17/09/2016 07:01 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Tưởng như một trò ngẫu hứng của học sinh, nhưng "facebook vua Quang Trung" bỗng nhận được sự chú ý cao độ từ dư luận. Việc ấy đang liên tục nhận về những lời khen ngợi, không chỉ từ các độc giả trẻ, mà còn từ những người lớn tuổi, có cả giáo viên.
Vắn tắt, khi được yêu cầu tóm tắt các sự kiện trong chiến dịch xuân Kỷ Dậu 1789 của vua Quang Trung, một nhóm các em học sinh lớp 9G tại trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) đã trình bày tham luận của mình một cách khá độc đáo.Thay cho bài viết thông thường, một giao diện facebook được vẽ lên giấy, với các dữ liệu lịch sử được tái hiện theo kết cấu đặc trưng của tiện ích này.
Và tất nhiên, vua Quang Trung được giả định là chủ nhân của “facebook”. Các thông tin được “chủ nhân” cung cấp cho thấy ông sinh năm 1753, “làm việc” ở vị trí Hoàng Đế thứ hai nhà Tây Sơn, đến từ Nghệ An. Timeline (dòng thời gian) trong bức vẽ cũng tương ứng với các sự kiện lịch sử đã từng xảy ra trong quá khứ, chẳng hạn như lên ngôi Hoàng đế ngày 22 tháng Chạp năm 1788, hạ đồn Hạ Hồi ngày 3 tháng Giêng 1789, hay “update” việc đại phá quân Thanh ngày 5 tháng Giêng...
Trang Facebook của...vua Quang Trung được các học sinh lớp 9 thiết kế dưới dạng timeline
Thú vị hơn, dưới những status của vị hoàng đế - anh hùng dân tộc này không thiếu những “like” hay comment độc đáo của các nhân vật lịch sử. Ở đó, tất nhiên những Tôn Sĩ Nghị, Lê Chiêu Thống... tha hồ bày tỏ sự giận dữ trước những chiến thắng liên tiếp của quân Tây Sơn - trong khi những Nguyễn Thiếp, Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm... đều hể hả “like” và chia sẻ những status mà vua Quang Trung từng “post”.
Rất dễ hiểu, khi những fanpage chia sẻ “tác phẩm” này liên tục nhận được hàng ngàn “like” của cộng mạng. “Like” thật, chứ không phải là... sáng tác, như các em học sinh lớp 9G phải “bịa” ra cho các nhân vật của mình. Và nhận xét chung được đưa ra: môn lịch sử khó nắm bắt, nhưng ở đây lại được trình bày sinh động, ngắn gọn, dễ hiểu và sắp xếp hợp lý. Cộng thêm những minh họa sinh động và hóm hỉnh của học sinh, có thể coi đây là một câu chuyện đáng suy nghĩ về cách học sử...
***
Thực tế, chuyện “chế” facebook cho các nhân vật lịch sử không phải là điều chưa từng xuất hiện trong cộng đồng mạng của chúng ta. Thậm chí, trên thế giới, kiểu “ngẫu hứng” này cũng thu hút nhiều độc giả, với hẳn một trang web riêng để độc giả... sáng tạo.
Thế nhưng, không vì vậy, mà chúng ta đánh giá thấp sự sáng tạo của các em học sinh lớp 9. Chính sự mạnh dạn, phá cách của các em khi chuẩn bị “tác phẩm” của mình, mới là điều cần được khen ngợi nhất.
Bởi, nếu nhìn tới những gì từng được dư luận phản ánh về sự gượng ép, cứng nhắc và máy móc trong việc giảng dạy các môn khoa học xã hội, đặc biệt là với môn sử, hẳn chúng ta sẽ đồng ý với nhau rằng: nếu câu chuyện này xảy ra ở một ngôi trường khác, trước những giáo viên khác, rất có thể chút “phá cách”, trái khuôn mẫu có thể nhận về những đánh giá không tích cực.
Nghĩa là chúng ta phải dành lời khen cho cả cô giáo đã chia sẻ và động viên sự “phá cách” của các em nữa. Đã có rất nhiều phân tích và tranh luận về thảm trạng của môn lịch sử tại nhà trường, về SGK khô cứng, về sự ít quan tâm tới tâm lý và khả năng cảm nhận của học sinh. Nhưng, cũng còn một yếu tố dường như ít được nhắc tới: khả năng chia sẻ, khơi gợi và truyền cảm hứng của những người giảng dạy lịch sử - điều mà nếu thiếu, thì chất lượng của SGK cũng không thể bù đắp.
Facebook tất nhiên không thể thay cho sách giáo khoa. Nhưng, sự chia sẻ đúng chỗ của người giáo viên cũng là điều chúng ta nên nhìn nhận như một nhu cầu cần thiết sau câu chuyện này, bên cạnh việc dành lời khen cho các em học sinh.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất