(TT&VH) - Tháng 10/2004, Italia của Lippi thua Slovenia 0-1 trong một trận vòng loại World Cup 2006, và đó là trận thua gần nhất của ông trên cương vị HLV ĐT Italia. Chỉ cần không thua Montenegro đêm mai là ông đạt bằng kỉ lục 30 trận bất bại của HLV Vittorio Pozzo huyền thoại. Nhưng quả thật, kỉ lục ấy có phải là điều công chúng quan tâm, hay chỉ các nhà thống kê?
Với người viết bài này, con số đó là vô nghĩa, và việc Azzurra chỉ sút có 3 lần về phía Bulgaria trong 90 phút trên sân Sofia, số cơ hội nguy hiểm trước khung thành đối phương chỉ có 1 và tất cả các phương án tấn công đều bằng 0 mới là điều đáng quan tâm. Nếu những người Azzurra tìm mọi cách để lạc quan, rằng, có thể đòi hỏi gì hơn nữa với một đội tuyển gồm những gương mặt mới như Montolivo, Amelia, Pepe hay Dossena (nhưng đâu còn trẻ trung gì nữa, trừ Giuseppe Rossi), rằng sự lạc quan của Lippi là đúng vì Italia còn nhiều thời gian, nhưng trên thực tế, mối đe dọa với các nhà ĐKVĐ TG đã lộ rõ: 1) về mặt lối chơi, Italia Lippi hiện tại giống một đội hạng 2 của châu Âu (kể cả khi có các cựu binh), và 2) sự kém cỏi trong lối chơi dẫn đến sự kém cỏi trong dứt điểm.
Toni qua một cuộc khủng hoảng tâm lí và phong độ nặng nề
và sẽ phải ngồi ngoài ở trận tới do bị treo giò.
Không phải Bulgaria lập ra một phòng tuyến Maginot trước Italia, mà chính sự lắp ghép vội vã của một đội ngũ trước nay chưa đá bên nhau và cần phải được bổ sung sớm hơn đã chặt chân họ. Trong 4 năm của triều đại Lippi, ngay cả trong những trận đấu chơi cực dở, họ vẫn có thể giải quyết đối phương bằng các bàn thắng của Inzaghi, Gilardino và nhất là Toni.
Nhưng bây giờ, Inzaghi quá già và xỏ được giày ra sân đã là một nỗ lực phi thường, Gilardino mãi chưa lớn, trong khi Toni, đi đến đâu là Vua phá lưới ở đấy, đang trải qua một đợt khô hạn kinh khủng kéo dài từ mùa hè khiến Italia thất bại ở EURO 2008, làm Donadoni mất chỗ và hiện đang khiến cái ghế của Klinsmann ở Bayern lung lay dữ dội. Tiền đạo cao kều của Azzurra đang trải qua một cuộc khủng hoảng tâm lí và phong độ nặng nề, chưa ghi được bàn nào cho ĐTQG từ 8 tháng nay. Anh đã nhận thẻ vàng ở Sofia và do đó phải ngồi nhà xem trận đấu Italia-Montenegro qua tivi, trận mà lẽ ra anh sẽ đá chính.
Giải pháp của Lippi là gọi bổ sung Quagliarella để có thể từ đó hình thành bộ ba tấn công Di Natale-Quagliarella-Pepe như ở Udinese, nhưng trên thực tế, Quagliarella không phải là một trung phong đúng nghĩa, và Lippi phải gọi anh vì không còn giải pháp nào khác vì Borriello đang chấn thương, trong khi những nhân tố như Bianchi (Toro) và Floccari (Atalanta) chưa từng biết đến mùi ĐT. Nếu Lippi gọi họ, thì đó là điều ông sẽ làm sắp tới, không phải lúc này.
Điều hầu như chắc chắn là Gilardino sẽ đá chính, nhưng trên thực tế, Lippi cũng như những HLV tiền nhiệm (Trap, Donadoni) chưa bao giờ đặt quá nhiều niềm tin nơi anh dù trên lí thuyết, anh là dạng tiền đạo mà Azzurra hết sức cần. Sau Gila, còn ai nữa? Balotelli quá trẻ, Rossi không phải là một trung phong. Còn Amauri? Anh vẫn dùng dằng chưa biết có nên nhận lời Italia hay tiếp tục chờ đợi lời gọi mời từ Brazil. Rossi-Amauri có lẽ là một giải pháp thú vị cho hàng công trong hoàn cảnh hiện tại, dù những người theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi sẽ không thấy thú vị lắm: Azzurra phải sống nhờ vào tài năng của người Argentina (Camoranesi), một giấc mơ Mỹ (G.Rossi) và những bàn thắng Brazil (Amauri). Không sao, đây là thời của toàn cầu hóa...
“Chúng ta đã tiến bộ hơn nhiều so với thời điểm tháng 10 của cách đây 4 năm. Bây giờ chúng ta có một đội ngũ các cựu binh và một nhóm các tân binh kết hợp”. Những lời tuyên bố của Lippi sau trận hòa 0-0 với Bulgaria giống như một liều thuốc phiện. Ông vẫn có vẻ thanh thản, vì còn hơn một năm nữa để thử nghiệm và hy vọng (Italia rơi vào một bảng quá dễ?). Azzurra bây giờ cũng gần giống 4 năm trước, khi Lippi bắt đầu xây dựng đội bóng, và nhờ có bằng chứng, là 2 năm sau đó, Italia đã đoạt Cúp vàng thế giới, nên bây giờ, dù đang lo lắng thực sự, nhưng các tifosi vẫn phải tin ông. Còn biết phải làm gì nữa đây?
Anh Ngọc (Roma)