Tata Martino xóa bỏ 'kỉ luật thép' thời Guardiola tại Barca

22/10/2013 21:45 GMT+7

(giaidauscholar.com) - HLV người Argentina muốn được đặt niềm tin vào sự chuyên nghiệp của các học trò mà không cần phải thông qua chế tài nào.


Ngay khi được bổ nhiệm làm HLV trưởng Barca vào tháng 6 năm 2008, Pep Guardiola đã thiết lập ngay một cơ chế phạt tiền nghiêm khắc đối với các cầu thủ như một lời cảnh báo với họ rằng không được lười biếng, không được ngủ quên trên chiến thắng. Thái độ tự mãn đã đẩy các cầu thủ Barca xuống vũng lầy trong những năm cuối dưới triều đại Frank Rijkaard.

Theo quy định mới dưới thời Guardiola lúc bấy giờ, trước khi tiến hành các buổi tập luyện, mọi thành viên đều phải có mặt ở sân tập trước 1 tiếng đồng hồ. Nếu bất kỳ ai đến muộn, dù chỉ là 1 phút, người đó sẽ bị phạt tiền ít nhất là 500 euro. Nếu đến trễ hơn 1 tiếng, khi buổi tập đã bắt đầu và không có lời bào chữa thích đáng, mức phạt sẽ tăng lên 2000 euro. Và nếu buổi tập đã kết thúc nhưng vẫn không có mặt, mức phạt sẽ cao nhất, là 6000 euro. Bên cạnh đó, Pep cũng đặt ra các mức phạt đối với những cầu thủ không về nhà sớm hơn 12h đêm của đêm trước ngày diễn ra trận đấu.

Trên thực tế, các cầu thủ dưới thời Pep sẽ phải ký tên điểm danh trên một danh sách được dán trên tường của phòng thay đồ ở Ciutat Esportiva Joan Gamper và khi kết thúc buổi tập phải có mặt để người quản lý Carles Naval xác nhận. Nếu không ký tên điểm danh, cầu thủ bị phạt 500 euro ngay tức thì.


Nhưng nay, dưới triều đại của tân HLV Tata Martino, ông đã bãi bỏ những quy định xử phạt tài chính này và có lẽ không ít cầu thủ Barca biết ơn vì điều đó. Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng sự nghiêm khắc trên sân tập dưới thời Pep đã giúp chấn chỉnh nề nếp tác phong của các cầu thủ Barca, đưa họ vào một khuôn mẫu và góp phần làm nên thành công trên sân cỏ. Số tiền phạt thu được cũng được dùng cho các mục đích cao cả, như quyên góp cho các quỹ từ thiện và các tổ chức phi chính phủ, hoặc được dùng để thanh toán cho chính các bữa ăn tối họp mặt của tất cả các thành viên trong đội bóng.

Thời Tito Vilanova, ông vẫn giữ nguyên các quy định xử phạt có từ thời Pep. Song đến thời Tata thì không còn như thế. Nhiều người lý giải rằng vì HLV người Argentina vốn không phải là “người nhà” Barca, do đó ông muốn mang một đến một ấn tượng của mẫu HLV dễ gần, hòa nhã hay bản chất ông là một chiến lược gia như thế. Bên cạnh đó, Martino muốn được đặt niềm tin vào sự chuyên nghiệp của các cầu thủ hơn là áp đặt họ thông qua bất cứ chế tài nào. Barca dưới thời Tata được khuyến khích hoạt động trên cơ chế tự quản hơn là chịu sự giám sát.  

Hoàng Thông
Theo SPORT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm