25/06/2016 05:53 GMT+7 | Euro 2020
(giaidauscholar.com) - Iceland, Wales và nhiều quốc gia “bé hạt tiêu” khác đã tiến bộ vượt bậc để thiết lập một trật tự mới ở EURO 2016.
Một trong các quốc gia sau đây sẽ có mặt trong trận chung kết EURO 2016: Thụy Sĩ, Ba Lan, Croatia, BĐN, xứ Wales, Bắc Ireland, Hungary hay Bỉ. Như nhiều trang mạng đã đưa tin mấy ngày qua, việc phân nhánh có phần kỳ lạ của UEFA đã khiến ở vòng 16 đội EURO năm nay, một nhánh bao gồm các đội đã 11 lần vô địch World Cup và 9 lần vô địch châu Âu tổng cộng, trong khi nhánh bên kia là con số 0 tròn trĩnh.
Lần đầu tiên đáng nhớ
Với việc mở rộng giải lên thành 24 đội, rất nhiều quốc gia tới Pháp mà chưa hề có bất kỳ kỷ niệm nào về VCK EURO. Iceland, đối thủ của tuyển Anh ở Nice, chưa bao giờ được đá một giải lớn. Bắc Ireland thì đã kể chuyện họ đánh bại TBN suốt từ World Cup 1982 tới giờ. Wales còn xa hơn nữa: 1958 là giải lớn gần đây nhất của họ, World Cup ở Thụy Điển. Hungary, từng thua Hà Lan 1-8 vào 3 năm trước, có cả một bảo tàng của những Magyar huyền thoại thờ… Ferenc Puskas.
Nhiều đội như thế đã lách qua những khe cửa hẹp để góp mặt ở vòng 16 đội. Slovakia, Ireland, BĐN và Bắc Ireland đều đi tiếp với vị trí hạng 3. Bắc Ireland có tất cả 3 điểm và ghi được 2 bàn, nhưng ngay cả khi có than phiền về thể thức và lịch thi đấu, việc được chứng kiến nhiều khuôn mặt mới mẻ như thế ở EURO cũng là điều tốt, một sự đổi thay đáng khích lệ so với những ông lớn đã trở nên quá cũ kỹ và quen mặt, vì hầu hết các cầu thủ của họ cũng đá quanh năm suốt tháng tại các giải VĐQG lớn và Champions League.
Eidur Gudjohnsen của Iceland, từng giành 4 chức VĐQG với Chelsea và Barcelona, viết sau chiến thắng vào phút chót trước Áo: “Tôi đã được tham gia nhiều trận đấu lớn trong sự nghiệp, nhưng không trận nào sánh được với hôm nay”. Rất nhiều đội bóng nhỏ khác đang được tận hưởng những khoảnh khắc như thế, nhờ vào quyết tâm và tinh thần đồng đội, chứ không phải các ngôi sao lớn hay những HLV danh giá.
Bóng đá ĐTQG, nơi các cầu thủ đại diện cho niềm tự hào dân tộc, thời gian gần đây đã bị che lấp bởi sức mạnh áp đảo cả về tài chính lẫn chuyên môn của các siêu CLB. Bằng chứng nằm ở sự đoàn kết tuyệt vời giữa các cầu thủ và CĐV của Iceland, Wales, Bắc Ireland và Ireland, đội đã đánh bại Đức và Italy trong 12 tháng qua.
Chủ nghĩa dân tộc
Iceland có một lợi thế. Kari Arnason, cầu thủ chơi hay nhất của họ ở trận gặp Áo, nói “50% sức mạnh” của ĐTQG là nhờ các CĐV. Đó thực sự là một lợi thế lớn, những nhóm CĐV của các đội nhỏ luôn nhiệt tình hơn, đoàn kết hơn, và rất dễ nhận ra trên các đường phố ở Pháp. Họ cũng không bị ràng buộc bởi gánh nặng quá khứ. Lấy ví dụ, dù Wales hay Bắc Ireland thắng trong trận vòng 16 đội, thì đây vẫn sẽ là lần đầu họ vào được tới tứ kết một kỳ EURO, và đó là tối thiểu.
Nếu chủ nghĩa dân tộc đang trở lại ở châu Âu, thì giải đấu này cũng nằm trong xu hướng chung đó. Ở khía cạnh tiêu cực, nó gây ra những vụ ẩu đả và náo loạn cả trong và ngoài sân. Nhưng điều đó cũng có mặt tích cực khi các đội nhỏ chơi đoàn kết hơn, xả thân hơn và vì thế, giúp bóng đá hấp dẫn hơn.
Gareth Bale nói khi giải mới bắt đầu về xứ Wales: “Chúng tôi rất hợp nhau, như anh em vậy, chúng tôi đều là bè bạn, đùa cợt và chơi bóng cùng nhau”. Kyle Lafferty của Bắc Ireland thì nói về trận đấu sắp tới với Wales ở Paris, mà họ bị coi là cửa dưới: “Với quyết tâm sắt đá, chúng tôi thực sự tin chúng tôi có thể đánh bại bất cứ đối thủ nào”. Ngay cả Roy Hodgson, HLV của 23 cầu thủ đại diện cho giải đấu giàu có nhất hành tinh, cũng muốn kể chuyện cổ tích: “Không ai nghĩ Đan Mạch vô địch năm 92; không ai nghĩ Hy Lạp sẽ đăng quang; không ai nghĩ Leicester về nhất ở Premier League. Ở châu Âu ai cũng được quyền mơ”.
Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất