FLUXUS -Trào lưu nghệ thuật 'trôi' (kỳ 7): Càng chậm càng hay

02/06/2015 09:14 GMT+7 | Âm nhạc

(giaidauscholar.com) - “Mọi thứ không cần diễn ra quá nhanh. Nếu một cái gì đó cần thêm chút thời gian, rồi từ đấy chúng ta có được sự bình thản từ nội lực. Thật hiếm có trong đời người”.

1. Thế vận hội Olympic mùa Hè năm 1912, một sự kiện thể thao quốc tế, được tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển từ giữa tháng 5 đến 27/7. 28 nước và 2.408 vận động viên trong đó có 48 vận động viên nữ, tham gia vào 102 hạng mục và 14 bộ môn. Đây là thế vận hội cuối cùng người chiến thắng tra huân chương bằng vàng ròng. Và cũng là lần đầu tiên tại một thế vận hội có nước thuộc khu vực châu Á tham gia - Nhật Bản.

14/6, một ngày đẹp trời mùa Hè, thế vận hội khởi tranh phần thi cổ điển và nổi bật nhất, chạy marathon 42 km. Thành phố Stockholm vừa mới xây dựng sân vận động dành cho Olympic với số lượng 22.000 ghế chật cứng khán giả và 69 vận động viên điền kinh đang chờ hiệu lệnh xuất phát đến với sự thách thức hàng chục km trên đường phố Stockholm.

Ngày hôm đó có Kanakuri Shizo, vận động viên điền kinh người Nhật Bản đã có mặt trong thời điểm xuất phát nhưng khi cuộc thi kết thúc, ông hoàn toàn mất tích. Ông đã không chạm vạch đích và không ai biết Kanakuri Shizo ở đâu. Trong rất nhiều năm suy đoán và tìm hiểu, rất nhiều câu hỏi được đặt ra, liệu ông đã chạy sai đường và lạc ở đâu đó, không thể tìm đường về, hay rớt xuống hồ nước quanh Stockholm, vài người cho rằng ông đã gặp người phụ nữ Thụy Điển và làm đám cưới tại một nơi bí mật, thậm chí có ý kiến cho rằng ông đã bị giết hại trên đường chạy.

Thực tế Kanakuri Shizo dừng lại tại một biệt thự đang diễn ra buổi tiệc trên đường chạy để giải quyết cơn khát của ông, sau đó ông bắt chuyến tàu ngay hôm sau trở về Nhật Bản. Ông về mà không hề nghĩ tới việc báo cho ban tổ chức.

50 năm sau, sau khi được Ban tổ chức mời quay lại Thụy Điển, ông hoàn thành nốt đường chạy với thời gian kỷ lục 54 năm, 8 tháng, 6 ngày, 8 giờ, 32 phút và 20,3 giây. Có lẽ còn lâu nữa mới có người phá được kỷ lục của Kanakuri.

2. “Tôi không hiểu tại sao người ta lại sợ hãi với những ý tưởng mới. Tôi sợ hãi sự cũ kỹ”- John Cage nói.

75 năm sau hiệu lệnh xuất phát cuộc thi marathon năm đó, nhà soạn nhạc, nghệ sỹ FLUXUS người Mỹ John Cage viết một bản nhạc Organ số 2/Càng chậm càng hay, không một tín hiệu nào cho biết bản nhạc nên chơi chậm đến mức nào.

Ngưng lại vài phút, tôi thấy xung quanh mình dòng người lướt theo vệt đèn trên mặt đường giờ tan tầm. Sự vội vã, thành phố tôi phát triển chóng mặt. Vù một cái người ta xây những khu dân cư sang trọng mang tên đô thị sinh thái bọc phía ngoài Hà Nội. Ngoảnh mặt lại Ngã Tư Sở năm nào giờ được chắn lững lững bởi khu mua sắm mới. Không khí trong Hà Nội đang được bao lại bởi những toà nhà chọc trời. Người dân vui vẻ, đời sống nâng cao. Và vài chục năm nữa lũ trẻ muốn ngắm trăng nhìn sao trong thành phố này chắc phải đi thang máy lên nóc những toà nhà đó. Nhưng vô ích, không khí đặc có thể sẽ phủ cả bầu trời.

Trở lại với John Cage, bản giao hưởng được chơi từ 8 giờ sáng đến 0 giờ đêm. Nhưng có lẽ thấy chưa đủ chậm, vào ngày 5/9/2001 tại Thánh đường Burcharddi, thành phố Halberstadt, CHLB Đức một chiếc organ tự động được thiết kế đặc biệt với một đường ống nối với bàn đạp kéo lực và bản giao hưởng chậm và lâu nhất thế giới bắt đầu. Và 17 tháng từ khi bắt đầu bản giao hưởng đến ngày 5/2/2003 và kế hoạch tiếp theo đến ngày 5/9/2020. Bản giao hưởng này sẽ kết thúc vào ngày 5/9/2640, sau 639 năm liên tục.

PHAN/FREDRICKSSON
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm