19/08/2016 12:51 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái
(giaidauscholar.com) - Gồm 150 số với tổng cộng 700 ca khúc về Hà Nội, chương trình radio Bài ca Hà Nội đã giúp người nghe chiêm nghiệm những vẻ đẹp đặc biệt của đời sống văn hoá lịch sử tại đất Thăng Long, từ quá khứ đến bây giờ.
Công việc "khảo cổ"
Format chương trình xoay quanh giọng đọc cảm xúc rất đặc biệt của Giang Trang và những ghi chép của Nguyễn Trương Quý về Hà Nội. Mỗi số là một chủ đề Hà Nội. Xen kẽ giữa những câu chuyện là những bài hát có liên quan nội dung, hoặc cùng thời điểm lịch sử theo chủ đề, hoặc để dẫn mạch cảm xúc.
Giang Trang, Trương Quý...
Ban đầu, công việc "khảo cổ" cho những bài hát này dự định làm theo tiến trình thời gian, bắt đầu từ một Thăng Long-Kẻ Chợ của nhiều thế kỷ trước. Nhưng, một khó khăn đặt ra: chất liệu âm nhạc của thời trung đại và cả sáng tác về thời này khá hạn chế. Thêm vào đó, việc bám quá chặt vào đường dây lịch sử làm cho nội dung chưa thể hấp dẫn như ý.
Không muốn "đứt gánh giữa đường", ba thành viên cùng bàn bạc rồi đi tới kết luận: thay vì những đoạn tài liệu minh họa lịch sử bằng ca nhạc, Bài ca Hà Nội phải là một chương trình mà ngôn ngữ và nội dung mang tính mở, gợi liên tưởng và dẫn dắt cảm xúc.
"Với thay đổi ấy, chúng tôi rất nhanh chóng phát huy được thế mạnh của mình. Thay vì cứ đóng khung ở những bài hát “địa phương ca”, còn rất nhiều cách tiếp cận khác. Ngay cả những bài hát đã quá quen tai và hơi nhàm, dùng một cách hợp lý vẫn rất thú vị: giọng ca khác lạ, trích đoạn phù hợp hay sự bất ngờ khi lồng trong đoạn đọc…" - Nguyễn Trương Quý nói. "Điều quan trọng: dù là những ca khúc có sắc thái tuyên truyền hay thuộc dạng trữ tình tiền chiến, bài hát vẫn phải cho thấy một Hà Nội có duyên...".
... và Vũ Đặng Hùng - những người thực hiện “Bài ca Hà Nội”
Sống lại những “tuyệt ca” trong quá khứ
Điểm độc đáo của Bài ca Hà Nội là việc không nhất thiết chạy từ thời điểm 1000 năm trước tuần tự đến nay mà đan xen theo vệt, thậm chí xáo trộn, miễn là thể hiện được không khí Hà Nội của hôm qua (mà cũng phải "phập phồng sống") như hôm nay.
Đó là một Hà Nội từ thời bắt đầu quá trình hiện đại hóa theo mô hình phương Tây song song với sự hoài thai tân nhạc, với những năm tháng mà chủ nghĩa lãng mạn Hà thành lên ngôi. Đó là thời chiến tranh với những bài ca thúc giục người Hà Nội lên đường chiến đấu, là thời Hà Nội chuyển giao mở cửa...
Ngoài phát sóng trên Đài, để mang Bài ca Hà Nội đến tận tai người nghe, bộ ba Quý-Trang-Hùng còn mang sản phẩm đến gặp bạn bè, "bắt nghe và cho ý kiến". Sau đó nhóm còn làm thành các clip để phát trên YouTube và sau đó chia sẻ trên Facebook để mọi người có thể nghe lại.
"Hà Nội đã thành một chủ đề có tính thân phận, của những con người, những sự đổi thay, những điều khao khát lẫn tiếc nuối. Rất nhiều bài hát xưa được chúng tôi tìm ra những bản thu cũ. Thính giả rất thích thú về điều này"- Trương Quý và Vũ Đặng Hùng cùng chia sẻ.
Cho tới thời điểm ấy, gần như chưa có chương trình nào tương tự giới thiệu lại rất nhiều bài hát tưởng như “tuyệt tích”, cũng như những giọng ca vàng đã bị quên lãng. Nhiều khán giả đã phản hồi tới chương trình để chia sẻ sự cảm động, khi nhớ về một Hà Nội với những giá trị cũ, bị chìm lấp dưới lớp bụi thời gian.
Bộ ba Trương Quý, Giang Trang, Vũ Đặng Hùng không muốn nói nhiều về “tình yêu Hà Nội" của mình. Nhưng, rõ ràng, những thể nghiệm của họ đang là nguồn gợi ý và động viên, để những người gắn bó và muốn sáng tạo vì Hà Nội không cảm thấy cô độc trong một phút giây nào đó.
Huy Thông
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất