Gia đình bị tố cáo bỏ rơi con đẻ thuê ở Thái Lan lên tiếng

12/08/2014 07:15 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Cặp vợ chồng Australia bị cáo buộc có hành động tàn nhẫn khi bỏ rơi đứa con mà họ nhờ mang thai hộ ở Thái Lan do bé mắc chứng Down, vừa lên tiếng khẳng định họ đã muốn đưa con về nhà với mình nhưng không được chấp thuận.

Dư luận Thái Lan và thế giới đã sôi lên, sau khi bà mẹ đẻ thuê là Pattharamon Janbua (21 tuổi) kể lại cảnh khổ của mình.

Những thông tin trái chiều

Pattharamon nói rằng với mong muốn giúp đỡ một cặp vợ chồng Australia bị vô sinh, chị đã để bác sĩ cấy phôi của họ vào tử cung của mình và kết quả là mang thai đôi. Tuy nhiên trong đợt kiểm tra y tế khi 2 cái thai được 4 tháng tuổi, chị phát hiện bé trai tên là Gammy bị mắc chứng Down.

Theo lời Pattharamon, khi biết tin cặp vợ chồng người Australia đã yêu cầu chị phá thai. Pattharamon nói rằng chị từ chối đề nghị này vì theo đạo Phật. Kết quả là khi 2 đứa trẻ chào đời, cặp vợ chồng đã đưa đứa trẻ song sinh khỏe mạnh về Australia và chừa lại Gammy.

Sau thời gian im lặng, cặp vợ chồng David và Wendy Farnell đã lần đầu lên tiếng trước báo giới, khẳng định thông tin Pattharamon nêu ra là không đúng. “Chúng tôi không bỏ rơi con mình. (Pattharamon) nói rằng nếu chúng tôi cố gắng mang con mình đi, cô ta sẽ báo cảnh sát và sẽ lấy lại bé gái, qua đó sẽ nuôi cả hai đứa trẻ” – ông David, 53 tuổi, nói và không giấu được sự xúc động trong cuộc phỏng vấn với Kênh truyền hình 9 của Australia hôm 10/8 - “Người mẹ mang thai hộ có quyền trao cho bạn đứa trẻ hay không. Dù bạn đã có thỏa thuận nhờ mang thai hộ, nó gần như chẳng có giá trị gì cả. Đó chính là quyết định của cô ta và người mang thai hộ của chúng tôi đã tuyên bố rằng cô ta muốn giữ bé trai”

Về thông tin Pattharamon nói rằng nhà Farnell muốn chị phá thai, David cũng lên tiếng bác bỏ. Ông cho biết đã rất tức giận do hãng môi giới đẻ thuê không tiến hành các xét nghiệm cần thiết. Tới khi ông và vợ biết về tình trạng của cái thai, nó đã quá to để có thể phá. Ông thừa nhận nếu biết thai bị dị tật sớm, ông sẽ cho hủy thai.

"Tôi không nghĩ rằng có bất kỳ bậc cha mẹ nào muốn sinh ra một đứa con trai bị tật nguyền. Cha mẹ muốn con mình sinh ra khỏe mạnh và hạnh phúc” – ông nói. Ngoài chứng Down, Gammy còn bị bệnh tim và nhiễm trùng phổi.

Đó cũng là lúc Pattharamon đề nghị được nuôi bé Gammy. “Chúng tôi đã suy nghĩ và thấy chuyện này có vẻ chấp nhận được” – ông nói. Nhưng khi những đứa trẻ chào đời, ông và vợ nhận ra rằng họ muốn giữ cả 2 đứa trẻ. Tuy nhiên Pattharamon đã quyết giữ Gammy và đe dọa sẽ giữ nốt cả bé gái tên Pipah, nếu nhà Farnell dám chống lại chị.


Pattharamon ban đầu khẳng định Gammy đã bị gia đình Farnell cố tình bỏ lại Thái Lan do bé mắc chứng Down

Ai đúng ai sai?

Một trong những lý do nhà Farnell không sớm lên tiếng trong bê bối này là vì David Farnell từng bị buộc tội trong những năm 1990 do có hành vi lạm dụng tình dục nhiều bé gái, gồm cả những nạn nhân mới 7 tuổi.

Tuy nhiên ông này khẳng định trong ngày 10/8 rằng cô con gái Pipah sẽ không bị mình gây hại gì. “Tôi sẽ làm mọi thứ có thể để bảo vệ đứa con gái bé nhỏ của mình” – ông nói – “Tôi không có bất kỳ ý nghĩ gì về chuyện này (lạm dụng tình dục). Đó là sự thật 100%. Tôi không thể tái phạm tội lỗi đó nữa”. Cũng bởi David từng phạm tội nên Cơ quan bảo vệ trẻ em bang Tây Australia đã liên lạc với gia đình ông, nhưng không thấy có điều gì gây quan ngại.

Cuộc phỏng vấn của cặp vợ chồng diễn ra chỉ vài ngày sau khi một trong những đứa con của David với vợ trước lên tiếng bảo vệ cha mình. Anh nói rằng gia đình đã không có cơ hội được lên tiếng, không thể tự vệ vì các lý do pháp lý. “Cha tôi đã có 10 năm sửa chữa cuộc đời ông và ông đã làm rất tốt. Chuyện này thực sự đã phá tan các nỗ lực đó” – người con giấu tên nói với tờ Sydney Morning Herald.

Chưa rõ ai đúng ai sai trong câu chuyện này, chỉ biết rằng Pattharamon đã nhận được sự cảm thông lớn của dư luận khi cáo buộc cặp vợ chồng nhà Farnell từ bỏ đứa con bị dị tật một cách nhẫn tâm.

Các nhà hảo tâm trên thế giới đã lập tức quyên góp số tiền trị giá hàng chục ngàn USD gửi tới Pattharamon nhằm giúp chị này điều trị cho bé Gammy. Một tổ chức từ thiện ở Australia là Hands Across The Water cũng đã quyên được hơn 240.000 USD cho Gammy. Họ sẽ hỗ trợ Gammy cho tới khi bé hoàn tất chương trình giáo dục phổ thông.

Ngoài ra tiền còn được dùng để xây một ngôi nhà mới cho Pattharamon và gia đình chị, sau khi nhiều người quan ngại trước điều kiện sống hiện nay của bé Gammy.

Được biết trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AP hôm 10/8, Pattharamon lại rút tuyên bố ban đầu rằng nhà Farnell đã cố tình bỏ con. “Tôi đã không cho Gammy đi cùng họ - đó là sự thực” - chị nói - “Bởi vì họ (nhà Farnell) có thể sẽ đưa Gammy vào một cơ sở nào đó thay vì nuôi cháu”.

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm