28/03/2017 18:39 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 10-2017 vừa được trao tại TP.HCM. Trong các hạng mục năm nay có hai con người với hai cách nhìn về Việt Nam rất đặc biệt, đó là nhà văn hóa Phan Khôi (1887-1959) và nhà Việt Nam học Alexander Woodside (người Canada).
Việt Nam trong Đông Á
Alexander Woodside bước chân vào ngành Việt Nam học khi còn là sinh viên Đại học Toronto ở Canada vào cuối thập niên 1950, nơi không hề có khóa học nào về lịch sử hay ngôn ngữ Đông Nam Á nói chung, chứ đừng nói Việt Nam.
Luận án tiến sĩ của Alexander Woodside có nhan đề Việt Nam và mô hình Trung Quốc hoàn thành năm 1968, sau đó được NXB Đại học Harvard ấn hành năm 1971. Năm 1969, Alexander Woodside trở thành giảng viên lịch sử ở Harvard, mở khóa học đầu tiên về lịch sử Việt Nam cho trường này.
Các tân chủ nhân của giải thưởng. Vì lý do khách quan, Trịnh Văn Thảo và Alexander Woodside ủy thác nhận giải, đọc diễn từ
Cùng với nhiều bài viết và các công trình khác, Alexander Woodside đã đặt nền móng, rồi chỉ ra rằng Việt Nam thời trước chia sẻ tinh thần chung của cả Đông Á, nên không thể nhìn một cách khu biệt theo biên giới quốc gia. Nếu nhìn sơ sài thì tưởng phong kiến Trung Quốc đã áp đặt mô hình lên Việt Nam, nhưng thực tế, đó là cảm hứng chung của cả thời đại, không dễ gì áp đặt.
“Việt Nam thời tiền sử là một phần của một thế giới cổ đại ở Đông Á, bao gồm cả Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Nếu như học giả cổ điển Âu châu không coi các triết gia cổ đại châu Âu như Plato và Aristotle như tài sản độc quyền của người Hy Lạp thì các học giả cổ điển Việt Nam như Lê Quý Đôn cũng không tin rằng các nhà tư tưởng cổ đại mà họ nghiên cứu, như Khổng Tử và Mạnh Tử, là tài sản riêng của người Trung Quốc.
Thứ hai, quả thật không có một mô hình nào trong thế giới cổ đại này. Người Đông Á chia sẻ một môi trường triết học, chính trị và tôn giáo phức tạp và đa nguyên, có nhiều sự đa dạng phong phú các khả năng sáng tạo mà chúng ta gần đây mới bắt đầu hiểu đúng giá trị. Vì vậy, nếu được viết lại, tiêu đề tôi sẽ chọn cho cuốn sách là Việt Nam và những cảm hứng cổ điển”, Alexander Woodside viết trong diễn từ nhận giải.
Ngày nay, khi các nghiên cứu về phương Đông nói chung đã thay đổi quan niệm và tư duy, quan điểm của Alexander Woodside có thể không còn “gây sốc”, nhưng mấy chục năm trước, quan điểm đó thật sự tiền phong. Bởi dưới góc độ khoa học, để nhìn Việt Nam như một thành tố quan trọng, chan hòa của cả khu vực Đông Á là không hề đơn giản.
Việt Nam trong hoàn cầu
Nhìn nhà báo Phan Khôi ở khía cạnh học giả, nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình, nhà tư tưởng… đều xứng đáng, vì tài năng và sự mới mẻ, sâu sắc của ông rõ nét trong từng công việc. Chỉ riêng cách nhìn về Việt Nam, một tú tài Nho học như ông đã cho thấy sự cấp tiến vượt bậc, khá giống với thầy của mình là nhà duy tân Phan Châu Trinh.
Phan Khôi cho rằng người Việt hãy bỏ cái thói nhìn nước Việt chỉ riêng trong nước Việt, mà hãy nhớ rằng nước Việt là một phần tất yếu của hoàn cầu. Cách nhìn này thời đó rất khó để được chia sẻ, thậm chí bị cho là vong hóa, hoang đường.
Qua các phân tích, ông viết rằng khác biệt Đông Tây không chỉ ở màu da, sắc tộc, tôn giáo hoặc địa lý, mà ở trình độ nhận thức và trình độ phát triển. Nếu nước nào hòa nhịp được trình độ phát triển chung của thời đại thì sẽ sống cùng thời đại, bất kể nước đó ở châu lục nào, còn không thì sẽ là nước lỗi thời lạc hậu.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất