Rafael Nadal: Chia tay Toni, để làm mới cùng Moya

20/02/2017 06:13 GMT+7 | Tennis

(giaidauscholar.com) – Cho dù từng là một ê-kíp thầy trò cực kỳ thành công, việc Rafael Nadal tách bản thân khỏi ông chú Toni Nadal là một bước đi đúng đắn để phần còn lại trong sự nghiệp trở nên ý nghĩa hơn, với sự trợ giúp của Carlos Moya.

Mới đây, Toni Nadal đã tuyên bố rằng mình sẽ rút lui hẳn vào cuối năm 2017 để tập trung vào công tác đào tạo trẻ tại học viện quần vợt Rafael Nadal tại Mallorca. “Sự thật là mỗi năm tôi lại đưa ra ít quyết định hơn (với Nadal), và giờ đến lúc tôi chẳng thể quyết định được gì nữa”, Toni trả lời tạp chí Il Tennis Italiano như vậy.

Dù coi ông chú như một người bố thứ hai, và có một thập kỷ rất thành công, nhưng sau hơn 2 năm sa sút, Rafa muốn một sự khởi đầu mới. Tháng 12/2016, anh bổ nhiệm Carlos Moya vào đội ngũ huấn luyện, và thành quả bước đầu chính là chiến tích lọt vào chung kết Australian Open (thua Federer). Tác động của Moya là khá đáng kể, khi Nadal đánh bóng mạnh hơn, sâu hơn. Hình ảnh ấy khá giống anh trước đây, nhưng có chút hơi thở mới.

“Khi đến Australia, tôi đã có quyết định rồi”, Toni kể với tờ El Espanol, “Tôi đã nói cho vợ quyết định của mình… Nadal sẽ hoàn hảo hơn khi có Moya”. Và đó là một sự chuyển giao êm thấm.

Moya tác động thế nào đến Rafa?

Moya là một nhà vô địch đáng ngưỡng mộ với 20 danh hiệu (1 Grand Slam), từng vô địch Roland Garros 1998, và có một kiến thức đáng kể về việc thi đấu trên mặt sân đất nện. Anh cũng sinh ra ở Mallorca, được Nadal coi như đàn anh cũng như bạn thân.

Nadal: Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên không Toni

Nadal: Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên không Toni

HLV đồng thời là chú ruột của Rafael Nadal, ông Toni Nadal đã chính thức chấm dứt mối quan hệ đồng nghiệp với cháu mình. Đây là sự chấm dứt của một kỷ nguyên khi mà ông Toni là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của Nadal.

Còn trong huấn luyện, Moya đã “truyền năng lượng” cho Nadal trong những bài tập như thế nào, và liệu anh có bí quyết gì để giúp học trò có thể đăng quang ở Roland Garros sắp tới? “Tôi tin vào những bài tập chi tiết. Đó là điều mà tôi đã làm với Raonic, và rất phù hợp với Nadal. Điều đó thật quan trọng bởi họ là hai tay vợt hoàn toàn khác nhau”, Moya cho biết, “Tôi muốn tập trung vào sự liên tục của những động tác mà bạn phải thực hiện trong trận”.

Australian Open là một bài test quan trọng và nó đã  trôi qua với những màu sắc tươi sáng. Dù phải chơi trên mặt sân nhanh với chất liệu nhựa tổng hợp Plexicushion vốn có lợi thế hơn với các đối thủ của anh hơn, nhất là Federer, nhưng Nadal đã tái hiện thứ tennis không biết sợ của mình.

Đó chính là thứ mà Moya, Francis Roig và đội ngũ huấn luyện muốn anh thấm nhuần. Nadal không cố định ở baseline trong các tình huống tấn công nữa mà di chuyển ra hai biên để tung ra những cú trái tay mạnh mẽ. Tay vợt người Tây Ban Nha đã nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Những cú forehand của anh có chiều sâu hơn, đôi chân anh nhanh nhẹn hơn cả những đối thủ trẻ trung hơn như Alexander Zverev và Grigor Dimitrov. Tất nhiên, để duy trì điều đó, anh cần phải nghỉ ngơi hợp lý, chỉ tập trung cho những mục tiêu đỉnh cao.

Dĩ nhiên, Moya có thể điều chỉnh, hoặc thậm chí là xóa bỏ, một số thói quen của Nadal dưới thời Toni mà bây giờ không còn phù hợp. Và anh đủ tự tin để thực hiện điều đó. Khi là một tay vợt, Moya nổi tiếng là một tay vợt chơi hăng máu trộn lẫn với kiên trì, và đó là điều mà Nadal sẽ cần, nhất là khi tháng Tư đến.

Nadal đã, đang và sẽ làm bất cứ điều gì để trở lại đỉnh cao. Anh ấy không cách xa mục tiêu ấy và còn thời gian. Các tay vợt trẻ chưa sẵn sàng lọt vào Top 5, và anh ấy sẽ còn vài năm nữa để trở lại. Rafa cần thắng một số trận nữa, để tăng độ tự tin lên 10 hoặc 20% nữa. Bạn không thể thay đổi một tay vợt từng giành 14 Grand Slam khi anh đã 30 tuổi, nhưng anh ấy có thể tiến hóa”, Moya nhận xét.

Moya không hẳn là một “siêu HLV”, như xu thế gần đây của các tay vợt đỉnh cao, nhưng tầm ảnh hưởng của anh với Nadal có chút gì đó của Ivan Lendl với Murray, Boris Becker với Novak Djokovic, và Magnus Norman với Stan Wawrinka. Đừng quên, anh cũng từng giúp Milos Raonic lọt vào chung kết Wimbledon 2016 và leo lên hạng 3 thế giới.

Nadal không cần một người bảo hộ nữa

Trong suốt khoảng thời gian gắn bó, có phải lúc nào Nadal cũng nghe lời ông chú Toni? Chính tay vợt này từng tiết lộ trong cuốn tự truyện của mình rằng trong chiến dịch vô địch Roland Garros 2005, anh từng mê mẩn món sừng bò socola và ăn liên tục, dù ông chú đã cấm. Ông Toni biết nhưng tuyên bố: “Cứ để nó ăn, cho nó biết cảm giác đau bụng như thế nào”, và đúng là như thế.


Đó là Rafael Nadal của tuổi 19, khi đã là một ngôi sao đang lên, muốn tìm kiếm tự do cho chính mình, nhưng vẫn dành tình yêu và sự tôn trọng cho ông chú kiêm người thầy Toni Nadal. Còn bây giờ, vẫn là tình yêu ấy, nhưng là một quyết định dứt khoát hơn nhiều. “Điều tôi đang cố làm bây giờ là dạy dỗ bản thân mình để nghiêng cán cân theo một hướng khác, để tự chủ nhiều hơn, và có thể tranh luận cởi mở hơn với ông ấy. Điều này xuất phát một phần từ thực tế là Toni cũng có những nỗi nghi ngờ và bất an riêng, rằng ông ấy mâu thuẫn với bản thân thường xuyên hơn, rằng ông ấy không còn là ảo thuật gia biết mọi thứ của tôi như thời thơ ấu”, Nadal tự sự.

Bây giờ, Moya sẽ đóng một vai trò quan trọng với Nadal, và có thể anh sẽ thay đổi một chút về lối chơi để tránh tình trạng chấn thương, cũng như thay đổi phong cách có phần bảo thủ nữa (mái tóc có lẽ mới là bước khởi đầu). Nhìn nhận một cách tích cực thì bây giờ Nadal đã tự do hơn, và anh đã đặt lộ trình ngắn hạn cho mình, từ Monte Carlo đến Roland Garros.

Và dù thắng hay thua, Nadal cũng sẽ thi đấu với một tinh thần mới. Anh giống như hiệp sĩ bóng đêm đang trở lại, để tìm lại vương miện ông vua đất nện, với thời khắc thăng hoa ở Roland Garros vào tháng Sáu này.


Phương Chi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm