Những nẻo đường EURO: Trên con đường Napoleon đã đi qua

18/06/2016 11:25 GMT+7 | Euro 2020

(giaidauscholar.com) - Bắt đầu từ một vịnh nhỏ có tên Golfe-Juan ở gần Cannes, con đường nhỏ ngoằn ngoèo chạy qua nhiều rặng núi của nước Pháp ấy kéo dài 314 km, qua nhiều thành phố và thị trấn, để rồi kết thúc ở Grenoble tại chân dãy Alps. Hai trăm năm trước, để vượt qua con đường ấy và cuối cùng trở về Paris giành lấy ngai vàng, Napoleon và những người tùy tùng của ông đã mất một tuần. Bây giờ, với một chiếc xe vừa phải, ta chỉ mất vài tiếng cho một hành trình đẹp như mơ trên những triền núi cao.

Trở về để lấy lại nước Pháp

Từ  Địa Trung Hải cho đến trái tim của vùng núi Alps, qua những khung cảnh đẹp tuyệt vời của miền Trung nước Pháp. Đấy là hơn 300 cây số chạy từ Golfe-Juan cho đến Grenoble, với 6 ngọn đèo trên núi cao chừng hơn 1 nghìn mét, những khúc cua bất tận của núi đá chạy dài trước mắt, những thung lũng xanh thẳm và những con đường hiểm trở chạy tít trong mây. Xen kẽ trong chiều dài của chặng đường là những cánh rừng ô liu và cánh đồng hoa oải hương, những thị trấn nhỏ thơ mộng nhìn lúc nào cũng như đang ngái ngủ của vùng Bờ Biển Thiên Thanh và vùng núi Alps, với những nhà thờ bằng đá, những quán ăn nhỏ và lãng mạn như mời chào người đi qua dừng chân lại ít lâu trước khi tiếp tục một hành trình đặc biệt để hòa mình vào trích đoạn rất nhỏ của một câu chuyện bi hùng của lịch sử Châu Âu. Bao trùm tất cả là một không khí thanh bình và rất trong lành, với tiếng chim hót líu lo, tiếng bọn trẻ con đang chơi trong một khu vườn gần đó, cả tiếng của Dalida đang cất lên từ một đĩa than giữa buổi chiều của một ngày tháng 6.

Đấy chính là con đường mà Napoleon đã đi vào năm 1815 để trở lại với quyền lực và tham vọng cứu lấy danh tiếng của ông và của nước Pháp. Hai thế kỉ sau, có một người mến mộ vị Hoàng đế Pháp cũng đi theo đúng lộ trình ấy để cảm nhận thiên nhiên hùng vĩ và để tự mình sống lại những câu chuyện lịch sử mà người đó đã đọc được từ nhiều năm trước, trong những trang sách mà các sử gia đã dành hết tâm huyết vào đó, trong một chuyến đi mà nay, sau bao năm mới thành hiện thực. Người ấy chính là tôi, người đã đến thăm nhiều chiến trường xưa của các cuộc chiến tranh thời Napoleon đầu thế kỉ 19 trong nhiều chuyến đi khác của mình trên đất Châu Âu, đã đến thăm ngôi mộ của ông trong điện Invalides ở Paris và mới rồi cũng ghé qua ngôi nhà nhỏ nhưng rất đẹp nhìn ra vịnh Portoferraio của ông trên đảo Elba ở ngoài khơi xứ Tuscany, Italy. Cũng chính từ hòn đảo ấy, sau 10 tháng bị đi đầy sau khi thoái vị vào tháng 4/1814, kết thúc 10 năm trên ngôi vị Hoàng đế và những cuộc chiến tranh lan khắp Châu Âu cướp đi của nước Pháp và các nước khác hàng triệu mạng người, Napoleon và những người tùy tùng của mình đã bí mật trốn khỏi đảo, thoát sự quản thúc của quân Anh và trong một ngày biển lặng, cập cảng Golfe-Juan ở gần Cannes để trở về Pháp nhằm lấy lại những gì đã mất.

“Buổi tối thật tuyệt vời. Không khí rất trong lành và nơi đây thật thanh bình. Biển lặng và trên trời còn sót lại những tia nắng cuối cùng của buổi hoàng hôn”, một đại úy trong đoàn quân hộ tống Napoleon đổ bộ lên cảng cá Golfe-Juan ngày ấy đã viết như thế trong hồi kí. Bây giờ, ở cảng du lịch lớn nhất của vùng Bờ Biển Thiên thanh, người ta tưởng nhớ sự kiện đổ bộ ấy bằng một bia đá rất đẹp. Ngày ấy, con đường đến Cannes rất nhỏ và hai bên là những cây tùng. Thành phố của Liên hoan phim Cannes nổi tiếng thế giới khi đó chỉ là một làng chài nhỏ xíu. Hai trăm năm sau, cái tên Napoleon được lưu lại trên một con đường ở Cannes, phố Bivouac Napoleon, nằm ngay cạnh nơi mà năm nào cũng tổ chức Liên hoan phim. Chính ở chặng nghỉ chân ấy, Napoleon đã quyết định chọn con đường núi đến lên phía Bắc, đến Grenoble, để tránh đụng độ với quân đội của Vua Louis XVIII. Con đường cứ thế đi mãi, từ Cannes đến Grasse, nay được coi là thủ đô nước hoa của nước Pháp và thế giới, qua Saint Vallier de Thiey, Castellane, Digne, Majilai và Laffrey, nơi Napoleon lần đầu tiên đụng đầu quân đội mà nhà vua phái đến bắt ông. Ở đó diễn ra một sự kiện đáng nhớ, khi quân lính nhất loạt ném vũ khí xuống đất để chạy ra ôm lấy ông, tung ông lên cao, người trước đó đã vạch áo và ưỡn ngực ra phía trước họ, nói một câu bất hủ: “Ai muốn bắn vào Hoàng đế của các người?”. Một bức tượng Napoleon cưỡi ngựa đã được dựng lên ở chính nơi ông cất lên câu nói đó.

Và rồi, mọi thứ cũng kết thúc trong cát bụi

Cuộc vượt núi kết thúc ở Grenoble và từ đó Napoleon lên Paris, lấy lại ngai vàng, tổ chức lại quân đội và bắt đầu một thời kì ngắn ngủi đứng đầu nước Pháp kéo dài 100 ngày. Nhưng rồi tất cả kết thúc với Napoleon vào tháng 6/1815, khi ông thất bại ở trận Waterloo trên đất Bỉ. Hành trình đời của ông kết thúc 6 năm sau đó, trên đảo Sainte Helene ở tận Ấn Độ Dương xa xôi. Con người của một thời kì lịch sử bi tráng của Châu Âu ấy đã để lại rất nhiều những ấn tượng, kí ức, những công trình nghiên cứu không dứt về ảnh hưởng của ông, các cuộc chiến và chính sách của ông trên nhiều lĩnh vực. Tôi không phải là một nhà nghiên cứu về Napoleon, nhưng tôi ngưỡng mộ ông, nhưng không quá mù quáng để không nhận ra phía kia của những cuộc chiến đẫm máu không phải là vinh quang cá nhân, mà là những đau khổ của bao dân tộc.

Những công trình vĩ đại cuối cùng cũng đổ nát tan tành trong những thất bại khi những người hùng không chống lại nổi sức mạnh của thời đại và sự đoàn kết của các dân tộc. Nhà thiên tài quân sự đã lật đổ những chế độ phong kiến và mang tư tưởng của cách mạng Pháp tới các nơi bị ông chiếm đóng đã không thể cưỡng được dòng chảy của lịch sử khi trở thành trở lực của một Châu Âu khao khát hòa bình sau hơn hai thập kỉ biến động vì chiến tranh. Lịch sử của Châu Âu và thế giới đã được hình thành từ những cuộc chiến và những con người như thế, với rất nhiều máu đã đổ trong hàng bao thế kỉ qua. Nhưng thực ra chúng ta đã học được gì từ những cuộc chiến như thế, và lịch sử Châu Âu thế kỉ 19 sẽ như thế nào nếu như Napoleon không thể trở lại ngai vàng trong thời gian ngắn ngủi vào năm 1815, sau một hành trình như mơ trên những con đường của rặng núi mà chính tôi cũng đã đi để tưởng nhớ một thời đã qua, khi bóng người xưa không còn nữa, chỉ còn những kí ức ở lại? Điều gì sẽ xảy ra nếu quân lính bắn ông ở Laffrey và điều gì nữa sẽ đến nếu Napoleon thắng ở Waterloo, khiến lịch sử sẽ thay đổi?

Tôi ngồi nghĩ mông lung như thế trong một quán cà phê ở Saint Vallier de Thiey, một ngôi làng nhỏ với những ngôi nhà bằng đá ngự trị trên một cao nguyên xanh ngắt những cây và là một trong những điểm đầu tiên của hành trình. Hai thế kỉ trước, Napoleon đã nghỉ chân tại đây, dưới bóng của một cây tùng lớn. Bây giờ, ở nơi ông đã ngồi lại có một cây cột bằng đá có ghi “Napoleon đã dừng chân tại đây ngày 2/3/1815”. Cây cột nằm ở khúc cua của con đường Golfe-Juan đi Grenoble và có thể nhìn thấy từ rất xa. Cạnh đó là một quán ăn mà trên bức tường lớn nhìn ra đường cái in bản vẽ lại bức tranh Napoleon đang cưỡi ngựa vượt đèo Saint Bernard của Jean-Louis David. Ở đây, trên con đường này, người ta sống trong những kí ức của một thời đã qua không trở lại. Tên của Napoleon xuất hiện ở khắp nơi, trên những bảng đá chỉ dẫn, trên biển của những quán ăn, khách sạn, những tấm biển ghi nhớ sự kiện gắn liền với hành trình một tuần của vị Hoàng đế lỗi lạc vào tháng 3/1815.

Tên của ông có trong những trang sách và trong tim của nhiều người. Có không ít người đã thực hiện một hành trình 300 km trên con đường ngày đó ông đã đi để tưởng nhớ ông, như một nhân vật của lịch sử đã tạo nên nhiều cảm xúc, tạo nên cả những giấc mơ chinh phục trong thế giới nhỏ bé của mình, chẳng hạn đọc những gì viết về ông khi còn nhỏ, bùng lên khao khát đi, và một ngày nào đó, nhiều chục năm sau đó, được số phận đưa đẩy đến chính những nơi đã ghi dấu ông và thời đại của ông. Trong số họ, có tôi... 


Trương Anh Ngọc (từ Saint Vallier de Thiey, Pháp)
Thể thao & văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm