Ca khúc đã và sắp đưa vào vũ trụ (Kỳ 5): 'Space Oddity' - nỗi cô đơn khi du hành vũ trụ

07/10/2019 07:34 GMT+7 | Giải trí

(giaidauscholar.com) - Nasa Moon Tunes, một tuyển tập gồm 186 ca khúc đã được NASA lựa chọn từ gợi ý của cư dân toàn Trái đất sẽ theo chân các phi hành gia trên hành trình trở lại Mặt trăng vào năm 2024.

Ca khúc đã và sắp đưa vào vũ trụ (Kỳ 4): 'Jaat Kahan Ho' - đẹp đến ám ảnh

Ca khúc đã và sắp đưa vào vũ trụ (Kỳ 4): 'Jaat Kahan Ho' - đẹp đến ám ảnh

Ngoài ca khúc kỳ trước, "Johnny B. Goode" của Chuck Berry, một ngoại lệ của dòng nhạc hiện đại với sức trẻ tuôn trào, phần lớn các tác phẩm được lựa chọn vào hai đĩa vàng Voyager Golden Record để gửi ra ngoài không gian, giới thiệu Trái đất với “người ngoài hành tinh”, đều mang màu sắc thiên nhiên hoặc cổ xưa.

50 năm sau sự kiện lần đầu con người đặt chân lên Mặt trăng ngày 20/7/1969, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đang lên kế hoạch cho lịch sử lặp lại. Ngược với không khí lo lắng, bồi hồi của lần đầu, lần này, hành trình của các phi hành gia sẽ đi kèm sức mạnh tinh thần sôi động mà thế giới gửi gắm riêng cho họ.

Trên hành trình trở lại Mặt trăng

Âm nhạc luôn đồng hành trong lịch sử những chuyến bay vào vũ trụ, từ những ca khúc được bật để đánh thức các phi hành gia trong hành trình bay tới Mặt trăng hoặc những bản nhạc được phi hành gia chơi ngay trên Trạm vũ trụ quốc tế.

Nhân kỷ niệm 50 năm Apollo 11 - chuyến bay không gian cùng con người đầu tiên đáp xuống Mặt trăng - NASA đang chuẩn bị trở lại Mặt trăng vào năm 2024, điều đó có nghĩa là các phi hành gia sẽ có một hành trình không trạm nghỉ kéo dài khoảng ba ngày, mỗi chiều đi hết một quãng đường dài hơn 384 ngàn cây số.

Giống như bất kỳ chuyến đi nào cũng cần phải có âm nhạc, một hành trình không gian cũng vậy!

Chú thích ảnh
"Nasa Moon Tunes" bao gồm 186 ca khúc, lựa chọn từ đề xuất của cư dân khắp trái đất, như một món quà cho các phi hành gia trên hành trình trở lại Mặt trăng

Thế nên NASA đã đặt ra câu hỏi: “Nếu bạn đang chuẩn bị đồ cho một chuyến đi, ca khúc yêu thích nào chắc chắn sẽ được đưa vào danh sách nhạc của bạn? Hãy giới thiệu để chúng tôi thêm vào danh sách của chúng tôi”.

Để gửi gợi ý của mình, cư dân Trái đất có thể dùng thẻ #NASAMoonTunes trên Twitter hoặc điền vào mẫu đơn có sẵn. Thú vị là thời gian đề xuất ở cùng khoảng thời gian mà các phi hành gia tàu Apolo 11 hoàn thành những bước chuẩn bị cuối cùng cho nhiệm vụ cách đây 50 năm của họ: từ 3/6 tới 28/6.

Các quy định về ca khúc được chọn cũng rất đơn giản: 1. Các ca khúc với tựa đề, lời và chủ đề trần trụi sẽ không được chấp nhận vào danh sách này. NASA là dành cho tất cả mọi người và danh sách này cũng vậy. 2.Chỉ các ca khúc đã được phát hành trên các dịch vụ nghe nhạc chính thức tại thời điểm chấp nhận mới được thêm vào danh sách. Không được gửi lời ca khúc hay nhạc chưa phát hành từ các trang như SoundCloud, Youtube, Bandcamp, MixCloud hay những trang nội dung do người dùng tự đăng tải. 3.Chỉ những ca khúc với thẻ #NASAMoonTunes trên Twitter hay được gửi thông qua mẫu đơn mới được chấp nhận. 4.Third Rock Radio của NASA có thể linh hoạt chọn ca khúc nào lên sóng trong danh sách đề xuất, không có yêu cầu hay nghĩa vụ phát bất kỳ ca khúc cụ thể nào từ danh sách và không có gì đảm bảo là mỗi ca khúc được đề cử sẽ được lên sóng trực tiếp.

Danh sách cuối cùng đã được NASA tung lên vào ngày 13 và 14/7 và lên sóng trong chương trình trực tiếp trên Third Rock Radio chỉ vài ngày trước lễ kỷ niệm Apollo 11.

Đúng như dự đoán, 186 ca khúc được chọn đều ít nhiều liên quan tới không gian, vũ trụ, đặc biệt là Mặt trăng. Phạm vi cũng rất rộng: Từ những kinh điển tới các huyền thoại âm nhạc như David Bowie, Frank Sinatra, Elton John, The Bealtes, Pink Floyd, Queen, Led Zeppelin, Ozzy Osbourne, Elvis Presley… tới những cái tên đương đại hơn như Twenty One Pilots, Daft Punk, Ariana Grande, Adele, Coldplay… và đầy phấn kích với đông đảo khán giả trẻ, là các ban nhạc K-pop - BTS, EXO và GOT7.

Trong số đầu tiên về NASA Moon Tunes, hãy bắt đầu bằng ca khúc đầu tiên trong danh sách: Space Oddity của David Bowie, một huyền thoại cũng có đam mê lớn với không gian và trong danh sách của NASA lần này còn có bốn ca khúc khác của ông là Life On Mars?, Moonage Daydream, Starman Heroes.

Chú thích ảnh
David Bowie đặc biệt có hứng thú với không gian. "Space Oddity" chỉ là một trong nhiều ca khúc về chủ đề này của ông

Những hiểu lầm lịch sử

Hẳn có rất nhiều lý do để Space Oddity đứng đầu danh sách NASA Moon Tunes và một trong số đó có lẽ là bởi ca khúc và sự kiện đổ bộ Mặt trăng có cùng tuổi đời. Hay nói chính xác hơn, Space Oddity phát hành vào đúng quãng thời gian tàu Apollo 11 đang trên đường đến Mặt trăng, ngày 11/7/1969. Khi Neil Armstrong đặt bước chân đầu tiên xuống mặt trăng, BBC đã đưa tin với Space Oddity làm nhạc nền bởi rất đơn giản: ca khúc viết về không gian.

Cũng phải nói thêm rằng, Bowie khi đó không phải cái tên nổi tiếng gì cho lắm để sáng tác của ông được nghiễm nhiên coi như ca khúc cổ động cho thời điểm lịch sử này. Ở cuối thập niên 1960, chàng trai David Robert Jones đang nhảy từ ban nhạc này sang ban nhạc khác. Anh đã phát hành được một album -David Bowie -vào năm 1967 nhưng thất bại thảm hại. Cùng năm, anh cũng thu âm ca khúc ngẩn ngơ lạ thường The Laughing Gnome và chẳng khá khẩm gì hơn.

Vào năm cuối cùng của thập kỷ, Bowie vướng“sao quả tạ”: nhóm nhạc Fathers của anh sắp tan rã, bạn gái chia tay…Như nỗ lực cuối cùng để thu hút sự chú ý, nhóm quyết định giới thiệu nhạc của mình, bao gồm Space Oddity, qua một bộ phim quảng cáo mang tên Love You Till Tuesday.

Space Oddity viết về nỗi sợ hãi và cô đơn khi du hành vũ trụ, xoay quanh cuộc trò chuyện giữa phi hành gia Major Tom với người kiểm soát mặt đất. Nó miêu tả rất sinh động cảnh tên lửa phóng lên và trải nghiệm trôi nổi trong không gian. Tuy nhiên, đến cuối, Major Tom bị mất liên lạc với mặt đất và lạc trong không gian, khiến người kiểm soát mặt đất cứ vô vọng hỏi mãi: “Anh có nghe thấy tôi không Major Tom?”. Trong phiên bản cuối, Bowie đóng cả hai nhân vật này, mở đường cho sự nghiệp nổi tiếng là một chuyên gia phân thân đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau một lúc.

Không may, chẳng đài truyền hình nào chú ý tới bộ phim, dẫn tới việc Bowie quyết định thu âm Space Oddity dưới dạng đĩa đơn, với hãng thu âm mới. Khi Bowie đi tìm nhà sản xuất, George Martin không hào hứng nhưng Tony Visconti thích thú, coi nó là “cú bắn rẻ tiền” vào sứ mệnh Apollo 11.

Thế nhưng, Apollo 11 hóa ra lại chẳng giúp gì cho Space Oddity bởi nội dung u ám của ca khúc sau đó không được sủng ái trong không khí chiến thắng và đĩa đơn chỉ lọt vào BXH tháng 8 ở vị trí 48. Có vẻ là thêm một thất bại cho Bowie. May mắn, chiến dịch quảng bá muộn vào tháng 9 đã đẩy ca khúc lên vị trí No.5.

Nhưng cuối cùng, phải cần tới thời gian, Space Oddity mới được ghi nhận xứng đáng. Ca khúc không chỉ là thành công nổi bật đầu tiên của Bowie mà còn là tác phẩm tạo nên thương hiệu và một trong bốn ca khúc của ông lọt BXH 500 ca khúc định hình nên rock and roll.Ca khúc cũng đoạt nhiều giải thưởng và liên tục ra vào các BXH ở nhiều dịp khác nhau.

Bowie cũng nhiều lần trở lại với nhân vật Major Tom như trong Ashes To Ashes, Hallo Spaceboy và có thể là MV Blackstar; trong đó, Major Tom đã nối lại được liên lạc với mặt đất và nói anh hạnh phúc khi ở trong không gian.

“Space Oddity” không liên quan gì đến Mặt trăng

Trong một buổi phỏng vấn năm 2003, Bowie tiết lộ rằng, ca khúc Space Oddity chẳng liên quan gì tới sự kiện Apollo 11: “Ở Anh, ca khúc luôn được cho là viết về cuộc đổ bộ không gian đó bởi nó nổi lên vào cùng thời gian. Nhưng thật sự không phải vậy. Tôi viết nó sau khi xem 2001: A Space Odyssey, một bộ phim vô cùng ấn tượng. Tôi mê bộ phim phát điên lên, xem tới vài lần liền. Nó giống như một sự mặc khải đối với tôi. Ca khúc đã tuôn trào như vậy. Rất dễ nhận ra sự tương đồng khi xem MV chính thức của ca khúc và so sánh với phim”.

Vậy là, Space Oddity tuy không liên quan gì tới cuộc đổ bộ Mặt trăng, lại cũng rất chật vật đi lên, thế nhưng, nó vẫn là ca khúc đầu bảng trong NASA Moon Tunes. Đó có lẽ chính là sự thú vị trong nghệ thuật.

Năm 2050, sẽ có khoảng 1.000 người sống trên không gian

NASA khởi động lại chương trình tới mặt trăng sau khi Chỉ thị Chính sách Vũ trụ 1 được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký vào tháng 12/2018.

Người đứng đầu NASA Jim Bridenstine cho biết hồi tháng 2: “Lần này, khi tới mặt trăng, chúng tôi sẽ ở lại. Tức là, chúng tôi không quay lại mặt trăng để cắm thêm cờ và in dấu chân rồi không trở lại sau 50 năm nữa. Chúng tôi sẽ trụ lại. Với tàu, robot và con người”.

Theo đó, NASA sẽ xây dựng trạm không gian quỹ đạo gần mặt trăng Gateway, như một trạm dừng cho các phi hành gia trên đường tới mặt trăng. Các phương tiện di chuyển ở Gateway sẽ vận chuyển tàu đổ bộ đến và đi tới quỹ đạo thấp của mặt trăng.

Các tàu đổ bộ sau đó sẽ thực hiện đoạn đường cuối tới bề mặt mặt trăng. Các lãnh đạo NASA miêu tả công nghệ này như một “kiến trúc mở” được thiết kế để thúc đẩy hành trình mới trong việc khám phá mặt trăng. “Chúng tôi đang làm điều chưa từng làm trước đây”, ông Bridenstine nói với báo giới.

Tại Đại hội Đường hầm thế giới năm 2019, diễn ra tại Italy hồi tháng 5 vừa qua, các chuyên gia cũng đã thảo luận về việc tạo ra các đường hầm trên mặt trăng để phục vụ cho việc định cư của con người tại đây. Nhà cung cấp dịch vụ tàu phóng Mỹ United Launch Alliance dự đoán vào năm 2050, sẽ có khoảng 1.000 người sống trên không gian, với một số ở trên quỹ đạo hoặc trên bề mặt mặt trăng.

Thư Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm