Số bệnh nhân lao phổi mới có bằng chứng vi khuẩn giảm mạnh

29/12/2021 08:25 GMT+7 | Tin tức 24h

(giaidauscholar.com) - Kết quả mô hình đánh giá tác động ngắn hạn của đại dịch COVID-19 lên số ca tử vong do lao trong năm 2020 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, tử vong do lao tăng đáng kể trong năm 2020 và ảnh hưởng đến nhóm bệnh nhân lao dễ bị tổn thương nhất.

Nên xét nghiệm cả lao và COVID-19 khi có triệu chứng nghi ngờ

Nên xét nghiệm cả lao và COVID-19 khi có triệu chứng nghi ngờ

Bệnh lao vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao. Lao là bệnh lây nhiễm qua đường không khí và thực sự không có biên giới. Mỗi ngày trên thế giới có trên 4.100 người chết vì lao và mỗi năm có thêm 10 triệu người mắc bệnh lao.

Theo dự báo, nếu như tình hình phát hiện bệnh nhân lao trên toàn cầu giảm 25%-50% trong vòng 3 tháng (so sánh với mức độ phát hiện trước khi xảy ra đại dịch), ước tính sẽ có thêm khoảng 200.000-400.000 ca tử vong do lao. Mô hình dự báo số người mắc lao có thể tăng thêm 1 triệu ca mỗi năm trong giai đoạn 2020 – 2025.

Theo báo cáo năm 2020 của WHO, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao. Việt Nam đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Từ cuối tháng 4/2021, bắt đầu giai đoạn 4 của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, sự ảnh hưởng của dịch đã làm gián đoạn hoạt động của Chương trình chống lao quốc gia nhiều nhất kể từ đầu năm 2020. Nhiều cơ sở y tế đã tăng ca làm việc để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, sàng lọc, tổ chức cách ly, giám sát, điều trị bệnh nhân nhiễm và nghi mắc COVID-19.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa - Nguồn: Thanh Bình - TTXVN

Do nguồn nhân lực y tế có hạn, nhiều đơn vị đều rơi vào tình trạng thiếu nhân lực cho các hoạt động thường quy của chương trình chống lao. Đồng thời, một số hoạt động chống lao (phát hiện chủ động, xét nghiệm, chẩn đoán, kiểm soát nhiễm khuẩn...) tại nhiều địa phương chưa thể triển khai theo kế hoạch do việc thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng tại nhiều tỉnh, với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Theo thống kê, trong 10 tháng năm 2021, tổng số bệnh nhân lao các thể được phát hiện là 62.998 bệnh nhân. Trong số đó, số bệnh nhân lao phổi mới có bằng chứng vi khuẩn đã giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm 2020, với hơn 8.980 ca bệnh (tương đương với 20,47%). Tổng số bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn giảm hơn 9.840 bệnh nhân, (20,16%). Số bệnh nhân lao phổi không có bằng chứng vi khuẩn giảm hơn 5.550 trường hợp (33,56%).

Tất cả những con số này đều do tác động rõ ràng của dịch COVID-19. Tình trạng giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và công tác phát hiện của Chương trình chống lao quốc gia. So với 10 tháng năm 2020, tình trạng giãn cách xã hội chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn và đến tháng 6/2020, các hoạt động bắt đầu được triển khai trở lại. Tỷ lệ phát hiện các thể/100.000 dân tương tự, giảm mạnh so với 8 tháng năm 2020 (62,6 so với 84,3/100.000 dân).

So sánh với chỉ tiêu đặt ra cho hoạt động phát hiện bệnh trong năm 2021, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao phổi mới và tái phát có bằng chứng vi khuẩn học trên toàn quốc 10 tháng năm 2021 là 37,2/100.000 dân, đạt 50,5% chỉ tiêu kế hoạch phát hiện cả năm (73,6/100.000 dân), tỷ lệ phát hiện tất cả các bệnh nhân mới và tái phát là 61,5/100.000 dân, đạt 52,2% chỉ tiêu kế hoạch phát hiện cả năm (117,9/100.000 dân).

Như vậy, trong 10 tháng năm 2021, với sự tác động của dịch COVID-19 và sự giãn cách xã hội bắt buộc tại nhiều địa phương trên toàn quốc, số liệu phát hiện của Chương trình chống lao quốc gia đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Với việc chỉ đạt được 52,2% chỉ tiêu kế hoạch phát hiện cả năm cho số bệnh nhân lao mới và tái phát (117,9/100.000 dân), Chương trình chống lao quốc gia hiện đang gặp rất nhiều khó khăn thách thức cho việc hoàn thành chỉ tiêu đặt ra trong cả năm 2021.

Trong giai đoạn "bình thường mới", mặc dù các hoạt động xã hội đã bắt đầu trở lại tuy nhiên việc triển khai các can thiệp phòng chống lao còn tương đối thận trọng ở tất cả các tỉnh thành, đặc biệt là những khu vực có tình hình dịch COVID-19 nặng. Việc đẩy mạnh tăng cường phát hiện chủ động - an toàn với COVID-19, ở cả cộng đồng và tại các cơ sở y tế, đồng thời sử dụng tối đa xe chụp X-quang lưu động kỹ thuật số nhằm tăng số bệnh nhân lao được phát hiện đang được tích cực thực hiện để đẩy mạnh kết quả, nhằm phát hiện được các ca bệnh lao trong cộng đồng.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm