Nhạc kịch Việt Nam - Ước mơ vươn tới một ngôi sao: Người trong cuộc nói gì?

22/01/2017 14:03 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Những người trong cuộc: Đạo diễn Tây Phong, Nguyễn Phi Phi Anh, Hoàng Quân Buffalo chia sẻ về nhạc kịch Việt Nam.

Đạo diễn Tây Phong: Cứ đi rồi sẽ thành đường

Để kể ra những khó khăn khi làm vở nhạc kịch La vie Parisienne (Cuộc sống Paris) thì nhiều lắm.

Trước hết xin nói về diễn viên. Diễn viên có kỹ thuật thanh nhạc thì yếu về diễn xuất. Diễn xuất của họ là kiểu diễn xuất bề ngoài chứ không có nội tâm ở bên trong. Còn diễn viên kịch thì hoàn toàn không thể hát, nhất là khi vở vẫn thuộc phong cách opera.

Ca sĩ lại thường chú trọng việc hát đẹp. Còn tư duy, quan điểm về vẻ đẹp của hát trong nhạc kịch lại phụ thuộc vào nhân vật trong tác phẩm chứ không phải đơn thuần là cách hát. Chẳng hạn bài hát trong vở đòi hỏi phải thể hiện sự cáu kỉnh, giận giữ như người ta đối thoại thật thì giọng của diễn viên mình lại chỉ có một kiểu, và kiểu này dùng chung cho tất cả các tâm trạng!


Đạo diễn Tây Phong

Không chỉ thế, họ lại không thể tập trung hoàn toàn tâm trí cho vở bởi trong 3 tháng tập luyện Cuộc sống Paris, tất cả các diễn viên đều phải đi làm những công việc khác để kiếm sống.

Tôi đã từng tuyển gần chục diễn viên từ ngành kịch nói cho vở này nhưng cuối cùng phải bỏ hết, chỉ giữ lại duy nhất một người. Vì họ không thể đáp ứng được phần hát và phần diễn xuất lại trội hơn hẳn dàn diễn viên có gốc là thanh nhạc, tạo ra một mặt bằng rất không đồng đều.

Nhưng cũng đã có những nhân tố rất phù hợp với bộ môn này. Đó là Hoàng Kim, Nam Khánh (cũng là 2 diễn viên chính của vở Chuyện tình nàng Giáng Hương - PV) hay Khánh Ngọc (vừa đoạt giải nhì tìm kiếm giọng ca opera SLO - ASEAN Vocal Competition được tổ chức lần đầu tiên tại Singapore  - PV).

Về bối cảnh, đạo cụ, không có cách nào khác là phải ước lệ và tận dụng ánh sáng để tạo hiệu quả. Chúng tôi chỉ có 3 buổi tổng tập duyệt ở Nhà hát trước khi công diễn.

Nhưng có lẽ khó khăn lớn nhất là phong cách làm việc mọi người. Thực hiện một tác phẩm nhạc kịch rất cần cách tổ chức, làm việc khoa học. Cách làm việc lộn xộn lâu nay của tất cả các khâu cần được tái cơ cấu và tổ chức lại. Nhưng tôi tin rằng với sự thật tâm muốn tạo ra cái mới, tất cả mọi người sẽ tìm ra cách làm việc phù hợp.

Khó khăn chồng chất, nhưng cứ đi thì sẽ thành đường. Nếu không bắt tay vào làm thì đến bao giờ chúng ta mới có nhạc kịch?

Nguyễn Phi Phi Anh: Sản phẩm là của tôi chứ không phải của Broadway

* Được biết, dự án của anh nhận được số tiền tài trợ đủ để không phải lo bán vé lấy doanh thu bù vào chi phí sản xuất. Không còn khó khăn về tiền, em đối mặt với những khó khăn gì trong quá trình thực hiện dự án này?

- Khó khăn lớn nhất là điều hành tập thể. Tập thể của tôi là một nhóm gần một trăm bạn trẻ, xuất thân từ nhiều môi trường khác nhau, có người không chuyên, có người bán chuyên, có người đang đi học, nhưng hoàn toàn là người trẻ. Chính vì vậy mà họ có một nguồn năng lượng và đam mê rất lớn, lên sân khấu họ cháy hết mình, còn khi đi tập, họ bỏ cả công việc để đến khổ luyện với nhau. Tôi luôn cảm giác mình đang mắc nợ họ và luôn phải tìm đủ chiêu trò để giữ lửa cho họ và làm họ cảm thấy gắn bó với dự án.


Nguyễn Phi Phi Anh - tác giả kịch bản kiêm đạo diễn của 3 vở nhạc kịch thuộc dự án Hope

* Anh tuyển diễn viên từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng tại sao trong vở "Góc phố danh vọng", anh vẫn phải phải sử dụng Bảo Trâm để hát đúp cho nhân vật chính?

- Thật ra tôi đã may mắn tìm được khá nhiều bạn trẻ có tài tham gia làm diễn viên. Ví dụ như vở Đêm hè sau cuối, các bạn đóng vai Vân, Khánh, hay Bà Tị đều có đủ cả 3 khả năng hát, diễn, nhảy.

Còn Góc phố danh vọng tôi làm với mục đích hoài niệm, tri ân những người đã cùng đứng với tôi từ những ngày đầu tiên năm 2012, nên tôi vẫn kiên quyết để Quang Minh và Việt Nga, những diễn viên gốc, thủ vai chính, và vẫn cần những người khác hát hộ. Cũng phải nhấn mạnh rằng, tôi chưa tìm thấy diễn viên nào phù hợp hơn với vai Rudolph và Roxanne hơn hai bạn này. Cho dù họ có thể biết hát nhưng chưa chắc đã hiểu tâm lý 2 nhân vật đó bằng Minh và Nga.

Khi tuyển chọn diễn viên, tôi không hướng đến sự hoàn chỉnh mà tôi hướng đến sự phù hợp và cái tình cảm của người diễn đối với nhân vật. Đặc biệt, sân khấu Góc phố danh vọng là bài toán của cảm xúc chứ không phải của logic.


Một cảnh trong vở "Góc phố danh vọng"

* Anh đã đo hiệu ứng khán giả về mức độ hấp dẫn của kịch bản, lời thoại, lời hát... trong các vở anh đã dựng chưa? Anh tự chấm điểm kịch bản của em ra sao?

- Tôi thấy khán giả phản ứng rất tích cực về kịch bản. Có người thích Đêm hè sau cuối hơn Góc phố danh vọng, họ cho rằng Đêm hè sau cuối có một kịch bản chặt chẽ hơn và bất ngờ hơn và chinh phục họ về trí tuệ. Có người lại thích Góc phố danh vọng ơn vì họ thấy nó gần gũi hơn với đời sống, giàu tình cảm hơn, và phá vỡ các định kiến về cấu trúc kịch bản.

Nhạc kịch Việt Nam - Ước mơ vươn tới một ngôi sao: Nhộn nhịp và… quắt quay

Nhạc kịch Việt Nam - Ước mơ vươn tới một ngôi sao: Nhộn nhịp và… quắt quay

Thời gian gần đây, tại Hà Nội và TP.HCM liên tục xuất hiện những dự án nhạc kịch có quy mô và sự bài bản.

Khi viết kịch bản tôi cố gắng thoát ra khỏi những nguyên tắc, không muốn lặp lại chính mình, và đối với 2 vở này thì tôi hoàn toàn hài lòng. Nghệ thuật không phải để chấm điểm, đơn giản là tôi phải thấy thích thì tôi mới đem ra khoe với mọi người.

* Cảnh trí là một phần rất quan trọng của nhạc kịch Broadway, nhưng cảnh trí trong vở của anh còn hạn chế. Anh có thể nói gì về vấn đề này? Anh mong muốn và có kế hoạch gì khác để giải quyết vấn đề này?

- Tôi thì không thấy cảnh trí của mình hạn chế. Tôi chỉ làm những gì phù hợp với kịch bản chứ không cố để cảnh trí phải to, phải nhiều. Những sản phẩm tôi làm là của tôi chứ không phải của Broadway. Tất nhiên, tôi nghĩ nếu mình có một rạp hát lớn hơn, một sân khấu rộng hơn thì sẽ có thể làm tốt hơn nữa, nhưng hiện tại thì tôi chưa có điều kiện đó.

D.V.A (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm