Gael Monfils bị loại khỏi Roland Garros 2013: Ngựa ô đã dừng bước

01/06/2013 23:25 GMT+7 | Tennis

(giaidauscholar.com) - Nước chủ nhà Pháp vừa phải hứng chịu một tin buồn khi Monfils, một trong những tay vợt đang được họ kỳ vọng, đã không thể đi tiếp ở Roland Garros năm nay. Sau một trận thư hùng gồm 5 set với các tỷ số: 2-6, 6-7 (5), 6-2, 7-6 (3), 6-2, tay vợt người Tây Ban Nha Tommy Robredo đã đánh bại Gael Monfils để giành quyền đi tiếp vào vòng 4.


Robredo (trái) ăn mừng thắng lợi trước Monfils (phải)

Ống kính máy quay ở sân Suzanne Lenglen đã ghi lại hình ảnh bố của Gael Monfils, người đàn ông ngồi ở hàng ghế đầu tiên đang theo dõi và cổ vũ cho từng cú đánh của con trai mình. Khoảnh khắc ấy gợi lại những ký ức cách đây 30 năm. Lúc ấy, bố của Yannick Noah cũng ngồi trên hàng ghế đầu ở Roland Garros, hồi hộp chờ đợi và sau đó vỡ òa trong hạnh phúc khi con trai mình trở thành tay vợt người Pháp duy nhất của kỷ nguyên mở rộng giành chức vô địch tại đây.

Nhưng kết quả của 2 mảnh ký ức này lại khác biệt nhau hoàn toàn. Năm 1983, bố của Noah đã ôm trầm lấy con trai mình sau màn trao cúp. Còn buổi chiều thứ Sáu vừa rồi, bố của Monfils lặng lẽ nhìn về sân đấu với ánh mắt đầy sự bất lực, ám ảnh về thất bại. Như mọi người Pháp khác đã theo dõi trận đấu đó, chắc hẳn ông không thể hiểu tại sao chiến thắng lại rơi mất một cách khó tin như thế, và rồi lại đặt ra giả thuyết “Nếu…thì”.  Ồ không, nếu như được “nếu”, người ta đã có thể nhét cả Paris vào một cái chai...

Rõ ràng, người hâm mộ đã có thể tin vào điều kỳ diệu khi các tay vợt chủ nhà đã có màn khởi đầu tốt nhất trong lịch sử tại giải đấu này. Đánh bại hạt giống số 5 Tomas Berdych ngay từ vòng 1, sau đó lội ngược dòng trước đối thủ khó chơi Ernest Gulbis, “ngựa ô” Gael Monfils đã tận dụng triệt để cơ hội của tấm vé vớt để chứng minh cho tất cả hiểu rằng, anh có cơ sở để khao khát danh hiệu, như bất kỳ tay vợt nào.

Nhưng Monfils đã “cầm vàng rồi để vàng rơi”. Dẫn trước 2-0, bị gỡ 1-2 ở set đấu thứ 3, đối mặt với 4 match point ở set đấu thứ 4 nhưng không thể biến chúng thành chiến thắng. Tất nhiên, chúng ta không thể so sánh Monfils với Noah. Thứ nhất, tay vợt 26 tuổi này không được xếp loại hạt giống, đã qua thời kỳ đỉnh cao của phong độ từ lâu và sẽ khó lòng cạnh tranh với “Big Four”.  Nhưng thất bại của Gael Monfils xem ra vẫn khó nuốt bởi cái cách mà anh thua luôn đặt người hâm mộ vào tình trạng phải đặt ra giả thuyết “nếu thì”.

Sẽ thế nào nếu Monfils thi đấu bản lĩnh hơn, táo bạo hơn trong các pha tấn công thay vì nhút nhát, sợ sệt ở những thời điểm quan trọng nhất? Sẽ thế nào nếu Monfils di chuyển và chạy chỗ hợp lý hơn, để khi đối mặt với 4 match-point, anh sẽ không dễ dàng đánh mất chúng? Sẽ thế nào nếu Monfils biết tiết chế cảm xúc, không tỏ ra thái quá để mất đi bình tĩnh? Quan trọng nhất, sẽ thế nào nếu Monfils tìm được một HLV luôn đi cùng và dẫn dắt cho anh những điều tốt nhất? Ông ta sẽ khuyên Monfils nên tận dụng những kỹ năng sẵn có của mình thế nào, tập luyện ra sao… hơn là bố anh bây giờ, người đơn giản chỉ đóng vai trò như một quản lý. Có quá nhiều câu hỏi được đặt ra và từng ấy thôi cũng đủ để người ta luyến tiếc.

Và hơn nữa, hình ảnh hai bố con anh gợi cho người ta luyến tiếc quá khứ vàng son của người Pháp tại giải đấu của chính họ. Monfils luôn biết cách khiến cho người xem phải yêu quý anh. Bởi sau mỗi thất bại, thứ người ta thường xuyên nghe được là những câu như “Tôi không có gì phải tiếc nuối cả”. Đúng vậy, mỗi lần ra sân, Monfils không thi đấu, mà rõ ràng là anh trình diễn, thứ tennis đẹp mắt, cống hiến và luôn hết mình lăn xả. Monfils yêu việc được chơi tennis có lẽ hơn cả việc thực dụng hóa nó để giành chiến thắng. Khi tỉ số đang là 5-4 ở set đấu thứ 4, bình luận viên của kênh Eurosport đã nói những lời rất cảm tính: “Có lẽ, chúng ta đau tim nếu xem tiếp.” Có lẽ ngoài Gael Monfils, có tay vợt nào khác ở Roland Garros có thể khiến người bình luận thốt lên những lời đó.

Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm