16/11/2008 19:04 GMT+7 | Bóng đá Việt
(TT&VH CT) - Sau sự kiện Santos nhập tịch, bóng đá Việt Nam rộ lên với cơn “sốt” nhà nhà lo thục tục nhập tịch cho những cầu thủ ngoại để mùa 2009 ra sân mà không vướng với công thức 3 ngoại + 8 nội.
Với cách tính ồ ạt nhập tịch cho cầu thủ ngoại (tất nhiên người quyết định chính vẫn là cầu thủ), thị trường bóng đá Việt Nam đang pha trộn nhiều loại nội binh không xuất thân từ cái nôi đào tạo của hệ thống bóng đá Việt Nam mà lại cóp nhặt từ những sản phẩm ngoại có đủ điều kiện làm cầu thủ nội.
Khi ông bầu Đoàn Nguyên Đức tiết lộ Hoàng Anh Gia Lai sẽ nhập quốc tịch cho Sakda và Nirut, nhiều người đã tính đến mùa 2009 Hoàng Anh Gia Lai sẽ rất mạnh bởi cách dùng người và lợi người mà không vi phạm quy chế. Nirut ở tuyến dưới, Sakda ở hàng tiền vệ cộng với sáu nội binh đang chín, Hoàng Anh Gia Lai sẽ còn thảnh thơi với ba vị trí ngoại binh nữa. Với cách tính trên ông Đoàn Nguyên Đức nheo mắt cười chỉ ra chiến công của mình: “Chúng tôi không mua Công Vinh vì giá không phù hợp so với thực tế, chúng tôi không mua Ngọc Thanh vì đã có Tăng Tuấn vừa trẻ vừa chơi tốt. Chúng tôi không chạy đua với nhiều CLB đổ tiền săn cầu thủ nội với cái giá trên trời làm loạn thị trường. Chúng tôi khuyến khích Sakda và Nirut nhập tịch và họ thành cầu thủ nội hơn rất nhiều cầu thủ nội mà giá có tiền tỷ như những cầu thủ nội kém xa năng lực của họ đâu…”.
Việc du nhập chất xám ngoại để phá vỡ công thức 8+3 là một sáng kiến rất láu lỉnh của những CLB và nó là những giải pháp tình thế trong giai đoạn "măng" mọc ít, nhưng "tre" thì cạn kiệt và sự mất cân đối giữa lượng cung và cầu trong hệ thống cầu thủ nội. Đấy là một sáng kiến, nhưng suy cho cùng, nguồn cầu thủ nội giỏi đang là một thứ xa xỉ phẩm quá. Hơn nữa, chính cái thị trường chuyển nhượng ảo đang bát nháo kia đã góp phần giết chết công cuộc đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam.
Khán giả ban đầu sẽ vui biết bao nhiêu khi nghe tường thuật: “Đoàn Văn Sakda phá lưới Phan Văn Santos”, hay "Nguyễn Văn Kesley vượt qua Đoàn Văn Nirut"… Nhưng sau cái vui ấy là cái gì còn lại từ phần lõi của một nền bóng đá chuyên nghiệp theo kiểu “nghiệp dư lĩnh lương cao”.
Mà cái này thì chỉ là ý tưởng của các CLB trong khi những nhà hoạch định chiến lược bóng đá Việt Nam thì quanh quẩn với những chiến lược dang dở trong sự “phát triển đa chiều” và tự phát của các CLB.
Vui với những cái tên ngoại ghép, nhưng thực tế lại là nỗi lo của bóng đá Việt Nam đang bị lai tạp để lách luật.
NGUYỄN GIA ĐĂNG
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất