Đừng 'thi xong xuôi tất cả lại bàn'

13/09/2016 06:42 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017. Theo dự kiến, kì thi này chỉ gồm 5 bài, thi trong 2 ngày.

5 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, một bài về các môn Khoa học Tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học) và một về Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân). Trừ bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn khác thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Tùy theo 2 phương án đang được cân nhắc, thí sinh sẽ phải làm 5 bài thi, hoặc 4 bài (chọn 1 trong 2 bài về Khoa học Xã hội và Khoa học Tự nhiên).

Rồi, sau bài thi tốt nghiệp, có 4 phương thức xét tuyển ĐH, CĐ được đưa ra: dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia; sơ tuyển (dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc kết quả học tập ở THPT) kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh; xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT; phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh.


 Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016

Các trường Đại học có thể lựa chọn một trong các phương thức này.

Tôi tin chắc, đa số độc giả sẽ phải đọc đi, đọc lại những thông tin này vài lần, để có thể hiểu rõ cách tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH,CĐ vào năm tới (nếu được thông qua).

Và đọc xong, hẳn rất nhiều người, sẽ có một suy nghĩ... ích kỷ giống tôi: may mà mình đã qua cái tuổi 18, để phải "vượt vũ môn", bước từ cổng trường THPT vào trường ĐH. Bởi, nhìn lại những năm ấy, dù còn rất nhiều hạn chế trong mặt bằng xã hội, ít nhất chúng ta cũng có một sự ý thức rõ về cách mà những kì thi đang chờ trước mặt sẽ diễn ra – như nó từng diễn ra một cách bất biến với anh,chị và thậm chí là cả cha, mẹ chúng ta từ nhiều năm trước đó.

Còn gọi là ích kỷ, bởi sau cái "thở phào" ấy, nỗi lo sẽ tới tức khắc. Chúng ta quên không xét tới tâm lý của hàng triệu cô, cậu học trò đang ở độ tuổi 17 hoặc thấp hơn – trong đó không loại trừ có cả người thân hoặc con em của bạn bè mình.

Bởi đến giờ, dù vẫn có những ý kiến khen/chê hoặc đánh giá khác nhau về  phương án tổ chức mới này, vẫn không thể phủ nhận được rằng: nếu mọi thứ thành hiện thực, chỉ còn 9 tháng nữa, các sĩ tử tương lai sẽ lại bước vào một kì thi với quá nhiều điểm mới.

Mà, chỉ mới 2 năm trước, chúng ta cũng đã chứng kiến một bước ngoặt cực kì lớn ở kì thi này, khi việc tuyển sinh Đại học và thi tốt nghiệp PTTH được lồng ghép với nhau, thay vì tổ chức 2 kì thi riêng biệt như hàng chục năm trước đây.

Thay đổi liên tục, thí sinh không hoang mang, căng thẳng mới là chuyện lạ.

***

Dù vậy, cần khẳng định, với những thay đổi từ hai năm trước, hình thức thi vừa qua vẫn có thể tạo ra cơ hội cho những học sinh học tủ, học vẹt, quay cóp, nhìn bài trong khi thi. Ngoài ra, số ngày thi kéo dài gây khó khăn trong công tác tổ chức thi, vất vả cho thí sinh, phương thức thi, đề thi, chấm thi chưa khách quan triệt để. Dư luận đã nói nhiều về điều này.

Và, nếu nhìn một cách tích cực, việc lãnh đạo ngành giáo dục tiếp tục sửa đổi mô hình thi để hoàn thiện hơn, cũng là một điều cần được ghi nhận. Ít nhất, điều đó cho thấy ngành giáo dục không bảo thủ và sẵn sàng tiếp nhận những đóng góp từ dư luận, cho một kỳ thi có ý nghĩa bước ngoặt đối với cuộc đời của hàng triệu bạn trẻ như vậy.

Cách thức thi mới, nếu được thông qua, cũng chấm dứt nỗi lo như năm đầu tổ chức kỳ thi,  khi mà để có một tấm vé vào đại học, nhiều thí sinh lao vào cuộc đua rút ra nộp vào “phút chót”. Chấm dứt cảnh thí sinh đánh liều với “canh bạc” đỗ - trượt với nguy cơ rủi ro và như vậy các em bị mất chủ động trong lựa chọn nghề nghiệp.

Nói như thầy giáo nổi tiếng Văn Như Cương, khi ấy, các em phải lao vào "cuộc chơi đỏ đen", không khác gì đánh bạc hay chơi chứng khoán.

Nhưng những thay đổi trên vẫn là dự thảo, xã hội vẫn đang tiếp tục tranh cãi, tiếp tục đóng góp để hoàn thiện hơn. Chỉ mong dù là phương án nào thì cũng cần được chốt sớm, để các học sinh cuối cấp đỡ “hoang mang” và các thí sinh kịp trở tay trong thời điểm quan trọng của cuộc đời.

Bởi sau mỗi lần thay đổi, những mặt tích cực được xã hội thừa nhận, thí sinh phấn khởi, lại có thể xuất hiện những nhược điểm khác. Và các em lại phải chờ thêm để xem Bộ sẽ đổi mới cái gì.

Thấp thỏm, hồi hộp là tâm trạng chung của hàng triệu gia đình vào mỗi mùa tuyển sinh. Chúng ta hãy cố gắng cùng đóng góp để một "mô hình chuẩn" có thể được xác định và không còn thay đổi trong tương lai nữa

Thảo Vy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm