Đến đảo Lý Sơn, gặp những người chiêu hồn ngư dân

16/12/2017 10:58 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gia đình 6 đời nối tiếp làm một nghề lạ: nặn hình nhân bằng đất sét để an táng trong mộ chiêu hồn –  ngôi mộ vốn chỉ dành cho những dân chài chết ngoài biển mà không tìm được xác!

Nghề chài lưới ở Việt Nam có tới cả vạn ngôi làng. Thế nhưng, chưa ở đâu có những ngôi mộ chiêu hồn cho người đi biển như Lý Sơn. Và tới giờ, cũng chỉ còn duy nhất gia đình anh Võ Văn Nhành là theo đuổi nghề nặn “hình nhân chết thế”.

“Đợt ba tôi làm khi xưa, trên đảo cũng có mấy người nặn hình nhân. Nhưng tuổi già, họ đều ngừng mà không có ai nối nghiệp” - anh Nhành kể. Cha của Nhành chính là ông Võ Văn Toại tuổi gần 80, ông Toại gần như “rửa tay gác kiếm” vì sức yếu, để anh Nhành là thế hệ thứ 6 trong nhà theo nghề.

1. Hơn 40 tuổi nhưng anh Nhành cũng đã có gần 30 năm theo nghề. 15 tuổi, Nhành bắt đầu được ông Toại dẫn theo để phụ giúp việc nặn hình nhân – giống như cách mà ông nội Nhành truyền nghề cho cha anh khi trước.

Anh Nhành cười rất hồn nhiên: “Không phải ai cũng theo nghề được đâu. Gần như mỗi đời, con cháu trong nhà chỉ chọn được một người. Các cụ cố tôi có dặn lại: muốn theo được nghề, người học phải có một trong 3 thứ theo thuyết  nhân tướng học: sắc (khuôn mặt), oai (phong cách), tướng (tướng mạo). Như tôi là được về tướng”. Nhìn theo con mắt “người thường”, anh Nhành trông chẳng khác gì hàng ngàn dân chài khác trên đảo: béo, thấp, mắt sáng và nước da đen cháy.

Anh Nhành kể: mỗi hình nhân nặn lên thường có kích thước khoảng vài chục phân. Đất sét giã nhuyễn được trộn với lòng đỏ trứng gà nặn thành tim, trộn với bông gòn để làm da thịt. Rồi gỗ dâu được lấy về làm xương cốt, cây sầu đâu được đốt lấy than, giả làm ruột, gan, phổi, mật. Khi nặn, theo những quy chuẩn ở đây, hình nhân có đủ tay, chân, thất khiếu... ,  rồi được mặc quần áo và đồ liệm. Thay cho thi hài thật, hình nhân đất sét được đặt cùng lễ vật  tại mép biển, theo hướng con thuyền cũ từng ra khơi, với niềm tin linh hồn của người đã mất sẽ được rước về  để “nhập” vào đây. Rồi, sau lễ cúng, hình nhân được nhập quan và chôn cất như những ngôi mộ bình thường. Không rõ ngày mất, ngày làm mộ chiêu hồn luôn được chọn làm ngày giỗ của những ngư dân thiếu may mắn.

Hai ngôi mộ chiêu hồn lâu đời nhất trên Lý Sơn là của các cai đội Phạm Quang Ảnh và Phạm Hữu Nhật – những người được cổ sử thời Nguyễn nhắc tới về việc hàng năm dẫn  đội dân binh đi tuần thú quần đảo. Họ tộc kể lại: cụ cố 6 đời của anh Nhành chính là người nặn hình nhân cho 2 ngôi mộ cổ này. Tương truyền, thời Gia Long, vị hoàng đế này đã thân chinh ra Lý Sơn cúng tế, rồi sai làm mộ chiêu hồn khi ông Ảnh mất ngoài biển. Rồi năm 1854, tới lượt cai đội Phạm Hữu Nhật bỏ mình. Tục làm mộ chiêu hồn ở Lý Sơn cũng bắt đầu từ đó.

2. “Gọi là nghề theo nghĩa để kiếm sống thì không. Anh tính, dân Lý Sơn nghèo, họ muốn cám ơn bao nhiêu thì tùy tâm, tôi sao dám đòi?” Nhành nói. Thật thà, anh kể: lần được “cám ơn” kỷ lục của mình từ trước tới giờ chỉ có 2 triệu đồng. Trước Nhành, những “nghệ nhân” nặn hình nhân trong hàng chục năm qua cũng vậy. Họ sống bằng những nghề truyền thống của Lý Sơn như trồng tỏi, bán cá, làm dịch vụ... và coi việc làm hình nhân là nghề “tay trái” rất thiêng liêng mà số phận đã ủy thác, với nghĩa vụ  giúp người thân của những ngư dân gặp nạn vợi bớt nỗi đau.

Ông Võ Văn Toại (bố anh Nhành), nghệ nhân đời thứ 5 trong gia đình và chiếc cối đá gia truyền để giã đất sét khi đắp hình nhân. (ảnh do gia đình cung cấp)

Ở Lý Sơn, nghèo đến mấy, gia đình ngư dân cũng gắng chạy vạy lo toan để làm mộ chiêu hồn cho người đã mất. Bởi, cuộc sống vất vả diễn ra theo một vòng xoáy trôn ốc: khi lớn lên con trai của những ngư dân gặp nạn sẽ rất khó để có điều kiện tìm một nghề nào khác ngoài công việc mà cha, ông họ đã làm. Và với niềm tin của ngư dân, sẽ rất cay đắng và nhiều điềm dữ, nếu đứa con trai họ bước vào nghề khi cha nó vẫn chưa có một nơi an nghỉ,dù chỉ là ngôi mộ thay bằng hình nhân đất sét.

 

“Thông thường, bặt tin thuyền từ 1 tới 3 tháng là gia đình đã lo việc làm mộ chiêu hồn rồi. Bây giờ, thông tin liên lạc rất nhanh, việc ngư dân tưởng chết bỗng đùng đùng trở về nhà chắc chỉ có trong sách” Nhành thở dài. Anh bảo, mỗi năm mình làm chừng ba, năm, bảy hình nhân cho các gia đình ngư dân, tùy vào số người mất đi trên biển.

Nhành nói: “Tôi cũng chẳng nhớ nổi đã làm được bao nhiêu hình nhân từ khi bắt đầu nghề này. Đâu như vài trăm. Lần phải làm nhiều nhất thì ngay đầu năm 2011 vừa rồi, khi 6 người của tàu cá QN 66192 chìm ngoài biển. Trước nữa thì vào năm 1992, tôi phụ cho ba tôi làm gần chục hình nhân một lúc. Đó là thuyền của nhà ông Cương ở bên An Vĩnh. Thương lắm, thuyền đi có 11 người đủ cả bố, con trai, con rể, em vợ..., vậy mà chỉ có 2 người còn sống vì được tàu khác vớt lên”.

Hỏi, Nhành lắc đầu bảo rằng việc nặn hình nhân để “biểu diễn” cho nhà báo hay du khách xem là không thể. “Nghề này không làm vậy được đâu. Các cụ nhà tôi vẫn dặn lại đủ điều kiêng. Chẳng hạn, khi nặn đến phần bụng dưới của hình nhân, để các vong hồn của ngư dân khỏi xấu hổ, ngay cả vợ con họ cũng phải đi ra ngoài. Anh tin không, năm 2011, khi làm hình nhân cho 6 người gặp nạn, một ông quay phim nằng nặc đòi đặt máy ở cạnh tôi. Đến khi mở ra, chẳng hiểu sao, bao nhiêu hình quay được đều hỏng sạch...”

Bởi thế, người viết không có được một tấm ảnh chụp những hình nhân mà Nhành nặn. Nhưng, có lẽ cũng chẳng phải tiếc nhiều. Ở Lý Sơn, hàng trăm hình nhân như vậy đang nằm dưới các ngôi mộ chiêu hồn. Mỏ đất sét trên núi Giếng Tiên – nơi duy nhất có thể sử dụng cho việc nặn– qua bao đời cũng vẹt hẳn đi, chỉ còn non nửa. Nghĩ tới những chuyện ấy, rồi cả chuyện ở Lý Sơn không có nghề nuôi tằm nhưng vẫn xanh um những cây dâu để làm cốt cho hình nhân, người ta sẽ thấy đằng sau cái nghề lạ “nặn hình nhân chết thế” là cảm giác đắng ngắt trong lòng.

Hoàng Nguyên

Lý Sơn có làng bích họa đẹp như mơ

Lý Sơn có làng bích họa đẹp như mơ

Không chỉ Quảng Nam có làng bích họa, Lý Sơn - Quảng Ngãi cũng vừa hoàn thành những bức bích họa đẹp như mơ. Điểm đến này càng hấp dẫn du khách đến với hòn đảo này.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm