học sinh và phụ huynh đi kèm. Ai cũng muốn có chỗ ngồi nhưng xe chật quá nên phải đứng,” em Tâm chia sẻ.
Phía trong và ngoài bến, lượng hành khách đứng đợi xe buýt tràn ra cả lòng đường. Mỗi khi xe về bến, hành khách ào ào bước chân vội lên xe khiến khung cảnh chen lấn, xô đẩy càng nhốn nháo.
Lực lượng thanh niên sinh viên tình nguyện có một ngày làm việc vất vả để giúp đỡ sĩ tử. Cánh lái xe taxi, xe ôm, taxi “dù” chèo kéo khách mặc sức tung hoành.
Nhanh chóng giải tỏa khách
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe phía Nam cho biết: “Ước tính lượng khách vài ngày qua đổ về bến là khoảng 2 vạn người, nhưng khách về đến đâu giải tỏa hết đến đấy. Mấy ngày nay, xe buýt cũng được tăng cường thêm 40 -50 tuyến để hỗ trợ thí sinh đi lại.”
Theo ông Thành, chỉ tính riêng ngày hôm nay lượng khách đổ về có đông hơn, nhưng nhìn chung là ổn hết, vì mọi việc đều đã trong kế hoạch.
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Ban quản lý bến xe Hà Nội cho biết: “Dự báo trong các thời điểm cao điểm lượng khách sẽ tăng thêm khoảng 100- 130% tại bến xe Mỹ Đình, lượng khách sẽ tăng thêm 80-90% tại bến xe Giáp Bát, tại bến xe Gia Lâm lượng khách sẽ tăng thêm khoảng 60-70%.”
“Để đảm bảo nhu cầu đi lại cho các thí sinh trong kỳ thi đại học, cao đẳng, các đơn vị kinh doanh vận tải bố trí tăng cường các phương tiện và đưa ra phương án điều động, giải tỏa khách tại những ngày cao điểm đáp ứng nhu cầu vận tải vận chuyển cho sĩ tử và người thân,” ông Trung khẳng định.
Tại bến xe Mỹ Đình, lượng thí sinh đổ về có đông hơn, do các thí sinh từ các tỉnh xa như Cao Bằng, Sơn La, Quảng Ninh... có tâm lý chủ động xuống sớm để ổn định.
“Khách đông, gấp 2- 3 lần ngày thường, nhưng cũng về dàn trải, nên chưa có vấn đề gì đặc biệt. Sinh viên tình nguyện từ nhiều trường Đại học đã có mặt và hỗ trợ chúng tôi rất tốt,” ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc bến xe Mỹ Đình nhận định.
Tổng Công ty Vận tải Hà Nội sẽ tăng cường 160 lượt xe buýt, đặc biệt là tại các tuyến buýt nối các trường đại học lớn với các bến xe liên tỉnh, hướng ngoại thành.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: “Dự kiến có khoảng 28 tuyến quá tải, cần tăng cường giải tỏa, như các tuyến xe số 03, 06, 08, 10, 11…”
Theo đó, các tuyến buýt số 03: Giáp Bát - Gia Lâm dự kiến tăng cường 20 lượt xe; tuyến 11 (Công viên Thống nhất-Đại học Nông nghiệp I) tăng cường 20 lượt xe; tuyến 16 (Giáp Bát - Mỹ Đình) tăng cường 16 lượt xe; tuyến 21 (Bến xe Giáp bát – Bến xe Yên Nghĩa) tăng cường 8 lượt xe, tuyến 32 (Giáp bát - Nhổn) tăng cường 8 lượt xe.
“Ngoài số xe dự phòng thường xuyên bằng 10% tổng số xe đang hoạt động trên mỗi tuyến, chúng tôi tăng cường thêm 70 xe dự phòng nữa trong 3 đợt thi đại học và cao đẳng thì mỗi tuyến ít nhất 2 đến 3 xe, tuyến nhiều nhất là 7 xe để đẩm bảo các tuyến xe buýt không bị quá tải,” ông Hải khẳng định.
Với mỗi thí sinh và phụ huynh, họ không chỉ vượt vũ môn qua kỳ thi đại học cao đẳng mà còn rất vất vả, gian nan trong hành trình lai kinh ứng thi.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng số 96 trường đại học và cao đẳng. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số thí sinh đăng ký dự thi các trường đại học và cao đẳng ờ Hà Nội khoảng 499.500 thí sinh và người nhà thí sinh chủ yếu ở khu vực phía Bắc đi ôtô khách liên tỉnh đổ về các bến xe của Hà Nội.