Đức Tuấn: Chẳng bỏ cơ hội nào, dù mong manh nhất

29/04/2013 14:07 GMT+7 | Âm nhạc

(giaidauscholar.com) - Gặp được Đức Tuấn thời điểm này không dễ. Hầu như ngày nào anh cũng phải đi tập cùng ngôi sao Broadway Michael Parks Masterson. Trước khi anh bay sang Anh để ký kết một hợp đồng quan trọng cho sự nghiệp của mình, đã dành cho chúng tôi một  cuộc trò chuyện.

Sẽ có 3 năm hoạt động nhạc kịch tại Anh, Mỹ

* Có vẻ đây là hợp đồng mà anh mong chờ đã lâu, được hợp tác cùng một công ty quản lý nước ngoài và họ sẽ giúp anh tiến ra thị trường Anh, Mỹ?

- Tôi gặp họ tại Hội chợ băng đĩa Midem tổ chức ở Cannes, Pháp, hồi đầu năm nay. Đây là một hội chợ thương mại lớn nhất thế giới của ngành công nghiệp ghi âm. Đây cũng là nơi trao đổi, tìm hiểu lẫn nhau, giới thiệu lẫn nhau, xúc tiến hợp đồng, ký kết giữa các hãng băng đĩa và các ca sĩ trên thế giới.

Thời điểm này tôi chưa thể nói tên của công ty vì hợp đồng chưa chính thức ký kết. Tôi chỉ có thể nói đây là một công ty lớn, quản lý khá nhiều ca sĩ nổi tiếng như Judie Tzuke, Stephen Bishop… Họ cũng làm việc với rất nhiều danh ca như Seal, Britney Spears, Tom Jones… Sau khi nghe đĩa của tôi thì hai bên quyết định làm việc cùng nhau. Hợp đồng này kéo dài 3 năm trong đó năm đầu tiên tôi sẽ bỏ vốn và phải học lại rất nhiều từ kỹ năng hát tiếng Anh và cách hát, trong hai năm tiếp theo công ty sẽ lo toàn bộ cho tôi và chia phần trăm theo từng năm.

Trong 3 năm này tôi sẽ có cơ hội được tham gia hoạt động trong lĩnh vực nhạc kịch ở Anh và Mỹ. Những album trước đây sẽ làm lại và bán ở thị trường nước ngoài. Đối với tôi đây thật sự là một cơ hội tuyệt vời và vì nó mà tôi tạm gác những dự án mà tôi ấp ủ bấy lâu. Biết đâu qua chuyện này mà sau đó tôi sẽ làm tốt hơn những dự án khác.


* Thật ra, việc hát classic-crossover (bán cổ điển), nhạc kịch (musical) ở hai thị trường như Anh và Mỹ chẳng khác nào chui đầu vào lửa. Anh có nghĩ đến chuyện này?

- Đúng là các nghệ sĩ Anh hay Mỹ còn khó chen chân ngay chính trên thị trường đất nước mình. Tuy vậy, công ty này nhìn theo một hướng khác, họ hứng thú với hướng đi của tôi, chuyện tôi mang ngoại hình kiểu châu Á, hát tiếng Anh tốt… Tôi nghĩ chẳng ai dám hợp tác với người mà họ không nhìn thấy được phần nào cơ hội có thể gặt hái. Họ cũng bảo đảm tôi sẽ có những cơ hội chen chân trong thị trường này.

* Có một thực tế rằng ở nhiều nước khác, nhiều nghệ sĩ tìm đường ra nước ngoài để nâng cao danh tiếng của mình với thị phần trong nước. Anh có nghĩ đó là cách mà mình đang đi?

- Có thể. Nhưng nếu cơ hội của tôi thành công thì đó là một điều rất tốt chứ.

* Còn nếu không thành công?

- Ít ra tôi sẽ có những kinh nghiệm quý. Tôi luôn là người tận dụng những cơ hội, dù là mỏng manh nhất. Tôi không ngại thử thách, nếu thất bại tôi vẫn có được những giá trị kinh nghiệm cho riêng mình mà theo tôi điều đó vẫn hoàn toàn bổ ích. 


Tiên phong với Bluray

* Có phải vì dự án này mà trong sản phẩm âm nhạc sắp phát hành của anh lại mang hơi hướng hiện đại hơn, nâng cấp hơn, dạng audiophile dành cho những người mê âm thanh, cũng là một cách để giới thiệu mình ra bên ngoài tốt hơn?

- Đĩa nhạc này tôi làm cùng với nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam (Vincent Nguyễn), đây là một dự án audiophile đầu tiên mà tôi làm, với một ngân sách không tiết kiệm. Tất cả được thu trong một phòng thu danh tiếng của Đức, từng được giải Grammy về ghi âm, không gian của nó là acoustic và anh Vincent đã phối rất hay. Vì xác định ngay từ đầu tiên là sẽ làm audiophile nên ngay từ khi thu tôi đã thu theo tiêu chuẩn HD, sau đó sẽ mang đi master thành 3 loại: vinyl (đĩa nhựa), CD thông thường và Bluray Audio.

* Thật sự thì tôi nghĩ thế này: một album phát hành dưới dạng CD thì rất phổ thông rồi, phát hành thêm đĩa nhựa thì hiện nay cũng đang rất được chú ý nên cũng không nhiều thắc mắc nhưng ở Bluray Audio (thế hệ đĩa quang học được định dạng theo kiểu mới, có thể ghi lại và phát lại hình ảnh cũng như âm thanh có chất lượng cao hơn hẳn so với trước kia) thì hơi lạ. Trước đây đã từng có rất nhiều album nước ngoài được sản xuất theo kiểu DVD Audio với phần âm thanh có thể nói là miễn bàn nhưng rồi thị trường cho loại sản phẩm này không chuộng và giờ thì các nhà sản xuất đã gần như ngưng DVD Audio. Và giờ là đến Bluray audio, một sản phẩm có chất lượng âm thanh còn tốt hơn DVD rất nhiều nhưng lại vẫn cứ kén người mua và người ta chưa biết tuổi thọ của loại sản phẩm này có dài lâu hay không. Để phát hành dưới dạng này, anh có nghĩ về thị trường ở Việt Nam cho dù có thể nói anh là người đầu tiên phát hành dạng này?

- Tôi không nghĩ Bluray ở Việt Nam hiện nay đòi hỏi người mua phải là những người nhiều tiền. Đầu Bluray cộng với dàn âm thanh 7.1 bây giờ mua ở thị trường phổ thông cũng chỉ tầm 15 triệu. Đúng ra trong 3 sản phẩm này tôi lại thấy vinyl (đĩa nhựa) mới là sản phẩm kén người mua và đòi hỏi chất lượng cao nhất. Một đĩa vinyl anh bán cả triệu đồng nhưng một đĩa Bluray tầm 700 ngàn thì tôi nghĩ phân khúc Bluray vẫn dễ thở hơn.

Ở album mới này, việc tôi làm thành 3 sản phẩm là để phục vụ cho cả 3 phân khúc: phổ thông, trung cấp và cao cấp. Tôi hy vọng ở bất cứ phân khúc nào tôi cũng sẽ được đón nhận. Âm nhạc ngày càng phát triển thì tôi nghĩ chất lượng âm thanh cũng phải được phát triển đúng với tầm vóc của nó. Còn chuyện tiên phong hay không thì tôi không nghĩ đến.


Đang rất tin vào mình

* Việc đem các dự án âm nhạc ra nước ngoài để sản xuất dường như đang là một chuyện mới lạ ở thị trường Việt Nam, từ Tùng Dương đến Đoan Trang, giờ là đến Đức Tuấn. Cá nhân anh khi mang dự án của mình sang Đức thu âm, anh nghĩ gì?

- Tôi biết anh Vincent Nguyễn từ rất lâu rồi và dự án âm nhạc Phạm Duy đã được tôi và anh ấy lên kế hoạch gần 2 năm nay. Với lại cũng cần phải nói thật thế này. Làm ở nước ngoài là một chuyện, thu ở đâu lại là một chuyện khác. Như trường hợp của tôi, thì đĩa của tôi thâu tại một phòng thu tên tuổi ở Bonn (Đức) và giá của nó không hề rẻ chút nào. Nhưng điều đó làm tôi rất yên tâm và chắc chắn chất lượng của album này được đảm bảo và đúng chuẩn audiophile mà tôi mong muốn. Đức vẫn luôn là một trong những nước hàng đầu về ghi âm và mastering. Những dự án âm nhạc một khi đem ra nước ngoài làm tôi nghĩ đều có nguyên nhân cả, về không gian âm nhạc lẫn chất lượng. Khi làm đĩa nhạc này tôi đơn giản muốn có một album audiophile thật sự cho người Việt Nam với chất lượng âm thanh đúng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Với những ca sĩ theo dòng chính thống như tôi thì tôi nghĩ sớm muộn ai cũng sẽ phải đặt mục tiêu cho ra những sản phẩm audiophile mà thôi.

* Có quá trễ hay không?

- Khó có thể nói rằng điều này có trễ hay không. Tôi yêu thích nhạc kịch, ở thời điểm này đối với tôi là quá trễ nhưng tôi vẫn theo nó tới cùng. Chuyện sớm muộn không nói lên điều gì cả. Điều kiện ở Việt Nam giờ này mới phát triển audiophile và thì sẽ sớm có người làm ra sản phẩm theo tiêu chuẩn ấy, dù nước ngoài đã làm từ rất lâu.


* Anh có nghĩ mình đang mạo hiểm?

- Tôi không mạo hiểm. Điều mà tôi đang làm tôi chỉ thật sự vô tư nghĩ là mình đang làm cho âm nhạc. Có thể chưa ai làm nhưng tôi làm, không phải để tuyên bố gì cả mà nhiều khi chỉ muốn khuấy động phong trào. Đĩa vinyl ở Việt Nam càng làm càng lỗ trong khi ở nước ngoài giá của nó lại không cao chút nào. Đó là bởi họ có một thị trường tiêu thụ khổng lồ còn Việt Nam thì rất chừng mực. Nếu ai cũng ra sản phẩm này thì tôi nghĩ rồi sau đó chuyện này sẽ là rất bình thường.

Khi tôi làm Music Of The Night (năm 2009) nhiều người bảo tôi mạo hiểm nhưng giờ nhìn lại, chữ “nhạc kịch” đã được nói rất nhiều và nhận được sự đồng tình của rất nhiều người.

Khi tôi làm Paradiso cũng vậy, ai cũng sợ tôi mạo hiểm. Nhưng hiệu ứng sau đó thì tôi thấy rất nhiều chương âm nhạc, live show đều dùng màn hình, hiệu ứng sân khấu như cách tôi đã làm.

Và ở sản phẩm âm nhạc này, một lần nữa tôi rất tin vào mình. Mỗi sản phẩm âm nhạc mới tôi đều muốn làm được điều tốt nhất có thể. Một khi khả năng tôi làm được thì chẳng có lý do gì khiến tôi không làm.

Tôi không ngại thử thách, nếu thất bại tôi vẫn có được những giá trị kinh nghiệm cho riêng mình mà theo tôi điều đó vẫn hoàn toàn bổ ích- Ca sĩ Đức Tuấn

* Đĩa mới về chất lượng nhưng nội dung thì sao?

- Đĩa nhạc này là những sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy nhưng có hơi nhiều khác biệt so với những đĩa Phạm Duy trước đây của tôi. Đĩa này sẽ làm theo kiểu acoustic, hơi hướng unplugged không mang tính điện tử. Cái khác nữa là album Phạm Duy lần này sẽ hơi tối hơn. Trước đây, mọi người quen Phạm Duy với những bài nhạc tình, còn bây giờ là những bài mang tính triết lý của Phạm Duy về cái chết (Đức Tuấn đặt  tên album là Requiem  - Cầu hồn). Màu sắc tối tăm tượng trưng cho cái chết nhưng những triết lý của ông trong những ca khúc này lại không hề u tối mà là những cái chết huy hoàng.

Có thể thấy điều này trong các ca khúc như Đường chiều lá rụng hay Nắng vàng rực rỡ…, cái chết không phải là sự chấm dứt. Lúc còn sống nhạc sĩ Phạm Duy đã định làm một dự án về triết lý này và tôi chỉ thực hiện một phần trong dự án đó. Sau khi ông mất thì tôi không biết dự án của ông ai sẽ tiếp tục làm, có lẽ là anh Duy Cường, còn phần mình thì tôi đang sắp sửa hoàn thành. Tôi cũng muốn phát hành nó vào ngày 5/10, đúng dịp kỷ niệm ngày sinh nhạc sĩ Phạm Duy.

* Trong con đường âm nhạc của anh có thể thấy nổi rõ 2 cụm: Cụm nhạc kịch và cụm tác giả - tác phẩm. Về nhạc kịch thì tôi nghĩ anh đang làm đúng hướng, vẫn mang tính tiên phong nhưng ở tác giả - tác phẩm có vẻ như Đức Tuấn hơi tham khi hát rất nhiều tác giả. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, nếu như anh gắn bó với một người thì có lẽ sẽ hay và sâu hơn nếu hát nhạc của nhiều người khác. Anh nghĩ sao?

- Tôi không phân biệt nhạc mới hay nhạc cũ. Đơn cử như Phạm Duy. Tôi đã hát nhạc của ông rất nhiều và nếu nói không ngoa, nhắc đến nhạc Phạm Duy thì cũng sẽ hiện lên cái tên Đức Tuấn. Tôi luôn muốn hát nhạc của nhiều người mà tôi thật sự thích và mỗi một người tôi đều dành thời gian rất lâu để nghe, nghiên cứu và đưa âm nhạc của họ trở thành của mình. Tôi là người cầu toàn trong âm nhạc, lúc nào cũng dư năng lượng làm việc và tôi nghĩ tôi vẫn rất hứng thú với thể loại này.

Cung Tuy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm