12/06/2019 07:23 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Số lượng lớn nhà thờ Công giáo trải khắp các vùng miền, trong đó có nhiều công trình kiến trúc cổ, cũ đạt giá trị nghệ thuật - kiến trúc, được lưu giữ khá nguyên vẹn tạo nên tiềm năng lớn trong du lịch.
1. Nhà thờ công giáo Việt Nam hội tụ được các giá trị nghệ thuật kiến trúc truyền thống ở giai đoạn cao nhất kết hợp cùng nghệ thuật kiến trúc phương Tây, tạo nên giá trị kiến trúc đặc sắc. Trong đó, có thể nói rằng nhà thờ Nam (nhà thờ có kiến trúc theo phong cách dân tộc Việt Nam) là công trình kiến trúc chỉ có ở Việt Nam. Mỗi công trình là một tác phẩm nghệ thuật mang nét độc đáo riêng, rất khó trùng lặp, dễ khai thác tour tuyến du lịch, tạo nên sự đa dạng và phong phú về du lịch.
Cụ thể, có thể bắt gặp các trường hợp nhà thờ quy mô lớn như nhà thờ Kẻ Sặt (Hải Dương), Duyên Lãng (Thái Bình); có hình khối hiện đại như nhà thờ Hưng Hóa (Hà Nội); đắp vẽ trang trí đẹp bên ngoài như nhà thờ Đại Ơn (Hà Nội); chạm khắc đẹp bên trong như nhà thờ Tân Kim (Hải Dương), nhà thờ Phạm Pháo (Nam Định); có kiến trúc tháp độc đáo như nhà thờ Quần Triêm (Ninh Bình).
Thậm chí, nhiều điểm nhấn riêng của mỗi nhà thờ đều có thể trở thành yếu tố đặc biệt để giới thiệu với du khách và những người quan tâm. Chẳng hạn, nhà thờ Tôn Đạo (Ninh Bình) có trang trí vẽ đắp mặt quỷ làm chi tiết thoát nước xung quanh mái nhà tạo nét riêng. Nhà thờ Vĩnh Trị (Nam Định) có cấu kiện gỗ độc đáo, với dạ tàu là thanh gỗ lớn đặt nằm ngang như xà được chạm khắc nổi ba mặt và không cần diềm mái trang trí như kết cấu gỗ truyền thống. Nhà thờ Từ Châu (Hà Nội) có trang trí câu đối - cửa võng như đình chùa, nhà thờ Hảo Nho (Ninh Bình) lấy yếu tố thiên nhiên làm một thành phần cấu thành của công trình khi có núi Thánh Giá…
Ngoài yếu tố kiến trúc, bản thân lịch sử và câu chuyện đi kèm mỗi nhà thờ trong suốt thời gian tồn tại cũng là những giá trị đặc biệt. Điển hình, nhà thờ Vĩnh Trị Nam Định có phù điêu được thể hiện bởi làng nghề làm tượng Công giáo nổi tiếng; nhà thờ Phạm Pháo (Nam Định) có đội kèn Tây lớn nhất cả nước với hơn 500 người...
Thực tế, theo thời gian, nhiều nhà thờ đã trở thành những công trình mang tính biểu trưng của các địa phương và khiến khách tham quan không thể bỏ qua. Đó là trường hợp nhà thờ như: Phát Diệm tại Ninh Bình, Nhà thờ Lớn tại Hà Nội, Nhà thờ Đức Bà tại TP.HCM, Nhà thờ Sapa, Nhà thờ Đá tại Nha Trang, Nhà thờ Mằng Lăng tại Phú Yên…
2. Ở góc độ văn hóa có rất nhiều giá trị đặc biệt ở các nhà thờ Công giáo.
Trước hết, các kiến trúc này thể hiện sự hội nhập và ứng xử giữa Công giáo với các tôn giáo truyền thống Phật, Nho, Đạo giáo. Các công trình nhà thờ Công giáo theo phong cách Á đông có dáng dấp ngôi đình làng, đồng thời lại có sự kế thừa kiến trúc của Phật giáo, Đạo giáo. Tiêu biểu là quần thể thánh đường Phát Diệm với các hạng mục công trình được xây dựng đậm nét phong cách Á đông: kết cấu chính bằng gỗ, chạm trổ và cung thánh được sơn son thếp vàng lộng lẫy; hệ cửa bức bàn; tháp chuông rời, tam quan và ngũ quan gắn với mặt tiền…
Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa phi vật thể gắn liền với công trình nhà thờ Công giáo cũng thể hiện rõ nét sự hội nhập với các hoạt động văn hóa lâu đời của người dân Việt. Điển hình, trong lễ hội Công giáo, giáo dân đã sử dụng gỗ kiệu truyền thống, treo cờ ngũ hành, cờ hội của người Việt không Công giáo.
Nhiều nhà thờ xứ, họ đạo ở miền Bắc dùng chuông Nam và trong một số thánh lễ có tiến hành nghi lễ dâng hương theo truyền thống người Việt. Dưới bàn thờ Chúa, nhiều nhà thờ đặt lư hương để đốt hương trầm dịp lễ trọng.
Ngoài ra, các nhà thờ còn thể hiện lối sống đạo của tín đồ Công giáo thật sự bằng tâm linh, nếp nghĩ, lối ứng xử theo bản sắc văn hóa Việt Nam. Công trình nhà thờ Công giáo là nơi diễn ra nhiều lễ hội mang được hầu hết các nội dung của một lễ hội truyền thống: hát, trò, tích. Trong lễ hội có hát thánh ca, múa mõ, trắc trống, thuật lại việc các giáo sĩ đi thuyền vào truyền giáo.
Lễ hội Công giáo là dịp làng giáo - xứ đạo biểu dương sức mạnh cộng đồng và cũng là dịp người dân quê được thi thố tài năng, thể hiện tài nghệ trước cộng đồng. Lễ hội Công giáo vì vậy trở thành một bộ phận của lễ hội truyền thống Việt Nam, ở đó lưu giữ một số nội dung của lễ hội truyền thống Việt Nam, làm phong phú thêm lễ hội truyền thống, nơi khởi nguồn và nuôi dưỡng những giá trị văn hóa Việt. Chưa kể, một số nghi lễ Công giáo khi du nhập vào Việt Nam dần được người ViệtNam Công giáo biến thành nghi lễ của mình như lễ cầu mùa, lễ cầu bằng yên.
Đặc biệt, các nhà thờ Công giáo có kết cấu gỗ truyền thống là loại hình tiêu biểu về mặt thể hiện tâm hồn, sự sáng tạo của người dân Việt. Không chỉ vận dụng phương thức xây dựng truyền thống kết cấu gỗ nhà truyền thống Bắc bộ vào công trình nhà thờ, việc tổ chức lại không gian từ mặt bằng tiếp cận chính theo chiều ngang với gian giữa là trung tâm, chuyển sang trục dọc lấy hệ vì giữa làm trung tâm là sự vận dụng mấu chốt và vô cùng sáng tạo khi tạo nên kiểu nhà thờ Nam đặc trưng.
Cách tổ chức không gian này vừa đáp ứng các yêu cầu công năng trong nhà thờ tôn giáo, lại vừa dễ dàng áp dụng phương thức xây dựng truyền thống và linh hoạt cần thiết khi mở rộng quy mô.
Ngoài ra, khác với cách tổ chức không gian theo xu hướng đưa chức năng vào một khối công trình có quy mô lớn thường thấy ở châu Âu, công trình nhà thờ Công giáo, đặc biệt là các nhà thờ ở khu vực nông thôn, thường có bố cục không gian dàn trải, không tạo nên khối công trình quá lớn phá vỡ cảnh quan làng quê dung dị. Sự tương đồng về cách bố trí các hạng mục trong nhà thờ Công giáo với công trình đình, chùa Phật giáo tạo nên nét gần gũi không xa lạ với làng quê Việt Nam…
Với những giá trị đặc biệt như vậy, công trình nhà thờ Công giáo Việt Nam cần có hướng nghiên cứu, tiếp cận hợp lý để có thể gìn giữ, phát huy giá trị và trở thành một phần quan trọng trong quỹ di sản của văn hóa Việt.
Ths-KTS Đỗ Thị Thu Vân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất