Festival Huế 2014: Còn mờ nhạt văn hóa Huế

21/04/2014 14:00 GMT+7 | Văn hoá


(giaidauscholar.com) - Sau 9 ngày rầm rộ, Festival Huế 2014 khép lại với chương trình nghệ thuật bế mạc tối 20/4 bên dòng sông Hương thơ mộng. Với chuỗi sự kiện văn hóa nghệ thuật dày đặc, Festival Huế 2014 đã tạo ra được bầu không khí hoành tráng, tưng bừng của lễ hội, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần nhìn nhận lại để hướng tới một Festival Huế đúng “chất” hơn.

Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu một số ý kiến xuất phát từ tấm lòng với Huế, mong muốn có một festival ngày một hoàn thiện hơn.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa thông tin Thừa Thiên - Huế, từng nhiều lần làm Phó trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Festival Huế cho rằng “cái được của Festival Huế 2014 đã thấy rõ là rất hoành tráng, mang tính cộng đồng cao. Song về chất lượng nghệ thuật chưa như mong muốn, trong đó BTC quá say sưa hoành tráng hóa sân khấu đêm khai mạc, trong khi chất lượng nghệ thuật của các tiết mục thì còn non. Đơn cử tiết mục múa “Vũ phiến” (múa quạt) là tiết mục múa cung đình Huế, thích hợp trình diễn trong một không gian nhỏ, nhưng BTC lại nhân tiết mục múa cung đình đó từ nguyên gốc là 1 nhóm múa thành 5 nhóm múa đưa ra trình diễn ở sân khấu hàng nghìn người xem nên quá loãng, không thích hợp chút nào. Một số bài hát trong chương trình khai mạc không phù hợp, chọn 1 bài nhạc Huế "Tà áo tím" cũng không đại diện được trong khi Huế có 1 kho tàng âm nhạc, nhiều tác phẩm rất hay.

Say sưa sân khấu, xem nhẹ nghệ thuật

Theo ông Hoa, trong việc tổ chức Festival, vấn đề làm sân khấu to, hoành tráng là rất dễ nhưng có 1 chương trình nghệ thuật tốt mới là quan trọng và rất khó.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa

Đặc biệt chương trình Lễ hội Áo dài năm nay chưa phát huy được nét đẹp vốn có của áo dài truyền thống bởi trình diễn ở một sân khấu quá hoành tráng, ánh đèn, họa tiết trang trí, các lối bật cấp của sân khấu không phù hợp. Những năm trước chúng ta chọn những bối cảnh không gian truyền thống để trang trí thành sân khấu trình diễn áo dài nên rất đẹp, rất thành công. Chính ở không gian truyền thống vốn có của Huế, áo dài mới có cơ hội thướt tha cùng người mẫu, phô diễn nét đẹp của áo dài và người phụ nữ. Điều này đã không được người tổ chức lưu ý.

Vừa xem xong chương trình lễ hội áo dài đêm 14/4, ông Philip, du khách đến từ nước Anh cho rằng áo dài truyền thống Việt Nam rất đẹp, tôi rất háo hức để xem đêm diễn này nhưng đến đây do chỗ ngồi quá xa sân khấu, không thể nhìn thấy được họa tiết trang trí của áo dài. Nếu như có 1 màn hình to để trước mặt thì tôi mới có thể nhìn thấy.

Festival Huế chứ không phải là Festival tại Huế

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa tâm huyết với Huế cho rằng, có nên quá chú trọng vào nghệ thuật nước ngoài, nghệ thuật đương đại làm phá vỡ đi nền tảng vốn đó của văn hóa Huế trong Festival như vậy không? Chúng ta tổ chức Festival Huế như thế này có cảm giác như làm công nghệ Festival để tổng hợp các loại nghệ thuật rồi trưng ra tạo thành chuỗi ngày lễ hội chứ chưa tạo ra được đặc trưng, tinh túy của văn hóa Huế.

Cần xác định đây là Festival Huế chứ không phải là Festival tại Huế, do vậy các yếu tố văn hóa, nghệ thuật đặc trưng của Huế phải được đề cao, phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để du khách đến Huế để thỏa lòng với văn hóa, nghệ thuật Huế chứ đừng có hao hao như lễ hội ở các nơi khác.

Theo nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Sáng tạo rất quan trọng trong nghệ thuật, tuy nhiên nhã nhạc, ca kịch cổ truyền mà bị sân khấu hóa thì không bao giờ thành công, mà lại có hại vô cùng. Việc đưa các nghệ nhân, nghệ sĩ nhã nhạc, ca kịch Huế ra khỏi không gian đặc trưng, đặc thù của họ, làm sao họ thể hiện được hết cái hay, cái tinh tế vốn có? Cách làm này, nội dung và hình thức đều chưa thích hợp.

Thiết nghĩ, những kỳ Festival Huế đến cần hơn nữa những sản phẩm đặc trưng của Huế, của cộng đồng người dân Huế, để thết đãi du khách, chứ đừng như hiện nay cộng đồng đang dừng lại một chiều hưởng thụ nghệ thuật từ các chương trình do BTC bố trí. Cần làm cho người Huế thật sự là chủ nhân của lễ hội, đứng ra làm lễ hội đón chào du khách như cách mà người dân thành phố Rio de Janeiro, Brazil đã làm.

Trần Ngọc
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm