(giaidauscholar.com) -
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Federer cũng chẳng thể ngăn chặn việc anh thua Nadal 7-6 (4), 6-3, 6-3 tại bán kết hai Australian Open 2014. Những hy vọng ban đầu của Federer và rất nhiều những người kỳ vọng và hạnh phúc trước sự hồi sinh của huyền thoại Thuỵ Sĩ chỉ tồn tại được cho tới khi set đấu đầu tiên bước vào loạt tiebreak.
Quả là cũng có lý do để kỳ vọng như thế. Bởi Federer đã đánh bại hai trong số vài tay vợt hàng đầu thế giới cực kỳ thuyết phục. Federer hạ Tsonga ở vòng bốn sau ba set. Federer cũng có thể đã không thua một set trước Murray ở tứ kết nếu anh không bỏ lỡ hai match point trong set ba sau khi đã thắng hai set trước.
Đặc biệt, sự hồi sinh của Federer lại không phải ngẫu nhiên, khi anh bình phục hoàn toàn chấn thương lương, khai thác được những ưu điểm của cây vợt mới, và có Stefan Edberg – người từng giành sáu Grand Slam bằng lối đánh tấn công và rất mạnh về chiến thuật – xuất hiện với vai trò HLV.
Nhưng điều gì đã buộc Federer vẫn phải nhận thất bại, để tỉ lệ đối đầu giờ đây là 23-10 nghiêng về Nadal, và đó là trận thua thứ sáu liên tiếp của anh trước đối thủ trẻ hơn năm tuổi ở các giải Grand Slam?
* Federer không còn là người giao bóng xuất sắc nhấtFederer vẫn là một cái máy giao bóng, nhưng không còn là người giỏi nhất khi xét trên khía cạnh khai thác điểm yếu trong cách trả giao bóng của Nadal.
Chí ít thì Federer cũng không làm được như Dimitrov, người thua Nadal ở tứ kết khi thực hiện chiến thuật giao bóng ra mang khi đứng ở ô số 1 (ô điểm đều), nhằm vào trái tay của Nadal và đặc biệt là để ép Nadal người vốn đừng lùi xa vạch cuối sân để trả giao bóng.
Hẳn là Federer cũng đã nhìn Nadal gặp khó khăn thế nào trước Dimitrov, khi việc tay vợt trẻ người Bulgaria ăn điểm trực tiếp với cú dứt điểm vào khoảng trống mệnh mông sau khi giao bóng ép Nadal vươn hết ra ngoài sân gần như là đương nhiên. Thậm chí, tới set bốn của trận đấu tứ kết, dù thua, nhưng Dimitrov vẫn khai thác tốt hạn chế này.
Còn Federer, anh có thể giấu hướng giao bóng của mình khá tài tình, nhưng việc tốc độ giao bóng 1 chỉ đạt mức trung bình 181kmh (hơn Nadal 6kmh) rõ ràng không làm Nadal e ngại.
* Cú trái tay của Federer đã mai mộtViệc chỉ giành được hai điểm trực tiếp từ các cú bung trái một tay của Federer trong một trận đấu bị đối phương nhồi trái liên tục cho thấy cú trái của Federer không còn là vũ khí của anh trước Nadal.
Trên mặt sân mà bóng nảy thấp hơn đã lấy đi một phần sự lợi hại của các cú bóng xoáy của Nadal, nó lại càng là một sự thất vọng lớn lao từ phía Federer.
Federer hầu như chỉ có thể bung trái chéo sân, trả lại đúng vào tay thuận của Nadal chứ hiếm khi bung trái dọc dây để khai thác khoảng trống bên sân Nadal. Nadal vì thế đoán được đa phần hướng đánh của Federer trong các pha bóng như thế.
Có thể nói, Federer lúc này không còn là người có cú trái một tay xuất sắc nhất tennis thế giới nữa, mà vị trí đó thuộc về Wawrinka, người đã chiến thắng Djokovic bằng các cú trái siêu hạng, đặc biệt là dọc dây.
* Federer vẫn sợ những loạt đôi công dàiFederer đã không đạt được một trong các đòi hỏi từ thống kê của máy tính, là anh phải thắng 50% các loạt đôi công với số lần chạm vượt trên dưới 10.
Đó là điểm yếu của Federer bộc lộ trước Nadal suốt bao năm qua , và càng khó thay đổi ở thời điểm hiện tại.
Và Federer cũng thua tất cả những lần anh và Nadal chạm vợt trên hai mươi lần – điều thường khiến trạng thái tâm lý trở nên tồi tệ hơn và làm trầm trọng hoá sự hạn chế về thể lực của anh.
* Không thể chơi giao bóng lên lưới trước NadalFederer nói sau trận đấu rằng, việc chơi với Murray và Nadal là sự khác biệt giữa ngày và đêm.
Ngày ở đây là Federer đã thành công tới 49 lần sau 66 lần (74%) lên lưới trước Murray. Còn đêm là trước Nadal, anh chỉ có thể tiến lên lưới 43 lần, và đáng tiếc nhất, chỉ có 23 lần thành công (55%).
Nếu như Federer ghi được một số điểm sau các cú volley ngắt bóng sát lưới thì Federer lại bị khuất phục khá nhiều lần bởi các cú passing (bắn lưới) ngoạn mục của Nadal. Một trong số đó là cú đánh không tưởng của Nadal đi dọc dây mang về điểm match point thứ hai và sau đó anh đã kết thúc trận đấu.
Thực tế, đây cũng không phải là sự thụt lùi của Federer so với chính anh. Chưa khi nào Federer có thể áp dụng lối chơi giao bóng lên lưới hoặc tràn lưới hiệu quả trước Nadal.
* Federer không có sự lỳ đòn như NadalKhi Federer thua set 1 sau loạt tiebreak, người hiểu anh có thể đoán được phần nào kết cục của trận đấu. Không chỉ vì Federer hạn chế hơn về thể lực mà ở tâm lý.
Federer đánh mất niềm tin vào bản thân, dường như không tin mình có thể tạo nên một cuộc lội ngược dòng.
Tâm lý của Federer càng đi xuống sau khi anh đánh hỏng vài đường bóng trong các thời điểm quyết định, như cú swing volley trái tay ra ngoài trong khi đó là cơ hội để anh kiếm được break point đầu tiên kể từ đầu trận.
* Nadal đã cực kỳ xuất sắcNhưng điều quan trọng nhất khiến Federer thất bại là Nadal đã chơi cực hay. Nadal thực hiện hoàn hảo những điều anh cần để đánh bại Federer, từ việc giao bóng tốt, ổn định, cho tới áp đặt lối chơi bằng cách chơi tấn công cũng như cực kỳ lạnh lùng trong các thời điểm quyết định.
Khi Nadal chủ động, anh thoải mái ép trái của Federer để buộc đối phương phải lộ nhiều khoảng trống hơn ở phía thuận tay, rồi từ đó Nadal dứt điểm, kết thúc các đường bóng.
Mặt khác, Nadal chơi trái tay xuất sắc, hầu như không thất thế khi bị Federer dồn trái, mà ngược lại, anh ghi điểm trực tiếp cả bằng cách tăng tốc cá cú trái chéo sân và mềm mại khi đánh dọc dây.
Nếu như việc Nadal giành điểm khi giao bóng một thành công lên tớin hơn 70% là không bất ngờ, thì việc anh ăn điểm bóng hai lên tới 73% là sự kinh ngạc.
Có lẽ, đây là lần đầu tiên Nadal đạt được hiệu suất đó, làm cho mọi âu lo về vết loét trên bàn tay cầm vợt của anh trở thành thừa thãi.
Thế nên, việc Nadal chiến thắng Federer dễ dàng hơn hai lần họ gặp nhau trước đó ở Australian Open (năm 2009 và 2012) chỉ là một kết cục tất yếu.
Câu trả lời cho cuộc chiến của sự vĩ đại
Federer đã bị Nadal ngáng đường ở trận chung kết Australian Open 2009 khi anh đầy tham vọng sẽ san bằng kỷ lục 14 Grand Slam của Sampras.
Khát vọng chinh phục lịch sử ấy lớn tới mức đến khi bất thành Federer đã giàn giụa nước mắt, thốt lên rằng “Con chết mất Chúa ơi”.
Nhưng rồi Federer cũng giành được Grand Slam thứ 14 khi vô địch Roland Garros 2009. Anh lập tức trở thành người xuất sắc nhất trong lịch sử tennis thế giới.
Thành tích ấy giúp anh sánh ngang với Pete Sampras, nhưng lại vượt qua huyền thoại người Mỹ nhờ đăng quang ở bốn Grand Slam khác nhau trong khi Sampras mới chỉ vô địch ở Wimbledon, US Open và Australian Open, và chưa từng vào tới chung kết Roland Garros.
Nhưng giờ thì khó có thể coi Sampras là đối trọng để so sánh với Federer. Chỉ có Nadal mới có thể so sánh và bám đuổi Federer nhờ anh mới 27 tuổi và đã có 13 danh hiệu.
Nếu như từ sau Grand Slam thứ 14 tới nay, Federer chỉ giành thêm 3 danh hiệu ở Australian Open và Wimbledon thì Nadal lại giành tới 7 danh hiệu ở bốn Grand Slam khác nhau.
Có lẽ, trong nỗi tiếc nuối không thể làm nên trận chung kết toàn Thuỵ Sĩ đầu tiên trong lịch sử Grand Slam, Federer còn dằn vặt bởi anh không thể tự mình ngăn cản Nadal tiến gần hơn mà giờ đây đành phải trông đợi ở người đồng hương Wawrinka.
Tuấn Đạt