Kuala Lumpur, biểu tượng của vẻ đẹp văn hóa Malaysia (phần 2)
(Dulich - giaidauscholar.com) - Ngày hôm sau chúng tôi lái xe đến động Batu - được coi là thánh địa của các tín đồ Ấn Độ giáo, cũng là nơi thờ phụng thần Murugan linh thiêng.
- Kuala Lumpur, biểu tượng của vẻ đẹp văn hóa Malaysia (Phần 1)
- Đi chợ tại Kuala Lumpur - Một thú vui
- Không khí trung thu trên đường phố Kuala Lumpur, Malaysia
Hình ảnh ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến đây là bức tượng thần Murugan lấp lánh ánh vàng, đây cũng là bức tượng thần Hindu cao nhất thế giới (cao khoảng 43m). Phía sau bức tượng là những bậc thang dẫn lên đền thờ. Và điều làm chúng tôi vô cùng thích thú là những chú khỉ chạy nhảy ở hai bên hành lang, chờ du khách cho đồ ăn và chụp ảnh.
Bức tượng thần Murugan
Qua 272 bậc thang, chúng tôi bước vào thế giới kỳ bí trong hang động, với rất nhiều bức tượng các vị thần Ấn Độ giáo và các ngôi đền nhỏ có kiến trúc độc đáo.
Đứng tại cửa hang nhìn về phía Kuala Lumpur, tôi có thể nhìn thấy thành phố với các toà nhà cao chọc trời và hệ thống đường cao tốc đan xen uốn lượn. Sâu bên trong hang là "cổng trời", ánh sáng chiếu xuống làm chúng tôi càng có cảm giác huyền diệu.
Động Batu còn là nơi cư ngụ của rất nhiều chim bồ câu. Đàn bồ câu ở đây rất thân thiện, nên du khách chỉ cần thả những mẩu bánh nhỏ hoặc một ít ngô xuống nền sân, là hàng trăm con chim bay ngợp cả một vùng trời sẽ kéo nhau sà xuống mổ bánh, hoặc thậm chí là đậu hẳn lên tay hoặc vai của du khách.
Chim bồ câu ở động Batu
Ngồi ngắm nhìn động Batu đứng im lìm trong màu lá xanh cùng bức tượng khổng lồ ánh màu vàng rực rỡ, hay hướng mắt về phía những chú chim bồ câu ham ăn nghịch ngợm đều mang lại cho tôi một cảm giác bình yên kỳ lạ, rất giống với cảm giác tâm linh mỗi khi tôi đến với một ngôi chùa đạo Phật, mặc dù đây là một tôn giáo hoàn toàn xa lạ với tôi.
Ngoài các đền thờ và công trình Ấn Độ giáo, tôi còn có dịp tìm hiểu và ngắm nhìn những nét đặc trưng của Hồi giáo ở Kuala Lumpur, đặc biệt là tại Putrajaya.
Putrajaya là thành phố hành chính mới của Malaysia. Chỉ cách Kuala Lumpur khoảng 25km về phía nam, Putrajaya được xây dựng theo mô hình thành phố kiểu mới tiêu biểu cho khu vực Đông Nam Á với sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại, là sự đan xen hoàn hảo giữa những công trình xây dựng đồ sộ và màu xanh tươi tốt của thiên nhiên với hồ nước, công viên cây xanh và vườn thực vật rộng lớn.
Chạy xe dọc đại lộ Putra, tôi vô cùng ngạc nhiên với khung cảnh những toà nhà cao tầng được phủ trong màu xanh của hoa và cây cối. Con đường dẫn đến toà nhà Perdana Putra - văn phòng của thủ tướng chính phủ Malaysia sạch sẽ và trật tự đến mức tôi có cảm giác đây là con đường dẫn đến toà lâu đài trong truyện cổ Ả rập.
Thánh đường Putra
Từ toà nhà này, chúng tôi đi bộ đến hồ Putrajaya, cũng là trái tim thành phố và là nơi có những công trình nổi tiếng khác như cầu Wawasan - cây cầu cáp treo với những đường cong uốn lượn vô cùng duyên dáng và kiều diễm.
Nằm soi bóng bên hồ Putra là thánh đường Hồi giáo Masjid Putra. Thánh đường có mái hình củ hành truyền thống, màu hồng nổi bật trên nền trời, và là một trong những thánh đường Hồi giáo hiện đại bậc nhất thế giới. Thánh đường mở cửa vào một khung thời gian cố định trong ngày, nên tiếc là chúng tôi chưa vào được để ngắm kỹ hơn kiến trúc lộng lẫy bên trong.
Ngay bên cạnh thánh đường là công viên Putra - nơi du khách có thể nghỉ chân dưới những tán cây râm mát và tìm hiểu về lịch sử hình thành của Putrajaya qua những tài liệu được điêu khắc tại đây. Tôi dành thời gian đi dạo xung quanh, và may mắn thay tôi bắt gặp một vài cặp đôi chụp ảnh cưới trong trang phục Hồi giáo truyền thống.
Chụp ảnh cưới ở trước thánh đường Putra
Và một lần nữa tôi càng ngạc nhiên hơn về trang phục của những người phụ nữ theo đạo Hồi. Trời khá nắng nóng, và mặc dù vẫn là những bộ trang phục "kín như bưng" cùng với khăn trùm đầu và màu sắc sặc sỡ bắt mắt, họ vẫn rất thoải mái tươi cười, trái ngược hẳn với khách du lịch nước ngoài.
Thấy tôi có vẻ tò mò, bạn tôi còn giải thích thêm là Hồi giáo là một trong những tôn giáo chính ở Malaysia, và họ rất coi trọng việc ăn mặc kín đáo, nên du khách đến những nơi như thế này cũng không nên ăn mặc hở hang, và với những người theo đạo Hồi, việc các cặp đôi nắm tay nhau tại nơi công cộng là điều cấm kỵ. Những điều thú vị về đạo Hồi như thế này, sau đó tôi có dịp tìm hiểu kỹ hơn qua những ngày tháng sống ở Malaysia và Indonesia.
(Còn tiếp)
Bài & Ảnh: Kaze Hoa
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần