07/02/2025 15:36 GMT+7 | Bóng đá Việt
Tờ Channel News Asia gần đây đã đăng tải bài viết về Xuân Son và những cầu thủ nhập tịch Đông Nam Á. Tờ báo này khẳng định Xuân Son đã góp phần thay đổi diện mạo bóng đá Đông Nam Á.
Gần đây, tờ Channel News Asia đăng tải bài viết về xu thế sử dụng các cầu thủ nhập tịch tại Đông Nam Á. Xuân Son là gương mặt tiêu biểu được tờ Channel News Asia nhắc tới khi anh thi đấu xuất sắc tại AFF Cup 2024: "Tại giải AFF Cup 2024 vừa kết thúc, một cầu thủ đã gây ấn tượng mạnh. Anh ghi 7 bàn sau 5 trận, khiến hàng thủ đối phương khốn đốn với sự kết hợp giữa thể chất mạnh mẽ, tốc độ và khả năng dứt điểm sắc bén của mình. Dù dính chấn thương nặng trong trận chung kết lượt về và phải phẫu thuật, Nguyễn Xuân Son vẫn đóng vai trò quan trọng trong hành trình giúp ĐT Việt Nam giành chức vô địch khu vực lần thứ ba".
"Ngay trong lần đầu tiên góp mặt tại giải đấu, chân sút 27 tuổi đã ẵm cả hai danh hiệu: Cầu thủ xuất sắc nhất và Vua phá lưới", tờ Channel News Asia nhấn mạnh.
Tại giải AFF Cup 2024, các cầu thủ sinh ra ở Nhật Bản, Colombia, Nam Phi, Argentina, Thụy Điển, Na Uy và Bờ Biển Ngà đều góp mặt. Theo nhà báo bóng đá Paul Williams, việc nhập tịch cầu thủ ngoại đang thay đổi cục diện cạnh tranh của bóng đá châu Á. "Và điều này sẽ còn tiếp diễn khi các ĐTQG tiếp tục đi theo con đường nhập tịch cầu thủ", Paul Williams nói thêm.
Singapore là một trong những quốc gia tiên phong trong việc nhập tịch VĐV. Chương trình "Tài năng thể thao ngoại quốc" (Foreign Sports Talent Scheme) ban đầu được áp dụng cho bóng bàn trước khi Liên đoàn Bóng đá Singapore (FAS) đưa vào bóng đá. Nhờ đó, hàng loạt cầu thủ như Agu Casmir (Nigeria), Mustafic Fahrudin (Serbia) và Shi Jiayi (Trung Quốc) đã trở thành công dân Singapore.
Các cầu thủ nhập tịch này đóng vai trò quan trọng trong ba chức vô địch Đông Nam Á của Singapore vào các năm 2004, 2007 và 2012. Cựu HLV trưởng Singapore Radojko "Raddy" Avramovic, người từng dẫn dắt đội tuyển đến cả ba danh hiệu, từng nói: "Nếu bạn có cơ hội hoặc quyền đưa một cầu thủ ngoại nhập tịch để thi đấu cho đội tuyển quốc gia, thì tại sao không?".
Nhà báo thể thao kiêm bình luận viên bóng đá Indonesia, Firzie Idris, là một người ủng hộ chính sách nhập tịch. Ông cho biết: "Miễn là luật và quy định của FIFA cho phép, bất kỳ quốc gia nào cũng có thể nhập tịch bao nhiêu cầu thủ tùy vào khả năng của mình, không chỉ riêng Indonesia".
Hầu hết các chuyên gia mà Channel News Asia phỏng vấn đều cho rằng con đường phù hợp cho các quốc gia là phát triển một mô hình kết hợp giữa nhập tịch cầu thủ nước ngoài và tiếp tục đầu tư vào các tài năng nội địa.
Channel New Asia sau đó lấy Xuân Son và bóng đá Việt Nam là một dẫn chứng và khen ngợi cách làm hiện tại để tăng cường sức mạnh: "Một ví dụ điển hình là Việt Nam, đội bóng có thành tích tốt ở cấp độ trẻ và đã nhập tịch cầu thủ gốc Brazil, Xuân Son, để tăng cường sức mạnh hàng công".
"Chúng ta đã thấy Xuân Son tạo ra sự khác biệt lớn như thế nào. Việt Nam vốn đã là một đội mạnh, phần lớn cầu thủ đều do chính họ đào tạo, nhưng tiền đạo là vị trí mà họ cần sự hỗ trợ từ bên ngoài", cựu cầu thủ và bình luận viên của Singapore, Rhysh Roshan Rai chia sẻ.
HLV kỳ cựu Steve Darby cho rằng số lượng cầu thủ nhập tịch ngày càng tăng vì đây đã trở thành một cách để cải thiện thành tích của đội tuyển quốc gia.
Nhà báo bóng đá Paul Williams cho biết ông không phản đối các ĐTQG sử dụng nhập tịch, miễn là nó tuân theo quy định. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng nhập tịch không phải là giải pháp cho mọi vấn đề.
"Về cơ bản, đó chỉ là một giải pháp tạm thời... Indonesia đã đẩy nó lên mức cao nhất, nhưng nhìn chung, các đội tuyển chỉ dùng nó để lấp đầy những vị trí còn thiếu hụt. Nhưng nếu không đầu tư vào cầu thủ nội, bạn vẫn sẽ gặp khó khăn, bất kể nhập tịch bao nhiêu cầu thủ đi chăng nữa", Paul Williams khẳng định.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất