Nobel 2021: Những gương mặt được kỳ vọng đoạt giải Nobel Hóa học

06/10/2021 15:45 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Khoảng 16h30 ngày 6/10 (theo giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển sẽ vinh danh chủ nhân của giải Nobel Hóa học 2021. Giới phân tích nhận định các nghiên cứu về mRNA, giải trình tự gene người và gốc tự do là sẽ những đề tài sáng giá cho giải thưởng năm nay.   

Nobel - Giải thưởng vinh danh những cống hiến cho nhân loại

Nobel - Giải thưởng vinh danh những cống hiến cho nhân loại

Như thường lệ, vào tháng 10 hằng năm, giải Nobel dành cho những cá nhân, tổ chức có đóng góp nổi bật trong hàng loạt lĩnh vực sẽ lần lượt được công bố.

Hội thảo trực tuyến #ChemNobel do Hiệp hội Hóa học Mỹ (ACS) và Tạp chí Tin tức Hóa học và Kỹ thuật (C&EN) tổ chức ngày 30/9 cho rằng bộ đôi nhà khoa học Katalin Karikó (người Hungary) và Drew Weissman (người Mỹ) sẽ là ứng viên hàng đầu cho giải Nobel Hóa học 2021 với những đóng góp quan trọng trong việc phát triển công nghệ mRNA phục vụ điều chế vaccine ngừa COVID-19.

Năm 2019, một cuộc hội thảo tương tự từng dự đoán chính xác người chiến thắng là nhà khoa học John B. Goodenough (người Mỹ) với công trình nghiên cứu pin lithium-ion.   

Trong khi đó, nền tảng trực tuyến Web of Science thuộc công ty phân tích dữ liệu Clarivate lại nhận định chuyên gia về gốc tự do Barry Halliwell (người Singapore) là ứng viên có tiềm năng thắng giải Nobel Hóa học 2021 nhất.

Chú thích ảnh
Hai nhà khoa học Drew Weissman (người Mỹ) và Katalin Karikó (người Hungary) - một trong những ứng viên hàng đầu cho giải Nobel Hóa học 2021. Ảnh: abc.net.au

Nghiên cứu của nhà khoa học này đã giúp xác định chính xác loại thiệt hại mà gốc tự do gây ra, cũng như cách các gốc tự do và chất chống oxy hóa liên quan đến bệnh về não, bao gồm cả bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ. Còn tổ chức khoa học Sigma Xi (Mỹ) dự đoán cái tên sáng giá khác cho giải Nobel Hóa học 2021 là nhà khoa học Carolyn Bertozzi (Mỹ) với phát minh hóa sinh ứng dụng bao phủ phân tử đường nhân tạo lên bề mặt tế bào sống, hỗ trợ nghiên cứu trong ung thư và hệ thống miễn dịch.   

Cuộc thăm dò ý kiến độc giả của Tạp chí Chemistry Views của châu Âu tìm ra ứng viên được bình chọn nhiều nhất là hai nhà khoa học Shankar Balasubramanian và David Klenerman thuộc Đại học Cambridge (Anh) với khám phá về công nghệ phân tích nhanh hàng tỷ đoạn ADN cùng lúc, giúp giảm đáng kể chi phí và thời gian trải trình tự một bộ gene người.

Nếu trước đây quá trình đó mất tới một thập kỷ và 1 tỷ USD, thì giờ đây đã được rút ngắn trong một ngày với chi phí khoảng 1.000 USD. Công trình này đã giành Giải thưởng Công nghệ Thiên niên kỷ 2020. Theo sau trong cuộc bình chọn là nhà khoa học Omar M. Yaghi (người Mỹ gốc Palestine) với nghiên cứu ứng dụng vật liệu khung Kim loại-Hữu cơ (MOFs).   

Giải Nobel, là một giải thưởng quốc tế trao thường niên kể từ năm 1901 để vinh danh những cá nhân đạt thành tựu trong các lĩnh vực Vật lý, Y sinh, Hóa học, Văn học và Hòa bình; riêng giải Nobel Hoà bình có thể được trao cho cá nhân hay một tổ chức. Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào hệ thống giải một giải thưởng về lĩnh vực Kinh tế để tưởng nhớ nhà bác học Alfred Nobel, "cha đẻ" giải Nobel.   

Đại dịch COVID-19 cũng sẽ ảnh hưởng đến cách thức tổ chức lễ trao giải Nobel. Thay vì quy tụ tất cả những người đoạt giải tại Stockholm (Thụy Điển) vào tháng 12 như thông lệ, các nhà ngoại giao thuộc Đại sứ quán Thụy Điển tại các nước sẽ đến trao giải cho những người chiến thắng. Tuần lễ kỷ niệm sẽ kết hợp tổ chức các sự kiện trực tiếp và trực tuyến.   

Trong năm 2020, giải Nobel Hóa học được trao cho hai nhà khoa học nữ Emmanuelle Charpentier và Jennifer A. Doudna với phương pháp chỉnh sửa gene, giúp thay đổi "mật mã" của sự sống chỉ trong vài tuần.

Hoàng Châu/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm