Vì sao vẫn chưa xử lý bia đá phản cảm ở đền Trần-Thái Bình?

04/05/2015 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Liên quan đến việc 6 tấm bia đá “dựng chui” tại Di tích quốc gia đặc biệt - Khu di tích lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), đến ngày 4/5, tức là hơn 10 ngày sau khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình có báo cáo số 35/BC-SVHTTDL ngày 23/4 gửi UBND tỉnh về những sai phạm trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, chính quyền huyện Hưng Hà, Ban quản lý di tích đền Trần-Thái Bình… vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Công Khanh, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hưng Hà, ngày 3/5, Ban quản lý di tích Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần đã dùng vải đỏ khổ rộng để che 6 tấm bia mới dựng đặt vào ngày 19/4 tại 3 đền thờ các vua và 3 gò mộ các vị vua triều Trần. Việc làm này của Ban quản lý di tích nhằm đảm bảo mỹ quan cho di tích cũng như không gian, cảnh quan kiến trúc. Cũng theo ông Khanh, sau khi sự việc xảy ra, địa phương đã khẩn trương liên hệ với Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế Trí Tài (quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội) dịch thuật nội dung văn bia, gửi các bản dịch về cho chính quyền huyện Hưng Hà.


Đây là cơ sở để cơ quan chức năng, ngành văn hóa huyện Hưng Hà so sánh, đối chiếu, tìm ra những sai phạm về mặt nội dung, từ ngữ... và lên phương án sửa chữa các nội dung văn bia. Đồng thời, địa phương tiếp tục liên hệ với cộng đồng người Thái Bình ở Cộng hòa Séc để bổ sung, sửa chữa lỗi chính tả, dẫn nguồn trích dẫn… trên các tấm bia. Sau quá trình tìm tòi, tra cứu, đối chiếu, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hưng Hà xác nhận những nội dung trên các tấm bia được trích dẫn từ Tập 1, sách Đại Việt Sử ký Toàn thư (Nhà xuất bản Thời Đại xuất bản năm 2010). Tuy nhiên, liên quan đến công tác khắc phục những sai phạm, khiếm khuyết trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, địa phương vẫn phải chờ chỉ đạo cụ thể từ tỉnh.

Qua tìm hiểu được biết, việc sưu tầm, tạo mẫu bia được Phòng Văn hóa-Thông tin ký hợp đồng thực hiện với một cá nhân đang sinh sống trên địa bàn thành phố Thái Bình; 6 bia đá có xuất xứ từ làng đá Ninh Vân, tỉnh Ninh Bình.

Sáng 16/4, Phòng Văn hóa-Thông tin báo cáo về việc dựng bia ở Khu di tích lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần. Ngày 17/4, Phòng Văn hóa-Thông tin báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh về nội dung văn bia, kế hoạch tổ chức việc dựng bia vào ngày 19/4. Cũng trong sáng 17/4, chỉ duy nhất tấm bia ở một gò mộ vua Trần được dựng xong. Rạng sáng 19/4, công tác dựng 6 tấm bia mới được hoàn tất.

Theo ông Nguyễn Công Khanh, trong ngày 17 và sáng 18/4, Phòng đã báo cáo vụ việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình qua mạng liên thông và qua đường bưu điện. Ông Nguyễn Hữu Hưng - Trưởng phòng nghiệp vụ, ông Phạm Văn Hóa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng lần lượt có mặt tại địa bàn vào các ngày 17 và 18/4. Đặc biệt, ngày 18/4, khi bia đền Mẫu chưa dựng xong, ông Hóa cũng về đền Trần. Vậy mà báo cáo số 35/BC-SVHTTDL của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 23/4 lại khẳng định từ khi Ban quản lý di tích dựng bia, Sở không hề hay biết là điều vô lý.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 4/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình cũng đã báo cáo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Xuân Tiến – Nguyễn Lành (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm