Federer - Nadal hay cuộc chiến của Sân cỏ và Đất nện

11/07/2008 22:41 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Online) - Người ta bảo, các tay vợt Tây Ban Nha có hai lễ Giáng sinh trong một năm. Đêm 24/12 hằng năm chỉ là lễ Giáng sinh thứ hai. Còn Giáng sinh thứ nhất là khi quần vợt thế giới bước vào giai đoạn thi đấu trên mặt sân đất nện, nơi mà họ thống trị. Các tay vợt Nam Mỹ cũng là những người như thế.

Song, hầu hết trong số họ đều trở nên “ngờ nghệch” và yếu đuối trên mặt sân cỏ. Đó là lý do giải thích tại sao, sau 4 lần liên tiếp đăng quang ở French Open, được gọi là ông Vua sân đất nện, Nadal mới lên ngôi ở Wimbledon; và 42 năm sau lần Manolo Santana, mới lại có người Tây Ban Nha được tôn vinh trên mặt sân cỏ nước Anh.

Bản thân Federer, người đã cất ở phòng ngủ của anh 12 chiếc cúp Grand Slam khác nhau, đã từng vài lần lọt vào đến trận CK French Open, nhưng lại chưa từng một lần chiến thắng ở đó.

Đằng sau sự khác biệt này, hẳn nhiên phải có những đặc điểm riêng của sân cỏ và sân đất nện “sở hữu”. Nó không đơn thuần là ở chuyện sân cỏ màu xanh, đất nện màu đỏ. Nó liên quan cả tới cách thức di chuyển (bao gồm chạy, tạo thế, tạo điểm dừng hay vừa trượt trên mặt sân vừa thực hiện động tác đưa vợt tiếp xúc với trái banh nỉ) và cả việc trái banh sẽ bay như thế nào (tốc độ, độ nảy) sau khi nó tiếp xúc với mặt sân.
 

Sân đất nện

Di chuyển:

Nếu chú ý, chúng ta luôn thấy các tay vợt Tây Ban Nha và Nam Mĩ (đặc biệt là Argentina) khi di chuyển trên sân đất nện, họ rất thoải mái trong các động tác tựa như kiểu trượt băng để tận dụng độ lì của mặt sân này. Điều đó giúp họ trở nên nhanh nhẹn hơn đối thủ trong khâu di chuyển và rất hữu ích trong những cú lên lưới hoặc cứu thua ngoạn mục, dù sân đất nên không sản sinh ra các tay vợt giao bóng lên lưới bắt volley điển hình.

Kỹ - chiến thuật:

Ở mặt sân đất nện, bóng nảy cao và chậm hơn so với các bề mặt sân khác, cứng hay là cỏ, nên không phù hợp với các tay vợt có lối đánh nghiêng theo kiểu tấn công chỉ sau 1 vài đường banh. Chơi trên mặt sân này, các tay vợt thường cố tìm cách tạo ra những cú đánh cài đối phương rồi bắt đối phương tạo khoảng trống rồi họ mới dứt điểm ở cú đánh tiếp theo.

Sân đất nện vì vậy là đất diễn cho các tay vợt có sở trường đánh từ cuối sân, đôi khi dân “phủi” gọi nó là “cò cưa”. Dĩ nhiên, nó đòi hỏi các tay vợt phải có độ dẻo dai, độ trì để sẵn sàng bước vào những cuộc trường chinh tới 4-5 tiếng/trận.

Và sân đất nện hoàn toàn không “ủng hộ” cách đánh lên lưới. Khi bóng bay chậm và cao, các tay vợt có tốc độ di chuyển nhanh và thuần thục có thể di chuyển xoay quanh trái banh để đổi từ tư thế của một cú trái tay backhand sang thuận tay forehand.

Trận CK French Open 2008, Federer đã thua Nadal trong một trận đấu đáng quên nhất trong nghề của riêng của tay vợt người Thụy Sĩ. Set đầu tiên, Federer đánh từ cuối sân. Thất bại. Set thứ hai, Federer đổi chiến thuật, cứ giao bóng xong là lên lưới chờ volley, nhưng những cú đáp trả của Nadal theo kiểu di chuyển quanh trái bóng nói trên đã không cho Federer bắt volley thoải mái. Kết cục là cũng thất bại. Set 3, Federer hoàn toàn buông xuôi. Trong khi đó, 4 tuần sau, ở trận CK Wimbledon 2008, Federer sử dụng khá nhiều chiến thuật lên lưới và anh suýt chút nữa đã lật ngược được tình thế.

Ngoài ra, mặt sân đất nện còn khiến những cú cắt bóng (sliced shots) đi với quỹ đạo khó chịu, bóng găm xuống rất sâu, phù hợp cho cách đánh điều phối đối thủ. Nó cũng thuận lợi cho các tay vợt “trì” như nói ở trên.

Sân cỏ:

Di chuyển:

Mặt sân cỏ trơn nhất trong tất cả các mặt sân. Trơn ở đây không có nghĩa là thuận lợi cho kỹ thuật di chuyển trượt bằng cả 2 chân như sân đất nện. Nó không thuận lợi cho các bước chạy nhanh hay xoay trở sau mỗi cú đánh.

Kỹ - chiến thuật:

Bóng trên sân cỏ có độ nảy thấp, và luôn chuội xuống. Tồi tệ hơn, banh nỉ có thể bay đi theo những hướng bất ngờ, phụ thuộc vào vài ngọn cỏ xiêu vẹo hay một mô đất nhỏ xíu.

Đặc điểm này khiến các tay vợt có xu hướng luôn hạn chế độ dài của quỹ đạo bay của trái banh sau khi nó đã tiếp đất. Và nó ngẫu nhiên rất thích hợp với các tay vợt có thiên hướng tấn công.

Tim Henman nhờ “sinh ra từ cỏ, lớn lên từ cỏ, giã từ tennis cũng từ cỏ” mới bon chen được vào nhóm các tay vợt nổi tiếng thế giới (dù chưa bao giờ VĐ Grand Slam). Henman có cách đánh điển hình trên mặt sân cỏ: giao bóng, lên lưới bắt volley hoặc thực hiện 1 cú smash. Các cú volley thường đi nhanh hơn trên mặt sân cỏ nên đối phương rất khó chống đỡ.

Đặc điểm này cũng giúp cho các tay vợt chỉ sống nhờ giao bóng trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều so với bình thường. Không ngẫu nhiên mà Safin như đã hết thời sau chấn thương, giải năm nay cũng đã vào tới bán kết rồi thua Federer, một tay vợt giao bóng không mạnh nhất nhưng lại ổn định và chuẩn xác nhất ở tốc độ trung bình khoảng 116 dặm/h...

 
Đế giày chuyên dụng cho sân cỏ là những cái gai bé xíu, dày đặc để tránh trơn trượt.
 Đế giày chuyên dụng cho sân đất nện cũng phẳng, nhưng không có gai để di chuyển trượt cả 2 chân.
Mặt sân cứng cần độ êm để bảo vệ gót chân và đế ít điểm tiếp xúc để chống lại độ lỳ của mặt sân.

Khi Nadal đánh bại tay vợt người Đức Rainer Schuettler ở trận bán kết, điều đầu tiên anh nói trong cuộc phỏng vấn chớp nhoáng ngay trên sân là sẽ thay giày trong trận chung kết. Bởi mặt sân trung tâm dù được chuẩn bị và chăm sóc cực kỳ kỹ lưỡng (tới mức có thể ví như chăm sóc tóc cho nữ hoàng Anh), cũng đã bị cày ải trong 2 tuần liên tiếp (khiến cỏ bị trụi và mặt sân trơ hơn), nên Nadal cần đôi giày có bề mặt tạo ma sát nhiều hơn (gai dưới đế sắc hơn).

Novak Djokovic cũng là tay vợt đã thua Nadal 2 lần liên tiếp trong vòng chưa đầy 2 tuần lễ trên 2 mặt sân khác nhau, lần đầu là sân đất nện ở French Open, lần thứ hai là sân cỏ ở giải Stella Artois của Bỉ, đã thốt lên đầy ngạc nhiên, rằng “trong đời, tôi chưa từng thấy tay vợt nào có khả năng vô địch liền 2 giải trên 2 mặt sân đất nện và sân cỏ trong một khoảng cách thời gian ngắn ngủi đến thế”. Djokovic nói ra điều đó bởi anh rất hiểu sự khác biệt giữa sân cỏ và đất nện.

Trần Diệu (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm