05/04/2015 15:07 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - “Nghe lời ông anh đá cho đội tỉnh Lâm Đồng, tôi quyết định lên Đà Lạt thử việc ở đội trẻ. Thử cho vui ai ngờ trúng tuyển vào đội U18 Lâm Đồng. Đó là năm lớp 9 và cũng là bước ngoặt đời tôi”, Đăng Báo kể lại.
Sinh ra trong một gia đình không khá giả về kinh tế, truyền thống thể thao cũng không, Đăng Báo cùng ba anh em trai theo cha mẹ từ Hà Tĩnh vào huyện vùng sâu Lâm Hà (Lâm Đồng, cách TP.Đà Lạt hơn 80 km) để làm kinh tế mới. Cuộc sống của cả gia đình 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào vài mẫu vườn trồng cây công nghiệp dài ngày. Nhưng trong quan niệm của bố là quân nhân xuất ngũ, các con phải được ăn học tử tế. Thế nên, dù hoàn cảnh khó khăn đủ bề, cha mẹ Đăng Báo vẫn cố gắng làm lụng để 4 cậu con trai ăn học đầy đủ.
Tự lập nhờ năng khiếu bóng đá
So với 3 anh em trai còn lại trong gia đình, Đăng Báo đặc biệt hơn với năng khiếu đá bóng. Cái chân trái dị biệt của Báo khiến chàng trai sinh năm 1988 rất “nổi tiếng” ở huyện Lâm Hà. Khi học lớp 9, Báo nghe lời rủ của người anh cùng huyện đang chơi bóng ở đội tỉnh Lâm Đồng. Được lên thành phố khi đó cũng là một ước mơ của chàng trai sinh ra ở vùng quê nghèo. Cùng những lời nói khá lọt tai về tiền nong sinh hoạt gia đình không phải lo một khi đã vào đội bóng tỉnh, quyết định thoát ly của cậu học sinh lớp 9 được đưa ra khá nhanh. Trong suy nghĩ của một chàng trai trẻ, bóng đá giúp mở mang tầm mắt, thỏa đam mê và quan trọng hơn là giúp bố mẹ đỡ một gánh nặng.
Nhanh chóng được nhận vào đội năng khiếu U18 Lâm Đồng, Đăng Báo cũng khó ngờ rằng sự nghiệp của mình từ đây là những ngày xa gia đình, rong ruổi cùng trái bóng. Năm 2004, tại Hội khỏe Phù Đổng tổ chức ở Huế, Lâm Đồng bất ngờ vượt qua những địa phương có truyền thống bóng đá mạnh để đoạt tấm HCĐ. Năm 2006, Đăng Báo một mình xách ba lô đến Đại học TDTT TP.HCM thi tuyển vào khoa bóng đá khi đó lấy chưa đến 40 sinh viên.
Đăng Báo (áo đỏ) được ăn tập bài bản và sớm gắn bó với futsal
Trong phần thi sút cầu môn, Đăng Báo sút trượt khá nhiều so với những bạn bè khác. Khi mang trong đầu tâm lý chắc chắn không đậu, Đăng Báo chán nản ra về thì được báo kết quả trúng tuyển. Giám sát Nguyễn Trọng Lợi, người ra quyết định này nói với cậu sinh viên sinh năm 1988: “Cậu đậu vì có kỹ năng đá bóng”. Ông Lợi không đánh giá sai về cậu học trò, bởi chỉ 1 năm sau đó, Đăng Báo là cái tên nằm trong danh sách Đại học TDTT TP.HCM vô địch giải sinh viên toàn quốc 2007. Cùng với tiền đạo đang thuộc biên chế ĐTQG Nguyễn Hải Anh, Đăng Báo với cái kèo trái rất dị là một trong những nhân tố không thể thiếu trong chức vô địch của đội nhà.
Duyên tiền định với futsal
Những trận đấu trên sân phủi, đặc biệt khi sân cỏ nhân tạo mini phát triển mạnh ở TP.HCM khiến cuộc đời Báo gắn bó với mối duyên mới: Futsal.
Những tố chất vượt trội của chàng trai sinh năm 1988 thể hiện rõ nhất trên sàn đấu này. Mới là sinh viên năm thứ ba, nhưng Báo đã được ký hợp đồng với CLB futsal chuyên nghiệp Tâm Nhật Minh. Vừa học tập, vừa sắp xếp thời gian tập luyện và thi đấu, Đăng Báo luôn thu xếp tròn vai. Năm 2010 là năm diễn ra nhiều sự kiện đáng nhớ với cá nhân cầu thủ này khi Báo vừa tốt nghiệp, vừa chính thức được biết đến trong làng futsal Việt Nam. Năm 2010 diễn ra nhiều cột mốc đáng nhớ nhưng 2011 mới thực sự ngọt ngào nhất trong sự nghiệp futsal của Đăng Báo.
Đánh bại CLB futsal mạnh nhất Việt Nam Thái Sơn Nam, Đăng Báo cùng Tâm Nhật Minh lần đầu tiên VĐQG. Trong năm đầu chuyển giao Tâm Nhật Minh cho Sanatech Khánh Hòa, đội bóng thi đấu không thành công. Nhưng chỉ 1 năm sau đó (2013), Sanatech Khánh Hòa trở lại với HCĐ giải VĐQG và hiện tại, Đăng Báo và các đồng đội đang là đương kim á quân QG. Cùng với những Quốc Bảo, Y Nghĩa, Đình Hùng, Đăng Báo là nhân tố không thể thiếu của Sanatech Khánh Hòa.
Chinh phục đủ danh hiệu cấp độ quốc gia, Đăng Báo còn mát tay trên ca bin huấn luyện. Nơi chàng trai gốc Hà Tĩnh đang ký hợp đồng ngắn hạn để dạy giáo dục thể chất, Trường Cao đẳng Bách Việt TP.HCM đã ghi nhận công lao của cầu thủ này khi 3 lần liên tiếp (từ 2012 đến 2014) có chức vô địch sinh viên toàn quốc U-League.
Tài năng trên sân cỏ với những thành công từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, nhưng Đăng Báo không tính chuyện rẽ ngang sang nghiệp cầu thủ như nhiều bạn bè. Sau tấm bằng cử nhân bóng đá Đại học TDTT TP.HCM, nhận thấy ngành học của mình chỉ có giá trị trong phạm vi hẹp nên Đăng Báo quyết tâm theo đuổi văn bằng 2 Đại học kinh tế TP.HCM ngành Ngoại thương do cầu thủ này rất thích tiếng Anh. Chỉ còn 1 năm nữa, Đang Báo sẽ hoàn tất khóa học.
Cuộc phiêu lưu với trái bóng của Phan Đăng Báo đến giờ vẫn chưa có điểm dừng. Tuổi 27, niềm đam mê và sức trẻ vẫn thôi thúc chưa cho phép Báo dừng lại. Bản thân Báo ý thức được dù đây không phải là tương lai dài lâu nhưng trái bóng đã giúp ích rất nhiều cho chàng trai có cái chân trái tài hoa này nên anh không thể phụ bạc nó.
Từng có công việc tốt ở công ty Nokia nhưng do bận học, Đăng Báo đã bỏ qua thu nhập hơn chục triệu đồng/tháng để tập trung vào niềm đam mê. Đăng Báo chia sẻ: “Đến với futsal với tôi là một cái duyên, nó chọn tôi vì tôi phù hợp với bóng đá futsal hơn sân cỏ 11 người. Futsal ở Việt Nam tôi nghĩ chưa được đầu tư tốt nhất để phát triển. Bóng đá Việt Nam có thể vươn ra tầm châu lục thậm chí thế giới ở sân chơi này là thực tế hơn so với sân cỏ 11 người”.
Việt Hà
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất