02/05/2014 07:21 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Trong bối cảnh nhiều phòng tranh theo nhau đóng cửa, thị trường mỹ thuật trầm lắng kéo dài, một phòng tranh tư nhân ở TP.HCM không chỉ tồn tại, mà còn thường xuyên và đều đặn duy trì các triển lãm có chất lượng suốt 10 năm qua, giúp cho thị trường và diện mạo mỹ thuật Việt Nam thêm một nhận diện uy tín, đó là Galerie Quỳnh.
Trong số hàng chục không gian nghệ thuật đương đại có địa vị ở Việt Nam hiện nay, có hai cái tên ở TP.HCM thường xuyên được giới nghệ thuật quốc tế xem như hai địa điểm tiêu biểu, là Sàn Art và Galerie Quỳnh. Tiêu biểu vì (ít nhất) 3 lẽ: 1/ Hai nơi này có được sự cộng tác từ các nghệ sĩ quan trọng của Việt Nam và quốc tế; 2) Mối quan hệ của họ với cộng đồng nói tiếng Anh và quốc tế tốt; 3) Từ hai lý do trên, truyền thông sẽ đưa tin như một thói quen, cứ nói Việt Nam là nghĩ ngay đến hai địa chỉ này (theo trang thông tin về mỹ thuật Soi.com.vn).
Một đường hướng riêng
Galerie Quỳnh xuất hiện tại một không gian be bé lần đầu tiên ở 23 Lý Tự Trọng (Q.1, TP.HCM), khai trương lúc 18h ngày 4/12/2003, với tác phẩm mới của 6 họa sĩ: Nguyễn Trung, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Hoàng Tường, Trần Văn Thảo, Lã Quý Tùng và Nguyễn Thanh Trúc. Vài người trong số này đã gắn bó với những người chủ Galerie Quỳnh ngay từ cuối thập niên 1990, để năm 2000, họ cùng nhau làm một kho dữ liệu nghệ thuật và phòng tranh trên mạng. Tại triển lãm nhân kỷ niệm 10 năm phòng tranh (Bay cao, bay xa, kéo dài đến 26/4) thấy có đông nghệ sĩ hơn 10 năm trước, nhưng nhiều “người ấy” vẫn còn, như Trần Văn Thảo, Nguyễn Thanh Trúc… Xem tác phẩm của các nghệ sĩ “đến sau” như Tiffany Chung, Sandrine Llouquet, Hoàng Dương Cầm, Nguyễn Mạnh Hùng, Thierry Bernard-Gotteland, Hà Mạnh Thắng, Nguyễn Phương Linh, Tuấn Andrew Nguyễn, Phan Quang, The Propeller Group, Liên Trương… thấy “gu chọn” của Galerie Quỳnh vẫn khá ổn định, dù biên độ đã mở rộng hơn. Nếu trước đây chỉ ưu tiên cho tranh giá vẽ, chủ yếu sơn dầu, thì nay đa dạng loại hình, đa dạng chất liệu và vật liệu.
Trong vô số ưu tiên của Galerie Quỳnh, thì việc kết nối tác phẩm với các bảo tàng, các trung tâm nghệ thuật và hội chợ quốc tế (nói nôm na là người mua) vẫn là tiên quyết. Nghe qua tưởng không có gì khác biệt với các phòng tranh hay đại lý nghệ thuật thương mại khác, nhưng khác biệt của Galerie Quỳnh là việc hướng đến các tác giả đang cố gắng hòa mình trong không khí đương đại thực sự, với các nỗ lực trong tìm tòi, sáng tạo.
Và ở khía cạnh tìm tòi, sáng tạo thì Galerie Quỳnh cũng khác với nhiều phòng tranh, họ dừng lại ở khía cạnh cân bằng, có tính trường quy, không đi quá, hoặc quá trớn. Điều này chắc chắn đến từ định hướng riêng, nên họ muốn tìm kiếm những nghệ sĩ tương đối ổn định và ôn hòa trong tìm tòi, sáng tạo để dễ tìm sự kết nối đến thị trường trung và cao cấp.
Trong sự tìm tòi ở khía cạnh sáng tạo, riêng ở việc ủng hộ tranh trừu tượng Việt Nam, thì Galerie Quỳnh là một trong số tiên phong. Hội họa trừu tượng Việt Nam, qua Tạ Tỵ (1921 - 2004) với các tác phẩm “manh nha trừu tượng” từ đầu thập niên 1950, thì không “còn trẻ” nữa, nhưng nó vẫn luôn bị xếp vào vị thế bên lề. Thậm chí đến đầu những năm 2000, trừu tượng vẫn bị xem như sự băng hoại, quậy phá, vô nghĩa… Trong bối cảnh như vậy mà Galerie Quỳnh đứng ra tìm kiếm, tiếp thị trừu tượng thì quả là dũng cảm. Không phải tất cả triển lãm trừu tượng của Galerie Quỳnh đều mới mẻ, thành công, nhưng nhìn lại hơn 10 năm qua, họ đã gắn bó với vài họa sĩ trừu tượng thú vị và giới thiệu được nhiều tác phẩm hay.
Quỳnh Phạm chủ nhân
Galerie Quỳnh là câu chuyện của Quỳnh Phạm (người Mỹ gốc Việt) và Robert Cianchi (người Anh) từ cuối thập niên 1990; những ngày đầu, họ còn được hai nhà sưu tập là Hương và Karl Knuesel trợ giúp nhiều mặt. Từ không gian nhỏ ở 23 Lý Tự Trọng, họ dời về 55 Đề Thám (Q.1, TP.HCM) rộng hơn 200m2, rồi mở thêm chi nhánh tại lầu 2 của 151/3 Đồng Khởi (Q.1, TP.HCM).
Nghe nói sắp tới Galerie Quỳnh sẽ mở thêm chi nhánh thứ 3 trong khuôn viên của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, với mục đích phi lợi nhuận. Nếu điều này thành hiện thực thì địa chỉ này sẽ “gia nhập” vào đội ngũ vì cộng đồng của những không gian nghệ thuật như Sàn Art, New Space Arts Foundation, Đào Anh Khánh Studio, Ga 0, Nhà sàn Collective, Khoan cắt bê tông…
Nhìn diện mạo bên ngoài cùng làn da ngăm ngăm, Quỳnh Phạm giống một du khách hơn là một chủ nhân địa chỉ nghệ thuật từng trải. Chị sinh ra tại Đà Nẵng, đến Mỹ năm 1975, trở về Sài Gòn lần đầu năm 1997. Ngay sau đó chị đã quyết định gắn bó lâu dài với môi trường nghệ thuật tại đây, mà đầu tiên là mở một nhịp cầu kết nối tác phẩm ra quốc tế. Quỳnh Phạm từng học và làm về nghệ thuật tại Đại học California, San Diego (UCSD), tại Viện Smithsonian ở Washington, và Bảo tàng Nghệ thuật đương đại ở San Diego, Mỹ…
Trong những năm qua, nếu chỉ nhìn ở khía cạnh thương mại, Quỳnh Phạm đã có nhiều nỗ lực trong việc giới thiệu tác phẩm đương đại đạt chuẩn mực của Việt Nam đến với nhiều địa chỉ uy tín trên thế giới. Điều này không chỉ làm tăng tiếng nói của phòng tranh này, mà còn giúp cải thiện hình ảnh của một môi trường mỹ thuật còn bị chi phối bởi tranh giả, tranh nhái và tranh chép… Hơn nữa, bằng các hoạt động như tổ chức các triển lãm ngôn ngữ mới, các buổi thảo luận, cho nghệ sĩ thuê mượn không gian trưng bày… Galerie Quỳnh đã thực sự “tiếp tay” trong các chương trình cải thiện nhận thức về nghệ thuật mới của công chúng.
Họa sĩ Hoàng Dương Cầm: Tôi có thể nói hàng giờ về những công việc không tên mà Quỳnh Phạm đã làm cho nghệ thuật Việt Nam, nhưng vì mối quan hệ đặc thù giữa họa sĩ với gallery, e không tiện cho lắm. Với lại, danh chính ngôn thuận của Galerie Quỳnh vẫn là phòng tranh thương mại, nó phải duy trì hoạt động của mình bằng việc bán tác phẩm, nếu chỉ nói về những việc không tên kia, thì lại lạc đề. Tuy nhiên, có thể thấy Quỳnh Phạm là người khá trách nhiệm và có uy tín với công việc, chính điều này giúp phòng tranh giữ được “gu” và giữ được cái tình văn nghệ sau 10 năm hoạt động với không ít khó khăn.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất