Patrice Evra: Bay đi giữa hai miền yêu - ghét

23/07/2014 14:11 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Từ nơi được yêu mến Manchester United đến nơi bị ghét bỏ Juventus, Patrice Evra “bay” tiếp hành trình yêu-ghét xuyên suốt sự nghiệp của mình.

Bạn sẽ thấy sự đối lập rất rõ ràng. Trang facebook của Manchester United tri ân Patrice Evra bằng một tấm ảnh kèm lời cảm ơn. Bên dưới: “ForEVRA a Red”, một cách chơi chữ “Mãi mãi là Quỷ đỏ, Evra”. “Cảm ơn anh bạn, cảm ơn Evra về mọi thứ”.

Juve cũng cố gắng đón chào Evra bằng một tấm hình photoshop công phu, xen vào hai màu đen trắng của CLB, ngụ ý anh đã mang sắc thái của một Bianconero. Bên dưới, các dòng bình luận: “Phải rồi, 33 tuổi và vô dụng. Mang Conte về đây nếu không muốn chúng ta thành Milan”. Mỉa mai: “Có thể họ thấy tệ khi chẳng biết bào chữa gì về vụ Pogba nên gài Evra cho chúng ta”.

Lao vào tâm bão

Sự căm ghét lộ rõ trong từng phản ứng của CĐV Juventus. Allegri, Alvaro Morata và Patrice Evra như ba liều thuốc kích thích cái đầu nóng của họ, mà liều sau nặng hơn liều trước. Họ không muốn Allegri. Họ đổ lỗi cho Alelgri, một chuyên gia gây chấn thương cho cầu thủ Milan các năm trước vì Morata chấn thương ngay trong buổi tập đầu tiên. Họ căm ghét Evra và cho rằng anh, 33 tuổi, cũng là một sản phẩm để “già hóa” Juve như Milan thời Allegri thuở nào.

Evra chưa nói gì nhiều ngoài vài ba câu xã giao. Nhưng anh chắc cảm nhận được mình đã bay vào một thế giới khác, nơi người ta trừng mắt nhìn anh xét nét, không có sự thân thiện và trìu mến. Juventus, một phần nào đó giống AC Monza, đội bóng Evra từng khoác áo khi khởi nghiệp, nơi anh là cầu thủ da đen duy nhất trên đảo: “Khi chúng tôi đá ở Palermo, tôi cứ chạm bóng là 2 vạn người hú lên tiếng khỉ”, Evra kể lại. Torino có lẽ không điên loạn như vậy. Nhưng hoàn toàn có thể ném Evra vào góc tối, đẩy anh vào “nỗi cô đơn và cảm thấy bị cô lập”.

Thích sự khảng khái, hãy yêu Evra

Patrice Evra, con trai của một nhà ngoại giao Senegal, lớn lên trong gia đình gồm 25 anh chị em tại các khu trung cư ở Les Ulis, một nơi khó khăn của tỉnh Essonne mà Thierry Henry từng mô tả: “Bạn phải trả lời câu hỏi: Tồn tại hay diệt vong”. Evra lớn lên trong tư thế luôn phải gồng mình, mà tại Monaco, anh bảo: “Tôi có xu hướng hay nổi giận và muốn giải quyết rắc rối bằng nắm đấm”.

Anh không được học hành nhiều, trả lời tiếng Pháp thường xuyên sai ngữ pháp, và mất tới 4 năm rưỡi từ ngày chuyển đến Man United mới đủ vốn tiếng Anh trả lời báo chí. Nên Patrice Evra sống như một Gennaro Gattuso: bộc trực, không có sự tinh tế của một ngôi sao được chú ý. Ở Anh, anh bị Steve Finnan phân biệt chủng tộc. Sau đó dính vào rắc rối với Luis Suarez, mà báo chí nhiều khi mô tả Evra như nhân vật phản diện chứ không phải người bị hại.

CĐV Man United yêu Evra từ cái tay đưa ra làm lành với Suarez sau scandal (Suarez rụt tay vào). Yêu anh ở nụ hôn lên logo Man United ngay tại Anfield. Evra không giỏi ăn nói, nhưng là người đầu tiên lên tiếng khi Man United bị loại khỏi vòng bảng Champions League 2011-12 (“chúng tôi phải đứng trước gương mà tự vấn”). Anh đủ quảng đại để không căm ghét nước Pháp sau sự cố đồi Knysna mà anh là đội trưởng tuyển Pháp, bị cáo buộc lôi kéo đồng đội bỏ tập. Mùa trước, anh bỏ phiếu cho Suarez giành giải cầu thủ xuất sắc nhất nước Anh.

“Hậu vệ cánh giỏi như một chú chim quý hiếm”, Sir Alex viết trong tự truyện khi ông nhìn thấy Evra chơi bóng lần đầu. Ông đã sở hữu được chú chim quý ấy, biến Evra thành cầu thủ nước ngoài nhưng thấm nhuần tinh thần lao động của Man United hơn bất cứ cầu thủ Anh gốc nào. Mancunians mô tả Evra bằng một câu thú vị: “Bị ghét, được ngưỡng mộ, và không thể bị lãng quên”. Kẻ thù ghét Evra. CĐV nhà yêu Evra. Nhưng dù trời có sập, thì Evra cũng sẽ được nhớ tới.

Juventini có thể vẫn chưa coi Evra là “người nhà”. Nhưng một thời gian nữa, biết đâu, họ cũng sẽ chấp nhận anh?


Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm