01/06/2024 07:07 GMT+7 | Văn hoá
Từ hiện tượng "Trăng ơi… từ đâu đến?"
(LTS) Việc ca khúc "Trăng ơi… từ đâu đến?" (nhạc: Thái Chí Thanh, thơ: Trần Đăng Khoa) giành 1 trong 5 giải Khát vọng Dế Mèn năm nay đã ít nhiều gây bất ngờ với công chúng. Bởi lẽ lâu nay, người ta mới chỉ biết đến Thái Chí Thanh với tư cách là một nhà văn có nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi, trong đó có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa, và ông hiện đang là đương kim Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam. Hóa ra, ông còn sáng tác âm nhạc, và hơn thế, còn dũng cảm đi theo một con đường khá chông chênh: phổ lại nhạc một bài thơ đã từng được phổ nhạc và cả hai tác phẩm đó đều đã quá nổi tiếng nửa thế kỷ qua.
Để hiểu hơn về ca khúc "Trăng ơi… từ đâu đến?", báo Thể thao và Văn hóa xin giới thiệu bài viết của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha và nhà thơ Thanh Thảo.
1. Thơ trẻ thơ của thần đồng Trần Đăng Khoa đã được nhiều thế hệ nhạc sĩ và tác giả phổ nhạc như một lẽ rất tự nhiên diễn ra suốt một thời gian dài. Đến thời đại hôm nay, điều ấy vẫn chưa ngừng lại. Tại Vòng chung khảo của giải Dế Mèn, Hội đồng Giám khảo đã ghi nhận ca khúc Trăng ơi… từ đâu đến? phổ thơ Trần Đăng Khoa của nhà văn chuyên viết truyện thiếu nhi Thái Chí Thanh như một món quà âm thanh mà giải Dế Mèn gửi tới cho thế hệ măng non ngày hôm nay.
Ngay từ năm 1973, bài thơ Trăng ơi… từ đâu đến? rất hay của thần đồng Trần Đăng Khoa đã được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc và được thu âm phát trên làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi nhớ lúc ấy ở Quảng Nam tôi đã được nghe ca khúc này qua chiếc đài bán dẫn LIDO của đơn vị trong một đêm trăng vằng vặc. Xúc cảm thẩm mỹ mà nhạc phẩm mang lại đã khiến chúng tôi cảm thấy như có bóng hình của mình trong đó: "Trăng ơi, từ đâu đến - Hay từ đường hành quân - Trăng soi chú bộ đội - Và soi vàng góc sân".
Thái Chí Thanh đã từng tâm sự với tôi rằng khi ấy, anh cũng đang ở Quảng Trị và cũng được nghe nhạc phẩm này như tôi nghe. Nghe và mơ ước làm sao có một ngày anh cũng có thể viết được những ca khúc thiếu nhi và được thu thanh trên Đài Tiếng nói Việt Nam như nhạc sĩ khác.
Do lòng đam mê âm nhạc, anh đã tự học để ngoài tuổi lục tuần, anh đã có những ca khúc thiếu nhi được Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh, thậm chí năm 2021, anh đã ấn hành được một tập ca khúc thiếu nhi có tựa đề Hạt sương ban mai (tên một ca khúc thiếu nhi khá hay của anh). Hạt sương ban mai đã lọt mắt xanh của Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân và đã được Chủ tịch chọn vào tuyển tập bài hát thiếu nhi năm đó. Điều ấy càng khích lệ Thái Chí Thanh trong sáng tạo những ca khúc thiếu nhi.
Gần đây, khi đọc lại bài thơ Trăng ơi… từ đâu đến? của Trần Đăng Khoa, tự nhiên anh lại có cảm hứng muốn phổ nhạc bài này theo cách của mình. Và "Trăng ơi… từ đâu đến? đã được hoàn thành và cũng được cháu Hà My mang thu thanh ở phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam.
2. Để phổ nhạc Trăng ơi… từ đâu đến? Thái Chí Thanh đã nghe rất kỹ bản phổ nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Điều anh nhận ra là nhạc phẩm này rất cuốn hút thế hệ thiếu nhi ngày ấy, nhưng để cuốn hút thiếu nhi hôm nay, có lẽ mình vẫn "có cửa" để cố gắng, vì anh quá yêu bài thơ này.
Thái Chí Thanh chia sẻ rằng anh mê âm nhạc từ thủa nhỏ. Có lẽ do ông cụ thân sinh là tay trống của đội tuồng xã. Do ở nông thôn nên những giai điệu dân ca thấm vào anh từ lúc nào không hay. Bởi thế, khi viết ra câu nhạc, đã có hồn dân ca trong đó mà không phải cố gắng gì cả. Nó như hơi thở.
Nghiên cứu bản phổ của nhạc sĩ Phạm Tuyên, anh thấy bậc thầy đã cấu trúc phổ bài thơ thành hai đoạn nhạc ở hình thức hai đoạn đơn và có đoạn coda (phần kết của một bài hát - BTV) để kết. Bài thơ của Trần Đăng Khoa có hai khổ đầu là: "Trăng ơi… từ đâu đến?/ Hay từ cánh rừng xa/ Trăng hồng như quả chín/ Lửng lơ lên trước nhà// Trăng ơi! Từ đâu đến?/ Hay biển xanh diệu kỳ/ Trăng tròn như mắt cá/ Chẳng bao giờ chớp mi?". Nhạc sĩ Phạm Tuyên thì lấy khổ 1 và bỏ khổ 2, vào khổ 3. Thái Chí Thanh thì thích khổ 2 nên bỏ khổ 1 mà vào khổ 2 rồi khổ 3 luôn. Anh kế thừa tiết nhạc đầu của bậc thầy song cuối tiết thì sử dụng nốt hoa mĩ cho mềm đi, sau đó để cảm xúc và vào theo đoạn đầu. Đoạn điệp khúc để kết thì thấy đoạn có coda của nhạc sĩ Phạm Tuyên rất sáng tạo khi đặt ra ca từ: "Trăng từ đâu, từ đâu" và nhắc lại hai lần rất có chủ ý để dẫn dắt vào kết bài. Thái Chí Thanh vừa thán phục, vừa thấy mình lâm vào thế bí, không biết triển khai điệp khúc thế nào.
Rất may "cái khó ló cái khôn", anh nhớ đến một câu thơ Hàn Mặc Tử về trăng rất hồn nhiên: "Trăng trăng trăng, là trăng trăng trăng" . Và thế là anh đã tìm được điệp khúc cho nhạc phẩm: "Trăng trăng trăng trăng ơi! Trăng từ đâu từ đâu - Trăng trăng trăng trăng ơi! Trăng từ đâu từ đâu" với các nốt móc đơn trong một ô nhịp. Cả hai nhạc phẩm đều viết bằng giọng trưởng, song nhạc sĩ Phạm Tuyên là giọng rê trưởng, còn Thái Chí Thanh là giọng si giáng trưởng, thấp hơn giọng rê trưởng hai cung cho phù hợp với cữ giọng thiếu nhi hôm nay. Điệp khúc nhanh, tươi tắn đã khiến cho bản phổ của Thái Chí Thanh tương thích được với thị hiếu bây giờ. Nghe là thích ngay.
3. Gốc của câu chuyện nối dài giai điệu này chính là bài thơ của Trần Đăng Khoa.
Những bài thơ thiếu nhi của Trần đăng Khoa luôn mới, gần gũi với bạn đọc (không chỉ trẻ thơ) qua thời gian. Bởi vậy, vẫn rất đáng được dùng làm ca từ cho các nhạc phẩm thiếu nhi, khi ca từ hiện tại thường thiếu thốn sự sâu sắc, sự ngụ ý, ngụ tình, đôi khi là cứ nói trắng trợt ra, thiếu ý vị. Bởi thế, Trăng ơi… từ đâu đến? lại tình cờ có thêm một bản phổ mới nối dài với bản phổ cũ từ hơn nửa thế kỷ trước. Phải chăng đây là câu chuyện của cảm xúc gợi cảm xúc khi chính người viết bài này cũng có bài thơ Chiều không em được ba thế hệ nhạc sĩ phổ nhạc, từ Huy Du, đến Phú Quang và tới Bùi Việt Hà.
Bản nhạc mới của một nhạc sĩ mới
Trăng ơi… từ đâu đến? là một bài thơ cũ của nhà thơ Trần Đăng Khoa thuở xa xưa khi Khoa còn nhỏ. Bài thơ này đã được nhạc sĩ tài danh Phạm Tuyên phổ nhạc cũng từ lâu lắm rồi. Cứ nghĩ, thế cũng đã xong. Nhưng chưa…
Cách đây 8 năm, một "nhạc sĩ mới" tên Thái Chí Thanh đã tự mày mò phổ lại bài thơ này. Nhưng anh cảm thấy chưa ổn nên "cất giữ" không công bố. Sau đó, Thái Chí Thanh quyết theo "thầy" Nguyễn Thụy Kha học nhạc lý để có thể viết nhạc một cách chuyên nghiệp hơn, chứ không chỉ dựa hoàn toàn vào cảm xúc.
Sau một thời gian "dùi mài kinh sử nhạc lý", xem lại bài hát mình phổ Trăng ơi… từ đâu đến?, nhận ra phần chưa ổn của ca khúc thiếu nhi này, anh đã bổ sung phần "coda" của bài hát cũ, tự dưng bài hát mang không khí hiện đại hẳn. Thêm không nhiều, chỉ hai câu: "Trăng trăng trăng, trăng ơi/ Trăng từ đâu, từ đâu/ Trăng trăng trăng, trăng ơi/ Trăng từ đâu, từ đâu" mà khiến ca khúc trở nên rộn rã hơn, trẻ con hơn, mà tính nhịp điệu có chất hiện đại hơn.
Một bài thơ cũ, qua một bài hát cũng đã cũ, bỗng được "tân trang", được bổ sung chỉ nhờ hai câu "coda" thêm vào cuối bài hát, mà làm nên chuyện. Ca khúc "cũ mà mới" của Thái Chí Thanh đã được Giải thưởng Dế Mèn của báo Thể thao và Văn hóa bổ sung ngay vào phút chót và được trao giải năm 2024. Ở đây, phải cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã giúp Thái Chí Thanh trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp, và cảm ơn ca sĩ Hà My đã thể hiện bài hát này rất hay, thật trong trẻo và đúng chất một bài hát dành cho thiếu nhi thời đương đại.
***
Tôi chỉ là một người yêu âm nhạc, không hề biết nhạc lý, dù thuở nhỏ học bên khu học xá Nam Ninh Trung Quốc tôi đã từng được học nhạc do thầy Phạm Tuyên dạy. Nhưng nhạc lý không "vào nổi" cái thằng bé là tôi. Dù sao, khi lớn lên, tôi đã rất mê nghe âm nhạc, từ ca khúc tới nhạc giao hưởng.
Nghe bài hát thiếu nhi này của Thái Chí Thanh, tôi rất thích. Chỉ vậy thôi. Thái Chí Thanh đã từng là một anh bộ đội thời đánh Mỹ, và mấy năm gần đây, khi anh làm biên tập ở NXB Hội nhà văn, anh đã trực tiếp biên tập cho mấy quyển sách của tôi. Và trở thành một người em mà tôi rất yêu quý. Cũng không ngờ, Chí Thanh còn là một nhạc sĩ được nhận giải thưởng Dế Mèn danh giá nữa.
Nhà thơ Thanh Thảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất