Câu chuyện về Bayern Munich: Uli Hoeness, sống không phải để người khác yêu

12/05/2012 14:31 GMT+7 | Đức

(TT&VH Cuối tuần)- Người đàn ông ấy là một biểu tượng đầy tranh cãi, bởi cá tính chiến đấu rất cực đoan của ông, và bởi tư duy thực dụng đến cùng cực. Uli Hoeness đang trải qua một mùa bóng đầy thử thách ở năm thứ ba đảm nhận vai trò Chủ tịch của Bayern, dù đội bóng phức tạp bậc nhất thế giới này đã đi tới trận chung kết Champions League sẽ diễn ra trên sân nhà, và liệu cá tính ấy có thể nhấn chìm ông trong cuộc chiến khó khăn này?

*Bạn cũng có thể bình luận về bài viết này trên http://www.facebook.com/baothethaovanhoa

Hoeness không sinh ra để người khác nhìn vào và ngưỡng mộ, trừ những người Bayern thật sự hiểu ông. Cầu thủ đã phải nghỉ thi đấu từ năm 27 tuổi vì chấn thương đầu gối rất nặng trong trận gặp Leeds ở chung kết Cúp C1 năm 1975 không hề lấy được một giọt nước mắt nào của những cổ động viên bóng đá Đức, dù ông chính là người có tên trong đội hình tuyển Đức vô địch châu Âu năm 1972 và vô địch thế giới năm 1974. Vì sự thực dụng và thẳng thắn đến kỳ lạ với quan điểm ấy của mình mà ông luôn không ngần ngại biểu hiện chúng ra bất kỳ lúc nào.

Trong một lần các tuyển thủ Đức ngồi “tán phét” trước khi World Cup 1974 diễn ra, họ đặt ra giả định rằng tương lai mỗi người sẽ như thế nào nếu Đức vô địch. Khác với những người khác mơ mộng về việc họ sẽ trở thành những tượng đài bất tử, Hoeness chỉ lạnh lùng: “Chức vô địch thế giới sẽ giúp tôi kiếm được nhiều tiền hơn”. Quan điểm bóng đá thì sao? “Ở đây chẳng có giải nào gọi là giải bóng đá đẹp. Thứ bóng đá thành công là tất cả những gì tôi muốn”.



Uli Hoeness- Ảnh Getty

Không quan tâm đến việc người khác nghĩ gì

Tất nhiên, Hoeness chẳng buồn đoái hoài xem người ta yêu ông hay ghét ông, vì mọi thứ đều được ông nhìn qua một lăng kính không chút màu mè và thậm chí là quá trần trụi. Khi trở thành Giám đốc điều hành và sau này là Chủ tịch Bayern, Hoeness không ngại công kích, dù đối tượng là bất kỳ ai, từ đối thủ, cho đến các quan chức, thậm chí là cầu thủ và chính những huyền thoại của Bayern.

Năm 1999, ông thẳng thừng tuyên bố rằng Matthaeus, khi ấy 37 tuổi, nên giải nghệ đi là vừa, vì anh đã quá già. Và Matthaeus không phải “nạn nhân” duy nhất. Không lâu sau khi Michael Ballack phàn nàn về việc anh bị đối xử không tốt ở Bayern dẫn đến việc ra đi, Hoeness phản công: “Hắn ta đi chỉ vì tiền thôi. Không trung thực gì cả!”. Ngay cả khi Ballack sang Chelsea, Hoeness vẫn cố “mắng với” theo rằng “anh ta nên rút khỏi đội tuyển Đức”. 3 năm trước, khi mùa bóng 2008-2009 sắp sửa kết thúc, Hoeness nhìn lại mùa giải theo một cách rất cay nghiệt: “Chẳng có cầu thủ nào hiện tại của Bayern xứng đáng với mức lương họ đang hưởng”. Cần một ví dụ? “Bastian (Schweinsteiger) nên tự vấn xem liệu cậu ta còn muốn chơi cho Bayern nữa hay không”.

Vào đầu năm ngoái, Hoeness thậm chí đã ví von rằng Louis van Gaal, huấn luyện viên của Bayern khi ấy, đã tiêu diệt niềm vui ở đội bóng bằng cách quản lý cứng nhắc và hà khắc (!). Cách đây 10 năm, khi ông Franz Beckenbauer vẫn còn là Chủ tịch và Hoeness đảm nhận vai trò Giám đốc điều hành, chính Hoeness là người đã đứng lên “chỉnh huấn” sếp của ông vì những chỉ trích nhắm vào đội bóng sau trận thua Lyon 0-3 ở Champions League. Beckenbauer bảo Bayern đã chơi “như một đội lão tướng và đây là màn trình diễn đáng xấu hổ”, và Hoeness “bật” lại: “Sẽ tốt hơn nếu Beckenbauer không phán những lời chẳng hay ho về chính CLB của mình, vì đã có rất nhiều chỉ trích sẵn sàng giáng lên đầu chúng tôi từ bên ngoài rồi”.

Van Gaal sau khi phải nhận chỉ trích còn phải “đấu dịu” với Hoeness, còn ông Beckenabauer, như chúng ta đã biết, sau này đã phải nhường lại ghế Chủ tịch cho Hoeness. Không ai công kích người khác một cách cay nghiệt và dai dẳng như Hoeness, nhưng không phải ngẫu nhiên mà ông lại được tôn trọng (tôn trọng, nhưng không hề ngưỡng mộ và yêu mến) đến thế, với sự độc đoán và ý thức uy quyền quá mạnh của mình.

Lợi nhuận là trên hết

Chính vì sự gai góc và thực dụng đến tàn nhẫn ấy, ngoài sân cỏ, Hoeness cũng có rất ít bạn. Ngay cả trong giới bóng đá, ông cũng chỉ tiếp xúc thân mật với hai người, là cựu tuyển thủ Đức Paul Breitner, người đang giữ vai trò cố vấn cho Bayern, và huấn luyện viên hiện tại của Bayern là ông Jupp Heynckes. Breitner chính là người hiểu và có cái nhìn bao dung với ông Hoeness hơn ai hết, dù họ chẳng có mấy điểm chung: “Chúng tôi có sở thích trái ngược nhau. Uli quan tâm đến mọi khía cạnh liên quan đến tài chính, trong khi tôi thích tâm lý học và triết học hơn. Nhiều khi, tôi thấy Uli giống phát ngôn viên của một ngân hàng Đức hơn là một nhà quản lý bóng đá”.

Sự đam mê với lợi nhuận và những con số rất phù hợp với cá tính thực dụng của Hoeness. Breitner thấm thía rõ ràng điều ấy: “Bayern giống như một tiệm bán lẻ vào thời điểm anh ấy tiếp quản vai trò quản lý, nhưng bây giờ thì trở thành một công ty lớn trong tay nhà quản lý giỏi nhất thế giới”. Và thành công ấy không chỉ được xây dựng dựa trên sự khắc nghiệt: Ông Hoeness còn là một con người rất căn cơ và làm việc bài bản. “Chúng ta cần có một chiến lược tài chính dài hạn từ 15-20 năm” - Hoeness từng tuyên bố như thế, và ông đã làm được.

Giờ thì chiếc Cúp Champions League sẽ là danh hiệu có ý nghĩa nhất mà Bayern có thể dành cho ông, vào năm mà người đàn ông ấy tròn 60 tuổi (ông đã kỷ niệm ngày đặc biệt ấy vào 5/1 năm nay). Bởi vì suy cho cùng, sự thẳng thắn, thực dụng và khắc nghiệt đến cùng cực của Hoeness trong suốt mấy thập kỷ qua cũng chỉ vì mong muốn làm những điều mà ông cho là tốt đẹp nhất cho một cái tên, mà với Hoeness có thể là một công ty, một thương hiệu, một niềm tự hào: Bayern Munich.

Phạm An

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm