Bên lề lễ trao giải Emmy 2013: Mờ dần ranh giới điện ảnh - truyền hình

22/09/2013 07:08 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Ngày hôm nay, 22/9, sẽ diễn ra lễ trao giải Primetime Emmy lần thứ 65, sự kiện tôn vinh ngành công nghiệp truyền hình Mỹ, nhưng cũng luôn khuấy lại câu hỏi: giữa truyền hình và điện ảnh, bên nào có ảnh hưởng lớn hơn.

Primetime Emmy là một trong hai bộ giải quan trọng nhất thuộc giải thưởng Emmy dành cho ngành công nghiệp truyền hình.

“Thời đại vàng” của truyền hình?

Tại đêm trao giải năm nay, hẳn sẽ không thiếu những lời tâng bốc rằng chúng ta đang ở "thời đại vàng" của truyền hình; còn điện ảnh khó có ảnh hưởng sánh bằng.

Quả thực các giải thưởng được trao sẽ tôn vinh nhiều loạt phim truyền hình táo bạo và đầy sức sáng tạo như Breaking Bad, Mad Men, Game of Thrones, Homeland, 30 Rock và Louie.

Trong khi đó, những người hâm mộ điện ảnh vừa chia tay với một mùa Hè đầy các bộ phim "phần tiếp theo" ít rủi ro (nhưng cũng ít sự đột phá, sáng tạo) như Kick-Ass 2, Percy Jackson: Sea of Monsters, The Smurfs 2 và Red 2.

Theo giới quan sát, mấy năm gần đây, tham vọng nghệ thuật quả có xuất hiện nhiều hơn trong các bộ phim truyền hình so với ngành công nghiệp điện ảnh. Nhưng truyền hình vẫn "dưới cơ" so với điện ảnh.

Trước tiên là về doanh thu. Kể cả các phim truyền hình ăn khách nhất cũng khó có doanh thu sánh bằng các bộ phim chiếu trên màn ảnh rộng trong mùa Hè. Về mặt chất lượng nghệ thuật, trong vòng những tuần và tháng tới đây, hàng loạt phim tiềm năng đoạt giải như: Gravity, 12 Years a Slave, American Hustle, August: Osage County, Captain Phillips, The Monuments Men... sẽ xuất hiện. Đó là còn chưa kể tới các phim tiềm năng đoạt giải đã xuất hiện trước đó như Blue Jasmine, Before Midnight, Fruitvale Station," and "Lee Daniels' The Butler."

Những người bênh vực truyền hình hẳn cũng muốn tránh nói tới các loạt phim đáng xấu hổ như: Extreme Cougar Wives, 2 Broke Girls, Last Man Standing, hay Keeping Up With the Kardashians. Nói một cách khác ở cả điện ảnh lẫn truyền hình đều có đầy những tác phẩm "tầm phào" bên cạnh số ít những cái tên xuất sắc, chỉ phục vụ một lượng khán giả nhỏ, cao cấp.

Điện ảnh vẫn ở "chiếu trên"

Thực tế điện ảnh vẫn là sân chơi lớn hơn của các nhà làm phim. Truyền hình không có những tên tuổi như James Cameron hay Christopher Nolan, Quentin Tarantino hay Woody Allen, Peter Jackson, Kathryn Bigelow, Guillermo del Toro, Lý An... Truyền hình có ít nhà làm phim hoạt hình, trong khi điện ảnh có những cái tên đình đám như Hayao Miyazaki hay đội Pixar. Họ cũng có ít nhà làm phim tài liệu sánh được với Errol Morris hay Alex Gibney.

Cho dù xuất sắc hay không, điện ảnh vẫn có sự hào nhoáng và thanh thế lớn hơn truyền hình. Hiển nhiên, phần lớn thanh thế đó tới từ các yếu tố mang tính cấu trúc hệ thống (điện ảnh lớn hơn, tầm ảnh hưởng quốc tế hơn, là trải nghiệm đặc biệt khiến người ta phải rời nhà để thưởng thức).

Tuy nhiên, các nhà quan sát đánh giá điện ảnh không chiếm thế thượng phong lâu, không phải bởi điện ảnh đang tụt dốc hay truyền hình đi lên, mà bởi sự hội tụ về một điểm của hai lĩnh vực này. Sự xuất hiện của công nghệ số và các nền tảng phân phối nội dung số đang từng bước xóa đi ranh giới giữa điện ảnh và truyền hình. 

Lu mờ ranh giới

Phim thường là một dạng kể truyện kéo dài mà ta thưởng thức trong không khí cộng đồng, trên màn ảnh khổ lớn, khiến ta đắm chìm trong các trải nghiệm điện ảnh. Còn truyền hình, bởi công thức kể chuyện ngắn của nó thông qua màn ảnh nhỏ đặt trong phòng khách, đã tạo ra các ảnh hưởng ít lôi cuốn hơn. Nó giống như giúp người ta ghé mắt nhìn ra thế giới.

Nhưng giờ đây khi tất cả các bộ phim và kênh truyền hình đã có thể được phát qua thiết bị di động, nơi khán giả có thể tự quyết định kích cỡ màn hình, độ dài của buổi chiếu, sự phân biệt trở nên hết sức khó khăn.

Tại giải Emmy năm nay, lần đầu tiên dịch vụ truyền hình qua mạng Netflix trở thành một người chơi lớn khi tham gia nhận vài đề cử giải thưởng với các phim truyền hình House of Cards và Arrested Development.

Với không ít người xem truyền hình ở Mỹ, các bộ phim này chưa từng xuất hiện trên TV trong nhà họ mà chạy thẳng vào máy tính hoặc máy tính bảng, điện thoại thông minh. Nhiều người cũng không xem từng tập phim mà tải về trọn bộ và xem hết trong một lần. Ở đây người ta có thể đặt dấu hỏi: Liệu các phim như House of Cards có còn là sản phẩm truyền hình, khi anh có thể xem tất cả các tập phim trong một lần. Tương tự, liệu các phim như Pacific Rim có còn là tác phẩm điện ảnh, khi người ta có thể cắt nó ra thành nhiều phần và xem trên điện thoại vào lúc họ có thời gian rảnh.


Tường Linh (Theo Moviefone)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm