Ngân Thương: Cô 'búp bê' không bao giờ gục ngã

18/09/2015 14:07 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com) - Trong làng Thể dục dụng cụ (TDDC), có thể nói ai cũng làm người hâm mộ khâm phục. Không chỉ về tài năng của họ mà còn bởi nghị lực, lối sống.

Phạm Phước Hưng chẳng hạn, anh đã từng bị lao xương, nghỉ tập 2 năm, vậy mà vẫn giành vé đi Olympic London và khát khao tiếp tục “chiến đấu” ở Olympic Rio 2016. Phan Thị Hà Thanh càng tuyệt, cô đã mải miết tập luyện để vượt qua cái “bóng” quá lớn của Ngân Thương, nữ hoàng TDDC một thời. Nhưng trên tất thảy, vẫn là "búp bê thể dục" Đỗ Thị Ngân Thương, người 2 lần góp mặt ở hai kỳ Olympic liên tiếp 2008 và 2012.

Đứng lên sau án doping tại một kỳ Thế vận hội, hiếm có VĐV nào có thể “trỗi dậy” như Justin Gatlin, huyền thoại điền kinh Mỹ, nhưng Ngân Thương cũng đã làm được như vậy bởi với cô gái Hà Nội này, TDDC là cuộc sống và cuộc sống luôn gắn với TDDC. Đây cũng là nội dung cuộc trao đổi của Thể thao & Văn hóa cuối tuần với "búp bê thể dục" một thời này.


Ngân Thương bên những học trò nhí của mình

Thể thao & Văn hóa: Không còn gắn mình với "những cuộc thi đấu, những tấm huy chương" mà chuyển qua sự nghiệp huấn luyện. Vậy Ngân Thương có gì mới hơn trong cuộc sống sau thể thao.

- Đỗ Thị Ngân Thương: Đúng là có cái mới ạ, và rất mới. Cuối năm nay em lên xe hoa rồi. Em sinh năm 1989, cũng 27 tuổi Mụ rồi. Cứ thử tính xem, em làm VĐV hơn 15 năm và trở thành HLV của tuyển trẻ Hà Nội cũng 3 năm nay rồi.

Tính ra là sắp tròn 20 năm theo nghề. Mà em nghe nói thường cán bộ viên chức chỉ là 25 đến 30 năm là về hưu thì chắc em cũng sắp hưu rồi (cười).

Nói vui vậy thôi chứ em nghĩ lấy chồng thực sự là cái duyên. Cũng như em đến với TDDC tình cờ mà cũng là duyên nghiệp.

Ngân Thương có thể bật mí với bạn đọc về "một nửa" của mình, chắc hẳn cũng là dân thể thao?

- Không ạ, anh ấy làm ngành điện, dây kỹ thuật nhưng bù lại rấtlãng mạn, có nhiều sở thích giống em. Chúng em chưa yêu nhau được lâu, nhưng thật sự gắn bó và thấu hiểu lẫn nhau. Em cũng thực sự đã tìm thấy nửa kia của mình. Vậy là chúng em quyết định cưới.

Có lẽ là do cái tính của em làm cái gì cũng chuyên tâm và hết mình. Là VĐV thì cũng phải chăm chỉ, quyết tâm nhất để đứng đầu. Là HLV thì cũng dốc hết tâm huyết để dạy dỗ học trò.  

À với em cũng "bật mí" thêm nhé, "một nửa" ấy ít hơn em một tuổi nhưng tính âm thì vẫn hợp tuổi nhau.

Trở lại với TDDC. Nói đến Ngân Thương, thì bên cạnh tài năng còn là vụ tai nạn "dính" doping ở Olympic Bắc Kinh 2008 (do sử dụng nhầm thuốc trong danh mục cấm, Ngân Thương đã bị loại khỏi Thế vận hội này . Tới nay sự cố ấy có còn ảnh hưởng tới em?

- Em đã rất may mắn dù nỗi buồn năm 2008 là không thể nào quên, không thể phai mờ, dù cá nhân thì không muốn nhắc đến nó. Hai lần được tham gia Olympic 2008 và 2012 luôn là kỷ niệm là niềm tự hào lớn nhất trong sự nghiệp bởi đó là kết quả của sự nỗ lực, khát khao và quyết tâm.

Em cũng rất thích bộ phim Never back down (Không lùi bước) và em luôn cố gắng để được như thế. Việc được tham gia Olympic 2012 tại London ngay sau sự cố Bắc Kinh 2008 là lời chứng minh với mọi người về quyết tâm vượt lên của em.


Ngân Thương đã phải hy sinh rất nhiều khi còn là VĐV đỉnh cao

Thể thao mang đến cho em nhiều thứ, nhưng Ngân Thương cũng đã phải hy sinh rất nhiều?

- Sau những thành công ở sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, em cũng đã được đặc cách vào biên chế Sở VH-TT&DL Hà Nội để tiếp tục gắn bó với TDDC. Tuy nhiên, em vẫn chưa muốn dừng lại, dự kiến năm sau em học lên Cao học TDTT. Phải có nhiều kiến thức hơn, hiện đại hơn để có thể huấn luyện tốt hơn. Em quyết tâm trở thành một HLV giỏi.

Còn hy sinh mất mát có lẽ cũng chẳng nên kể nữa, dù sao thì mọi chuyện cũng đã qua rồi, thứ đeo đuổi em cho đến cuối đời chắc là chấn thương thôi. Dù em vẫn tập luyện và dưỡng thương rất cẩn thận nhưng dây chằng gối của em lỏng lắm.

Nhưng nếu chỉ theo nghiệp thể thao thì hình như... không đủ sống. Đó có phải là lý do mà em vừa mở một lớp dạy thể dục của riêng mình?

Không đâu ạ. Bạn em mở gọi em về làm cùng thôi ạ. HLV cho đội tuyển TDDC trẻ Hà Nội cũng vất vả lắm, chiếm hết thời gian rồi nhưng em vẫn cố dạy strengging (giải phóng cơ thể) để giúp chị em phụ nữ hiểu rõ bản thân mình, củng cố lại thân thể, tự tin hơn trong cuộc sống và sinh hoạt.

Bộ môn này rất hấp dẫn và em rất thích. Nó là một bộ phận nhỏ trong thể dục dụng cụ - môn “tủ” của em nhưng gần gũi với cuộc sống và có sự ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý của người phụ nữ.


Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm