01h45 ngày 10/6, Đức – Bồ Đào Nha: Nơi Bồ yếu nhất, Đức vẫn mạnh nhất

09/06/2012 11:46 GMT+7 | Bảng B

(TT&VH)- Óc tổ chức và tính kỷ luật của người Đức luôn là điều khiến người BĐN luôn thèm khát, và chất kỹ thuật mang hơi hướm Latin của đội bóng được mệnh danh là Brazil châu Âu cũng là điều từng ám ảnh người Đức. Nhưng bây giờ, thì có lẽ chỉ người Bồ phải đi tìm mảnh ghép còn thiếu ấy, tồn tại trong chính bản thân đối thủ của họ.

Khác biệt nằm ở khả năng tổ chức

Bóng đá đối với người Đức đã từng đơn thuần chỉ là một công việc, chỉ hướng đến sản phẩm cuối cùng, những danh hiệu, còn “quá trình sản xuất” thì buồn tẻ đến khổ hạnh. Tính tổ chức, một phẩm chất nổi trội của dân tộc Đức, giúp họ cụ thể hóa nhiệm vụ ấy một cách xuất sắc. Ngay cả khi chất lượng đội hình có suy giảm, thì người Đức vẫn biết cách tổ chức đội hình và lối chơi sao cho đạt hiệu quả cao nhất, và đó là lý do giải thích cho việc ngay cả khi rơi vào trạng thái mất định hướng, họ vẫn có thể giành kết quả cao, như chức vô địch EURO 1996 và á quân World Cup 2002.

Ngược lại, ngay cả khi sở hữu một thế hệ vàng đã đăng quang một cách đầy thuyết phục ở các giải trẻ trong nhiều năm (thế hệ của Baia, Figo, Rui Costa.. đã đăng quang giải trẻ thế giới liên tiếp vào các năm 1989 và 1991), BĐN vẫn loay hoay đi tìm vinh quang. Và ngay cả khi đã được trao cho những điều kiện thuận lợi nhất để giành chức vô địch, họ vẫn có thể trượt ngã, như thất bại trong trận chung kết trên sân nhà trước Hy Lạp vào năm 2004. 



Mesut Oezil (trái) có thể  dẫn dắt tuyển Đức vượt qua BĐN của Cristiano Ronaldo- Ảnh Internet

Khác biệt nằm ở tính tổ chức, và kỷ luật. Đội tuyển Đức đã từng là tập hợp của nhiều cái tôi lớn, nhưng rất ít mâu thuẫn, và ngay cả khi có mâu thuẫn, tất cả vẫn biết tạm dẹp bỏ nó đi vì lợi ích chung. Như khi Kahn động viên Lehmann trước loạt đấu phạt đền với Argentina ở tứ kết World Cup 2006, bất chấp những tranh cãi nổ ra trong một thời gian dài trước đó vì vị trí số một trong khung gỗ tuyển Đức. Như khi Michael Ballack bị “truất ngôi” vì là tác nhân gây ra những mâu thuẫn trong lòng tuyển Đức, trong một cuộc chiến giành giật lại vai trò thủ lĩnh ở đội tuyển này. Kỷ luật thì sao? Effenberg đã từng bị tống cổ khỏi đội tuyển Đức vì giơ “ngón tay thối” với các CĐV ở World Cup 1994.

Sự giằng xé giữa cái đẹp và danh hiệu

Ngược lại, BĐN không phải nền bóng đá sản sinh ra nhiều cầu thủ cá tính và có cái tôi lớn, nhưng những cá nhân của họ lại thường xuyên va chạm với nhau, và thậm chí là coi cảm giác thỏa mãn của bản thân còn lớn hơn cả niềm tự hào màu cờ sắc áo lẫn trách nhiệm với các CĐV của đất nước họ. Ricardo Carvalho sẵn sàng chia tay tuyển Bồ vì mâu thuẫn với HLV Paulo Bento và trung vệ Pepe. Hậu vệ Bosingwa tuyên bố anh sẽ không lên tuyển chừng nào ông Bento còn tại vị. Trước đây, Luis Figo đã từng “va chạm” với Deco trong một thời gian dài, thậm chí là hục hặc với ngay cả HLV Felipe Scolari, khi nhà cầm quân người Brazil còn dẫn dắt tuyển Bồ.

Chính sự chia rẽ và ích kỷ của mỗi cá nhân ấy khiến tuyển Bồ không thể chạm đến vinh quang, dù nền bóng đá này không hề thiếu những tài năng. Họ có thể chơi đẹp và hoa mỹ ở từng cú chạm bóng, nhưng không phải là một đội tuyển phù hợp để gặt hái danh hiệu.

Sự đẹp đẽ, nhưng mong manh của tuyển Bồ đã từng là điều khiến người Đức cảm thấy “bức bối”. Chiến thắng của Đức luôn bị coi là những chiến thắng vô cảm, và khi họ vấp ngã, như thất bại tại EURO 2000, thì những chỉ trích nhắm vào thường rất nặng nề. Tại EURO 1992, sau thất bại của Đức trước Đan Mạch ở chung kết, Brian Laudrup thậm chí còn chế giễu rằng người Đức đá bóng như làm việc, chẳng có gì vui vẻ.

Ở nơi Bồ yếu nhất, Đức vẫn mạnh nhất

Cuộc cách mạng tấn công đã đem lại cho bóng đá Đức một diện mạo hoàn toàn khác, và suốt một thập kỷ qua, chính hình ảnh đẹp đẽ ấy lại khiến họ được khen ngợi, dù danh hiệu vẫn chưa đến. Và phẩm chất quan trọng nhất là tư duy tổ chức vẫn tồn tại, dưới một dạng khác: Nếu như trong quá khứ, người Đức sử dụng nó để toan tính và đặt nền tảng cho một lối chơi chắc chắn, thì bây giờ, họ sử dụng nó để xây dựng một lối đá tận hiến, bằng những bài tấn công được sắp xếp một cách rất tinh vi. Sự thông minh và tính ngăn nắp, kỷ luật đã giúp họ lĩnh hội tư tưởng mới và tiến hành cuộc cách mạng tấn công rất suôn sẻ, chỉ mất nửa thập kỷ để đưa đội tuyển Đức trở lại tốp đầu thế giới.

Ngược lại, BĐN dường như đang để cho sự ích kỷ bào mòn đội tuyển một cách kinh khủng hơn cả những gì đã diễn ra trong quá khứ, trong khi chất lượng về kỹ thuật của họ đang giảm sút thực sự: Dù sở hữu một trong những cầu thủ hay nhất thế giới là Cristiano Ronaldo, thì hàng tiền vệ của họ vẫn chỉ bao gồm toàn cầu thủ có chất lượng kỹ thuật ở mức khá, và không ai có khả năng dẫn dắt thế trận. Và nếu như tuyển Đức đã định hình lại được lối chơi sau cuộc cách mạng, thì Bồ hiện nay vẫn chưa thể tìm ra lối chơi, vì những cá nhân vị kỷ và rời rạc của họ.

Chính vì thế, họ khó có cửa vượt qua Đức ở trận này, vì ở mặt yếu nhất của họ lại chính là điểm mạnh nhất của người Đức, đã được duy trì và thử lửa qua cả một cuộc cách mạng thay đổi 180 độ triết lý bóng đá.

Phạm An

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trận Đức - Bồ Đào Nha sẽ có kết quả thế nào?



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm