Gánh hát Chiều Xuân - yêu người hay yêu nghệ thuật?

14/04/2022 09:45 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Nhóm kịch Đời của nghệ sĩ Hồng Trang vừa ra mắt vở mới - một vở diễn rất bi, nhưng lấp lánh tình yêu giữa những trái tim chân thành, chung thủy.

Kịch Đời của Hồng Trang: 'Kỳ tích' diễn chính kịch ở quán cà phê

Kịch Đời của Hồng Trang: 'Kỳ tích' diễn chính kịch ở quán cà phê

Có thể nói, hiện nay nhóm kịch Đời của nghệ sĩ Hồng Trang nổi bật nhất với mô hình kịch cà phê. Trụ được 12 năm đã là “kỳ tích”, lại diễn toàn chính kịch dài, cũng là một “kỳ tích”. Người ta nể “bà bầu” Hồng Trang vì tâm huyết với sân khấu và làm nghề nghiêm túc.

1. Gánh hát Chiều Xuân (tác giả và đạo diễn Hồng Trang) kể câu chuyện tình giữa cô thôn nữ tên Xuân và anh kép hát Ba Mạnh. Thời xa xưa, khi gánh hát còn chất lên ghe rày đây mai đó, thì những bến bãi cập vào như một lời hẹn mong manh không biết khi nào quay trở lại, và cũng vì thế mà vương vấn những mối tình vội vã chia ly, có khi mỏi mòn chờ đợi không biết bao giờ gặp mặt.

Cô Xuân đã chờ Ba Mạnh hết tuổi thanh xuân, có đau đớn, và cũng có giận hờn, vì nghĩ người ta bội bạc. Không ngờ, Ba Mạnh gặp tai nạn mà thôi, khi trở lại làng xưa thì cô Xuân đã xuôi về quê nội. Thế là mất nhau đến mấy chục năm…

Chú thích ảnh
Hồng Trang vai cô Xuân, Vũ Trần vai Ba Mạnh, gặp lại nhau sau mấy chục năm xa cách. Ảnh: H.K

Rồi Ba Mạnh trưởng thành, làm ông bầu gánh hát. Gánh hát nổi tiếng ở thành phố, được mời về hát tăng cường cho một gánh nhỏ tại địa phương, nơi ngày xưa anh gặp gỡ cô Xuân. Ai ngờ, gánh Chiều Xuân này do cô Xuân và bạn bè năm xưa thành lập, bởi quá yêu cải lương.

Từ những ngày đi coi hát, mê tài năng của anh kép Ba Mạnh, mà mọi người mạnh dạn bước lên sân khấu, mạnh dạn làm nghệ thuật. Yêu Ba Mạnh, yêu cả con đường Ba Mạnh đã đi, yêu cả nghệ thuật dân tộc mà Ba Mạnh đã truyền lửa năm xưa. Cuộc trùng phùng sau mấy mươi năm giờ chỉ còn là cuộc trùng phùng của sân khấu, nối những bến bờ nghệ thuật hơn là nối lại tình xưa.

Chú thích ảnh
Đức Tuấn vai Quang Trung, Kỳ Thảo vai Ngọc Hân công chúa. Ảnh: H.K

Cũng không biết chừng, bởi tình xưa e ấp chưa kịp nối thì tai nạn giao thông đã đưa Ba Mạnh đi xa, vĩnh viễn rời sân khấu. Chỉ còn lại cô Xuân và nhóm bạn quyết tâm giữ cho sân khấu sáng đèn. Màn mở, một Trưng Trắc xuất hiệntrong trang phục và đạo cụ tự chế vì “chữa cháy” khi gánh hát Ba Mạnh tai nạn giữa chừng không xuống được. Nhưng Trưng Trắc ấyvẫn làm người ta chảy nước mắt. Trong tiếng khóc mà Trưng Trắc dành cho Thi Sách, có tiếng khóc của cô Xuân khóc Ba Mạnh. Hai dòng nước mắt hòa vào nhau, để người xem phải rơi lệ cho mối tình sân khấu.

Chú thích ảnh
Hồng Trang vai cô Xuân, Lê Anh Bằng vai Tư Lềnh người theo đuổi cô Xuân suốt mấy chục năm mà không chiếm được trái tim cô. Ảnh: H.K

2. Cải lương đã được thể hiện qua những diễn viên kịch nói, ngoại trừ Đức Tuấn là “dân nghề” mà thôi. Kỳ Thảo trong vai Ngọc Hân công chúa sánh với Đức Tuấn vai Quang Trung, làm nên một trích đoạn mở đầu vở diễn, thật hấp dẫn, dễ thương. Giọng ca Đức Tuấn trầm ấm, rất đẹp, khiến khán giả sững sờ. Kỳ Thảo lung linh công chúa, ca ngọt ngào tưởng như “dân cải lương thứ thiệt”. Còn Hồng Trang trong vai Trưng Trắc thể hiện đúng sở trường đóng bi của cô, khán giả phải khóc theo. Vui nhất là Vũ Trần, một đạo diễn khá tiếng tăm, giờ tham gia nhóm kịch Đời, ráng sức ca cổ như một…sở đoản. Thêm cái khó nữa là vũ đạo, các bạn đã cố gắng tập luyện để có bộ tịch của cải lương, quả là không dễ.

Xem vở, khán giả thấy thương các diễn viên trẻ, đã có ý nhắc về sự gìn giữ cải lương như một nghệ thuật quý giá của dân tộc. Cải lương quả là khó ca, khó diễn, nhưng mỗi người vẫn có thể tham gia được một chút. Và quan trọng nhất, là mỗi người chúng ta dù không hát được, diễn được, thì cũng cần cảm nhận được cái hay, cái đẹp của cải lương, chứ đừng thành kiến, phủ nhận. Đem cải lương tiếp cận với thế hệ trẻ, dù chỉ là một ít, vẫn là thành công của nhóm kịch Đời.

Ngoài đời, những người như cô Xuân rất nhiều, đang giữ lửa cho sân khấu. Hồng Trang viết cho bản thân mình và cho bạn bè mình, rằng dẫu có khó khăn thì các bạn vẫn mãi yêu nghệ thuật. Khán giả cũng thế, dù khó khăn thì tâm hồn họ vẫn cần nghệ thuật làm tri âm, có khi vỗ về, có khi thanh tẩy, có lúc vui vẻ, lạc quan… để nghệ thuật đồng hành trong cuộc sống mỗi người.

“Tiếp sức” cho cải lương

“Tôi cũng mê cải lương, nhưng không giỏi ca và diễn cải lương, nên làm diễn viên kịch. Nhưng mỗi lần có vở nào chen vào chi tiết cải lương thì tôi và các bạn thích lắm, ráng tập cho bằng được. Tập hơi vất vả, nhưng vui, nghĩ mình ráng góp chút sức làm cây cầu nối đem cải lương tới cho khán giả trẻ. Họ xem xong, thấy cảm tình với cải lương, thì sẽ đi xem tiếp với những nghệ sĩ tên tuổi, chuyên nghiệp” - bà bầu Hồng Trang cho biết.

Hoàng Kim

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm