06/08/2012 13:24 GMT+7 | Các môn thể thao khác
(TT&VH) - Từng người một, những đối thủ của anh đã xếp hàng để lần lượt bắt tay Michael Phelps ở Trung tâm thể thao dưới nước London. Trong lượt bơi cuối cùng của Phelps, vị vua của những đường đua xanh, với tư cách là thành viên đội nam 4x100 mét hỗn hợp Mỹ, kình ngư 27 tuổi đã giành tấm huy chương thứ 22 và HCV thứ 18 trong sự nghiệp.
“Thật kỳ lạ khi đọc được dòng tít: Nhà Olympic vĩ đại nhất mọi thời”, Phelps nói về chính mình sau khi tuyên bố từ giã sự nghiệp. “Tôi đã kết thúc sự nghiệp của mình theo cách mà tôi muốn”. Thật ra, Phelps chưa bao giờ là người quan tâm tới những kỷ lục. Là Tiger Woods của bơi lội, nhưng không như Woods, người lên một danh sách những việc cần làm, bao gồm vượt qua những cột mốc của Jack Nicklaus, Phelps nhảy xuống nước đơn giản là để thỏa mãn bản thân.
Kỷ lục không quan trọng
Trước khi trở thành VĐV bơi lội đầu tiên đoạt 8 HCV ở Olympic Bắc Kinh 2004, Phelps không hề biết gì về thành tích của Mark Spitz, người đã giành 7 HCV ở Olympic 1972. Tương tự như thế, mãi tới gần đây, qua báo chí, Phelps mới biết rằng có một VĐV thể dục dụng cụ tên Larisa Latynina là mục tiêu của anh, bởi bà đã có 18 huy chương trong một sự nghiệp Thế vận hội kéo dài gần năm thập kỷ.
Phelps chỉ đơn giản nhảy xuống hồ nước, tạo ra nguồn cảm hứng cho cả một thế hệ, cả người Mỹ và người nước ngoài, bằng những cú sải tay của mình, còn thống kê và lịch sử sẽ tự nó đến. Khát khao của anh không phải là xô đổ các kỷ lục, mà trước hết là mang tới một hình ảnh mới cho bơi lội. “Tôi muốn thay đổi môn thể thao này và đưa nó tới một đẳng cấp khác”, Phelps nói. Nếu đúng là như thế, nhiệm vụ của anh đã hoàn thành.
Ngày thứ Bảy, Phelps theo sau Matt Grevers và Brendan Hansen trên đường đua tiếp sức hỗn hợp, rồi 50,73 giây sau, anh giúp người bơi cuối, Nathan Adrian, có được lợi thế mà Adrian đã biến thành chiến thắng thuyết phục trước các đối thủ Nhật Bản và Australia. Những nhà tổ chức Olympic đã đón trước sự kiện này. Hai máy quay được thiết lập ở cả hai bên khi Phelps bước ra khỏi bể, những cái ôm thắm thiết của anh với các đồng đội, khuôn mặt đẫm nước mắt của mẹ Phelps, người đã đứng lên cùng nhiều CĐV khác để vỗ tay vang dội trên khán đài, và cuộc hội thoại ngắn gọn với HLV Bob Bowman, người dẫn đường đã đưa anh tới đỉnh cao: “Những giọt nước mắt của tôi giấu đằng sau kính bơi”, Phelps nói với ông. “Còn nước mắt của ông đang lăn dài trên má”.
22 huy chương của Phelps là một kỷ lục vô tiền và sẽ là khoáng hậu trong nhiều năm nữa. Nếu Phelps là một quốc gia, anh sẽ đứng thứ 60 trong lịch sử Olympic hiện đại và 18 HCV giúp anh đứng ở hạng 36, ngay trên Argentina. Nhưng còn quan trọng hơn, đế chế của Phelps đã thu hút được những triều thần ở khắp nơi, từ Missy Franklin ngay ngoại ô Denver cho tới Chad Le Clos ở Durban, Nam Phi, xa xôi.
Di sản Michael Phelps
Franklin, 17 tuổi, tranh tài ở 7 nội dung tại London 2012, chịu ảnh hưởng về mặt tham vọng, cảm hứng và phong cách từ Phelps. “Anh ấy đã đưa bơi lội lên đến đỉnh cao, khiến nhiều người biết đến và đam mê, trong đó có tôi. Những gì anh ấy làm được thật khó tin, khiến người ta phải suy nghĩ lại về những nỗ lực của mình, để cố gắng hơn. Tôi không cho rằng sẽ có ai làm được như anh ấy. Tôi chỉ hy vọng mình có một chỗ đi bên cạnh anh ấy”, thần đồng này chia sẻ.
Le Clos, 20 tuổi, nói việc theo dõi Phelps giành 6 HCV và 2 HCB ở Olympic Athens đã tạo cảm hứng để anh trở thành một nhà vô địch. Không phải ngẫu nhiên mà Le Clos tham gia 6 nội dung ở London, bao gồm 4 nội dung cá nhân giống hệt với Phelps. Sau khi chứng kiến Phelps lập kỷ lục 8 HCV ở Bắc Kinh, Le Clos cũng đã thêm vào các nội dung thi đấu của mình. Ngày thứ Ba, anh cũng làm nên lịch sử với thắng lợi mang tính biểu tượng khi lần đầu tiên đánh bại Phelps ở một cuộc thi quốc tế lớn sau 10 năm trong nội dung 200 mét bướm.
“Điều đó giải thích tại sao tôi lại xúc động như vậy sau chiến thắng”, Le Clos nói. “Anh ấy là lý do khiến tôi tham gia nội dung bơi bướm. Tôi không hề đùa, và cứ nghĩ đến chuyện đó, bạn sẽ thấy thật điên rồ. Đó cũng là lý do tôi tham gia 200 mét tự do, rồi các nội dung hỗn hợp. Lý do duy nhất khiến tôi chọn những nội dung này là vì Michael cũng đã làm như vậy”.
Để giành được 22 huy chương, Phelps đã phải bơi tổng cộng 46 lần, tính cả các vòng loại và bán kết, ở 3 kỳ Olympic. Sự căng thẳng cả về thể lực và thần kinh là khủng khiếp. Hãy hỏi James Magnussen, một chuyên gia bơi nước rút nội dung tự do người Australia tới London ới tư cách ứng viên hàng đầu trong các nội dung 50 và 100 mét tự do. Anh thậm chí không vào nổi chung kết ở nội dung 50 mét, lỡ HCV nội dung 100 mét tự do với khoảng cách 1% giây và trắng tay cùng đội Australia ở nội dung 4x100 mét tự do tiếp sức.
Người vĩ đại nhất
“Tôi rất tôn trọng những VĐV như Michael Phelps. Anh ấy có thể tới Olympic với rất ít áp lực”, Magnussen nói. Coe, với tư cách là một người Anh, đề xuất rằng VĐV xuất sắc nhất ở Thế vận hội mọi thời là đồng hương của ông, Steve Redgrave, người đã giành HCV ở 5 kỳ Olympic liên tiếp, nhưng nhiều người khác, như cựu vô địch Olympic người Australia, Susie O’Neill, sẽ không ngần ngại chọn Phelps.
“Câu chuyện của Phelps là không thể tin được”, O’Neill, từng giành huy chương ở nội dung 200 mét bướm liên tục từ 1992 tới 2000, nói trong một cuộc phỏng vấn. “Thật điên rồ là anh ấy có thể giành HCV ở 3 kỳ Olympic liên tiếp với 4 nội dung khác nhau”. Với Le Clos, điều đó lại càng không phải bàn cãi: “Thật khó tin khi anh ấy từ giã đường đua, vì tôi luôn lấy anh ấy làm gương, giờ thì mọi chuyện sẽ khó khăn hơn với tôi”.
Với cảm hứng cho cả một thế hệ như thế, còn lớn hơn những tấm huy chương, di sản mà Michael Phelps để lại thực sự là vĩ đại nhất.
Trần Trọng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất