12/07/2017 10:27 GMT+7 | Điểm đến
(Du lịch - giaidauscholar.com) - Long Xuyên được biết tới như một thành phố phát triển chủ yếu về mua bán lúa gạo và chế biến thủy sản (nuôi cá basa). Nằm bên bờ Tây sông Hậu, Long Xuyên không phải là một điểm đến hấp dẫn của tỉnh An Giang như Châu Đốc, nơi có nhiều thắng cảnh thiên nhiên và tôn giáo nổi tiếng. Có lẽ chúng tôi cũng sẽ chỉ ghé ngang Long Xuyên kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” nếu thực hiện chuyến du hành này bằng đường bộ.
Bình minh rực rỡ trên sông Hậu
Rời Sa Đéc và sông Tiền, tàu lênh đênh trên sông Hậu, ngang qua nhiều ngôi làng và thị trấn nhỏ trong ánh chiều tà của buổi hoàng hôn. Gió phần phật thổi trên bong, trái ngược hẳn với cái nắng nóng gay gắt như khi chúng tôi còn trên bờ.
Nếu như không trải qua những thời khắc trên sông, khó có thể hình dung ra một cuộc sống đường thủy sôi động đến vậy. Rất nhiều sà lan lớn chở cát, nhiều tàu chở đầy trấu và nhiều ghe xuồng chở hàng ngược xuôi trên sông.
Qua ống kính tele, cuộc sống ven sông dân giã như những thước phim quay chậm hiện ra trước mắt. Từ ngàn đời nay, con sông chở đầy phù sa vẫn là nguồn sống của người dân nơi đây. Người ta đánh cá, làm lúa và trồng rau, tắm rửa và giặt giũ bên bờ sông.
Những bến sông với những cây cầu tre dưới bóng si già um tùm, tưởng như chỉ còn trong những câu chuyện kể, nối đuôi nhau chạy dài theo dòng sông. Những ngôi làng chìm dần vào bóng đêm khi mặt trời dần khuất, tiếng côn trùng nỉ non trên bờ hòa vào tiếng ì ì của con tàu, khiến dòng sông bỗng trở nên đầy bí ẩn.
Sau một giấc ngủ không mộng mị trong những cabin nhỏ hẹp, chúng tôi vừa thưởng thức bữa sáng trên bong tàu vừa đón bình minh trên sông. Ngay lúc mặt trời vượt lên trên rặng cây phía xa, cả bầu trời đang từ màu xanh xám pha hồng cam bỗng nhuốm vàng rất nhanh. Sắc độ của màu vàng ngày càng mạnh hơn.
Nhưng điều cuốn hút hơn cả lại là dòng sông chứ không phải bầu trời. Mặt nước lóng lánh trong một sắc vàng rực rỡ ở nơi ánh mặt trời đi xuyên qua. Buổi bình minh trên sông thật quá khác so với bình minh trên biển. Cứ nghĩ rằng mặt nước nâu xám kia chẳng thể nào đủ hấp dẫn. Vậy mà quá bất ngờ khi được chứng kiến giây phút của bình minh vàng.
Thiên nhiên quả thật diệu kỳ, và nếu như không đi, cả cuộc đời ta sẽ không bao giờ có được những giây phút rực rỡ, lộng lẫy đến vậy.
Bình yên ở chợ nổi Long Xuyên
Chúng tôi rời tàu, lên ghe nhỏ đi thăm chợ nổi Long Xuyên nằm tại phường Mỹ Phước cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 2km. Điểm khác biệt với những vùng khác là ở Long Xuyên, chợ nổi họp suốt cả ngày và vẫn còn giữ được nhiều nét nguyên sơ của sinh hoạt vùng sông nước miền Tây.
Những thuyền hàng đậu dài hàng km trên sông, chủ yếu bán các mặt hàng nông sản như bí, khoai, cà, rau, củ và trái cây, nhiều nhất là dừa và chuối. Cũng giống như ở các chợ nổi miền Tây khác, những sản vật này được treo trên cây sào cao mà người địa phương gọi là “cây bẹo”, giúp thương lái nhận biết mặt hàng từ xa. Rất nhiều những ngôi nhà -thuyền san sát bên các thuyền hàng.
Nơi đây có gần 400 hộ dân sống trên thuyền, tạo thành một làng ghe trên sông. Hầu hết những cư dân này từ Châu Đốc tới đây lập làng hơn 10 năm trước, khi các nhà bè ở Châu Đốc phá sản. Họ sống bằng nghề lột dừa, bốc hàng mướn và buôn bán nhỏ.
Quần áo phơi đủ màu, đủ kiểu dọc theo mạn thuyền. Không thuyền nào là không có ít nhất một chậu cây xanh. Những chiếc đò chèo nhỏ bé của mấy bà, mấy chị chở theo đủ loại đồ ăn thức uống, từ nước giải khát, cà phê tới những nồi hủ tíu, bánh canh, bánh tầm… len lỏi giữa khối thuyền lớn, phục vụ người mua kẻ bán trên sông.
Ở chợ nổi Long Xuyên, tôi vẫn có y nguyên cảm giác từng có tại mọi chợ nổi ở vùng sông nước Nam bộ: là chợ, nhưng không có cái xô bồ, hối hả của chợ trên bờ, không có trả giá, và cũng ít lao xao hơn. Dường như dòng sông đã làm dịu đi nhiều thứ. Nhưng không vì thế mà chợ nổi mất đi những thanh âm và sắc màu hấp dẫn. Cuộc sống sông nước diễn ra qua bộ mặt chợ thật nhẹ nhàng và bình yên.
Những toan tính ganh đua đã lùi lại rất xa
Điểm dừng chân tiếp theo của hành trình là Cù lao Ông Hổ, với hơn 20km đạp xe trên đường làng. Cù lao này do phù sa sông Hậu bồi đắp mà thành, nay thuộc địa phận xã Mỹ Hòa Hưng.
Tại miếu Ông Hổ, chúng tôi được những người dân kể cho nghe câu chuyện cảm động về một con cọp trung thành với gia đình người nông dân đã cứu mạng từ thuở khẩn hoang xưa. Dân làng mến thương con cọp tình nghĩa nên đã đặt tên cù lao này là Cù lao Ông Hổ.
Chúng tôi ghé thăm một làng se nhang, nơi mà công việc đã được cải tiến đáng kể nhờ một loại máy se thô sơ tự chế. Nhang ở đây được làm từ lá của cây gòn. Người ta dùng luôn đường làng làm sân phơi lá. Sau khi khô, lá gòn được xay nhuyễn và pha thêm bột quế để tạo hương. Không xa làng se nhang là một cơ sở dệt lưới theo phương pháp cổ truyền với những chiếc máy có lẽ đã hàng chục năm tuổi.
Trước kia Long Xuyên – cũng như nhiều tỉnh châu thổ sông Cửu Long khác – nổi tiếng về những làng nghề như se nhang, làm bánh tráng, làm lưỡi câu, làm dầm chèo, chằm nón, dệt lưới, đóng ghe xuồng…, nhưng ngày nay các làng nghề cũng đang vào hồi thoái trào trước cơn lốc của thời hiện đại.
Con đường đưa chúng tôi đi ngang qua nếp nhà chạy dọc theo những con kênh chằng chịt và những con đường đầy cây ăn trái đang vào mùa. Vào mùa nước nổi, nước sông Hậu tràn vào những con kênh, mang theo tôm cá và phù sa cho cù lao này. Xoài lúc lỉu bên những bờ rào và những cây mít trĩu trịt trái dưới gốc và cả trên cành. Không ở đâu mà tôi nhìn thấy những cây mít có nhiều trái đến thế.
Ngay cả những ngôi nhà ở đây cũng khá đặc biệt. Rất nhiều nhà sàn, có lẽ để chống ngập mùa nước nổi. Nhà không có cửa, mà chỉ có một lối vào và tường mặt tiền là những lam gỗ đan chéo hoặc thành ô vuông, vừa lấy sáng vừa lấy thoáng.
Hầu như nhà nào cũng có một ban công - logia ở phía trước. Dù là buổi trưa, vẫn có nhiều người nhàn nhã ngồi bên hiên nhà hay trong những quán nhỏ ven đường. Cuộc sống nơi đây giản dị và quá đỗi yên bình. Có cảm giác như bao sôi động ồn ã của chốn thị thành, những mối quan tâm nóng bỏng về thời cuộc, những toan tính ganh đua... đã lùi lại đâu đó, rất xa. (Còn tiếp)
Bài và ảnh: Họa sĩ Trần Thùy Linh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất