29/08/2019 08:40 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái
(giaidauscholar.com) - Lặng lẽ dõi theo nhịp sống Hà Nội trong suốt một năm qua, kiên trì phát hiện và nắm bắt những tín hiệu gây ấn tượng, biểu thị cho tấm lòng vì Hà Nội ẩn giấu bên trong các tác phẩm, ý tưởng, việc làm được thực hiện trên nhiều lĩnh vực... cuối cùng Hội đồng giám khảo Giải thưởng “Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội” cũng lựa chọn ra những đề cử xứng đáng để tôn vinh ở mùa giải thứ 12. Giải thưởng năm nay tiếp tục là minh chứng cho mạch nguồn tình yêu Hà Nội vẫn bền bỉ chảy qua tháng năm, qua bao thế hệ.
Sự phát hiện thú vị
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của PGS, TS, NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ trên phố Huế ngay sau ngày ông nhận “Giải thưởng Lớn-Vì tình yêu Hà Nội”. Trong căn phòng khách nhỏ gọn và có rất nhiều sách, PGS, TS, NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ vừa nhấp chén trà thơm vừa kể chuyện ngày đi nhận giải. Ông bảo, 20 năm qua, ông chỉ quanh quẩn trong nhà, hiếm khi ra phố vì căn bệnh viêm đa khớp đi lại khó khăn. Nhưng lần này thì ông “phá lệ”, ra phố, thuê xích lô tới Trung tâm Thông tấn quốc gia để nhận giải.
Nói đến Nguyễn Thừa Hỷ không thể không nhắc đến những công trình nghiên cứu bề thế, mẫu mực về Thăng Long-Hà Nội trải dài qua nhiều thế kỷ trong quá khứ và trải rộng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, lịch sử, văn hóa. Có thể kể đến: “Thăng Long-Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX” (năm 1993); “Kinh tế-xã hội đô thị Thăng Long-Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX” (năm 2010);… Đặc biệt, cuốn “Thăng Long-Hà Nội trong mắt một người Hà Nội” (năm 2018) có thể xem là sự nối dài những trăn trở, dồn nén tâm tư của ông về chất lượng người dân phố thị Thăng Long-Hà Nội.
Lựa chọn PGS, TS, NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ để trao “Giải thưởng Lớn-Vì tình yêu Hà Nội”, theo Ban tổ chức, đó là một phát hiện rất thú vị thể hiện tính đột phá của mùa giải năm nay. “PGS, TS, NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ là người Hà Nội lâu năm, rất hiểu Hà Nội và quan trọng nhất, luôn thể hiện sự hiểu biết Hà Nội trên ngòi bút của một nhà khoa học. Đặc biệt, anh đi vào lĩnh vực không phổ biến lắm là kinh tế, điều đó hết sức cần thiết bởi ta đừng quên kinh tế cũng làm nên nền tảng của văn hiến”-nhà sử học Dương Trung Quốc, thành viên Hội đồng giám khảo nhận định.
Hướng tiếp cận mới về Hà Nội
Một điều dễ nhận thấy là trong số 10 đề cử chính thức của Giải thưởng “Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 12 này có không ít tác phẩm, việc làm mang đậm niềm hoài cổ với Hà Nội xưa. Tác phẩm “Kim Liên một thuở” của tác giả Vũ Công Chiến đi vào lòng người với những hồi ức giản dị, chân chất về một khu tập thể cũ của Hà Nội. Những trang viết không chỉ là những kỷ niệm riêng tư của ông mà còn là những bài học đầy tình người, là nếp sống tình nghĩa mà người Hà Nội ngày nay rất khó có thể tìm lại ở các khu chung cư mới. Hay việc làm của nhóm Ký họa đô thị Hà Nội (giải thưởng hạng mục “Việc làm-Vì tình yêu Hà Nội”) cũng hướng đến một niềm hoài cổ rất đỗi thân thương: Lưu giữ những vẻ đẹp dịu dàng, xưa cũ của Hà Nội vào tranh. Và nữa, các đề xuất, dự án thể hiện quyết tâm làm “hồi sinh” sông Tô Lịch của các cơ quan, đơn vị hữu quan và cả cộng đồng người dân Hà Nội (giải thưởng hạng mục “Ý tưởng-Vì tình yêu Hà Nội”); dự án đào tạo, nghiên cứu “Diện mạo mới cho chợ truyền thống của Hà Nội” do Tổ chức HealthBridge Việt Nam, Tổ hợp sáng tạo AGOhub, phối hợp với Hội Kiến trúc sư Hà Nội; nỗ lực của TP Hà Nội và cộng đồng trong việc yêu cầu khôi phục tên gọi “Tòa nhà Bưu điện Hà Nội” bên Hồ Gươm đều ít nhiều mang tính hoài niệm.
Giải thưởng năm nay cũng cho thấy một Hà Nội đầy năng động, hiện đại đang được chung tay xây dựng. Việc xây dựng đường đua F1 Hà Nội và đăng cai tổ chức chặng đua Formula 1 Vietnam dự kiến diễn ra vào tháng 4-2020 do UBND TP Hà Nội và Công ty Việt Nam Grand Prix thực hiện (đồng giải thưởng ở hạng mục “Ý tưởng-Vì tình yêu Hà Nội”) chính là một minh chứng. Nhà văn Nguyễn Trương Quý cho rằng, đây là một đề cử khá táo bạo nhưng hợp lý, bởi chỉ nghe một cách sơ lược qua báo chí hay qua những khía cạnh thông tin chưa được khái quát đầy đủ, sẽ khó hình dung được sức ảnh hưởng của nó, nhưng qua câu chuyện được Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chia sẻ tại lễ trao giải mới thấy đây không chỉ là một sự kiện thể thao giải trí đơn thuần mà trở thành cơ hội để Hà Nội tìm thêm những nét mới cho mình trong đà phát triển.
Một góc tiếp cận độc đáo về đời sống Hà Nội cũng đã được Hội đồng giám khảo tìm thấy ở tác phẩm du khảo “Một thời Hà Nội hát” của tác giả Nguyễn Trương Quý (giải thưởng ở hạng mục “Tác phẩm-Vì tình yêu Hà Nội”). Thông qua các sáng tác âm nhạc của Đoàn Chuẩn-nhạc sĩ có nhiều gắn bó với Hà Nội trong giai đoạn trước và sau năm 1954, nhà văn Nguyễn Trương Quý đã tái hiện được cả đời sống đô thị Hà Nội, đồng thời giải mã được những “huyền thoại đô thị” đã làm nên sức quyến rũ của thành phố này. Cùng viết về Hà Nội, nhà văn Uông Triều trong cuốn “Hà Nội quán xá phố phường” lại thể hiện cách nhìn của một người ngoại tỉnh với Thủ đô qua những ghi chép về ẩm thực Hà Nội. Cuốn sách ngập tràn hương vị phố của anh được đánh giá là mang đến những góc nhìn mới lạ về chủ đề Hà Nội cả về mặt tư liệu lẫn văn chương.
Nhìn lại mùa giải “Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 12, ông Lê Xuân Thành, Tổng biên tập Báo Thể thao và Văn hóa, Trưởng ban tổ chức giải nhận định: “Danh sách các đề cử đã phản ánh được phần nào bức tranh Hà Nội đương thời, một thành phố cổ kính, đầy hoài niệm đang vươn lên ở tầm cao mới với những công trình, những hướng đi năng động, sáng tạo, hiện đại mà vẫn giữ được cái nền truyền thống ngàn năm”. Nhìn vào kết quả của mùa giải năm nay có thể hoàn toàn hy vọng tình yêu Hà Nội sẽ ngày một lan tỏa, trở thành một phong trào lớn đi vào đời sống người Hà Nội”.
Gia Phú
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất