07/06/2020 19:02 GMT+7 | Giải trí
(giaidauscholar.com) - Vào ngày 10/12/2010, nhà đấu giá Sotheby đã bán một tờ nhạc viết tay cũ mèm với mấy dòng chữ lộn xộn, nhiều đoạn trữ tình bị gạch, đó là ca khúc nổi tiếng nhất của Bob Dylan, The Times They Are A-Changin’ với giá lên tới 422.500 USD (gần 10 tỷ đồng). Tới tháng 4/2020, tờ giấy này tiếp tục được mang bán với giá kỷ lục 2,2 triệu USD.
Bạn của Dylan, Tony Glover, có thể cũng đã cầm chính tờ giấy đó khi tới thăm căn hộ của Dylan vào tháng 9/1963, nơi ông thấy một số phác thảo ca khúc và thơ nằm trên bàn. Sau khi đọc mấy từ “Hỡi các thượng nghị sĩ, đại biểu quốc hội, hãy để tâm tới những lời kêu gọi”, Glover đã giật mình hỏi Dylan: “Cái quái gì đây, bạn tôi?” và được Dylan đáp: “À, anh biết đây, nó có vẻ là thứ mọi người sẽ thích nghe”.
Gắn kết mọi người vì một mục đích lớn
Theo Dylan, ông viết The Times They Are A-Changin’ vào thời điểm “phong trào dân quyền và phong trào nhạc folk khi đó đang xích lại và liên minh với nhau”.
Tại thời điểm đó, Joan Baez đang là nữ hoàng nhạc fork và bà sớm phải lòng Dylan, cả về mặt con người lẫn âm nhạc. Tuy nhiên, chính bà cũng không hiểu trong đầu Dylan có gì khi ông viết ca khúc The Times They Are A-Changin’ vào năm 1963. Mặc dù, nó sẽ trở thành một thánh ca, Baez ngờ rằng Dylan không định hướng tới mục tiêu đó khi viết ra.
“Không thể viết một bản thánh ca. Tôi sẽ không bao giờ thử làm vậy” - Baez nói. “Ý tôi là, tôi thấy có rất nhiều nhạc sĩ tài năng, thông thái về chính trị từng viết nhiều ca khúc. Nhưng để mọi người cảm thấy nó liên quan tới mình, hát vang nó ở mọi lúc mọi nơi, thì rất khác. Vô cùng khó”. Nhưng Dylan đã làm được.
Cũng tại thời điểm đó, âm nhạc Dylan không giống bất cứ thứ gì mọi người từng nghe - không chỉ ở giọng mũi lạ tai mà còn ở ca từ. Tất cả sự mới mẻ này nhanh chóng thu hút sự chú ý của mọi người, nhất là giới trẻ. Bằng âm nhạc, chính Dylan là người đã diễn giải xã hội Mỹ cho những đứa trẻ Mỹ chưa hiểu gì về đời hay cho những gia đình nhập cư vẫn đang lạ lẫm với tân thế giới.
Trong thời kỳ nước Mỹ sôi sục với các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, The Times They Are A-Changin’ đã cất lên ở mọi xó xỉnh, thắp lên hy vọng về một sự thay đổi tốt đẹp hơn.
Nhưng cả khi thập niên 1970 lùi xa, tính khẩn cấp phai nhạt, The Times They Are A-Changin’ vẫn trường tồn, thậm chí mạnh mẽ hơn, như một biểu tượng cấp tiến. Trong cuộc biểu tình của hàng ngàn thanh niên chống bạo lực súng đạn vào năm 2018, Jennifer Hudson đã kết thúc sự kiện bằng màn biểu diễn đầy cảm xúc ca khúc, được hỗ trợ bởi dàn hợp xướng Destiny Road.
Trưởng dàn hợp xướng, Jonathan Ball, thừa nhận rằng anh cũng như hầu hết các thành viên trẻ trong đoàn trước đó không biết ca khúc. Nhưng từ khi bắt đầu diễn tập, họ dần cảm nhận ý nghĩa và hy vọng nó sẽ thật sự vươn tới tổng thống, các thượng nghị sĩ, đại biểu quốc hội… để họ có thể ra luật mới. Khi họ hát vang The Times They Are A-Changin’ ở Trung tâm thương mại Quốc gia, nhìn những người biểu tình đang khóc, cầu xin sự thay đổi, một lần nữa, họ nhận thấy sức mạnh của ca khúc, khi nó mang mọi người đến với nhau vì một điều lớn lao hơn chính bản thân họ, dù họ thuộc chủng tộc, văn hóa, nền tảng, tôn giáo nào.
"The Times They Are a-Changin’” luôn là ca khúc được Bob Dylan yêu thích bậc nhất vì tính mục đích của nó:
Thánh ca về sự đổi mới
Dylan bắt tay vào viết The Times They Are A-Changin’ vào năm 1963, ít lâu sau bài phát biểu mang tính lịch sử của Martin Luther King Jr. Tôi có một giấc mơ. Chính trị và xã hội Mỹ khi đó cũng có nhiều biến động. Nhưng bản thân Dylan đã thật sự nghĩ gì khi viết The Time They Are A-Changin’? Dylan đã nhiều lần nói về ca khúc cũng như ý nghĩa phía sau nó, nhưng tất cả chỉ một lần nữa xác nhận rằng ông là người luôn mâu thuẫn và khó hiểu.
Một lần, Dylan nói nó “có thể là một sự cay đắng với chính quyền, những người luôn chúi mũi xuống, không nghiêm túc nghe bạn nhưng lại kỳ vọng bạn nghiêm túc với anh ta”. Lần khác, dựa vào những câu: “Hỡi các bậc cha mẹ/ Khắp mọi vùng đất/ Đừng phê phán/ Cái mình không thể hiểu/ Các con trai và con gái/ Ở ngoài tầm điều khiển/ Kiểu cách của bạn lạc hậu rồi”, có người suy đoán rằng ca khúc là về sự cách biệt giữa các thế hệ, một vấn nạn trong văn hóa Mỹ những năm 1960.
Nhưng Dylan phủ nhận vào năm 1964: “Đây là những từ ngữ tôi có thể tìm ra để tách biệt sự sống với cái chết. Nó không liên quan gì tới tuổi tác”. Một năm sau, Dylan tiếp tục: “Tôi thật sự không thể nói rằng người lớn không hiểu người trẻ nữa. Nó cũng giống như khi nói cá lớn không hiểu cá bé”.
Lần khác, vào năm 1985, ông nói với Cameron Crowe: “Đây là ca khúc với mục tiêu rõ ràng. Tất nhiên, nó chịu ảnh hưởng của những bản ballad của Ireland và Scotland như Come All Ye Bold Highway Men, Come All Ye Tender Hearted Maidens. Tôi muốn viết một ca khúc lớn, với phiên khúc ngắn súc tích chồng lên nhau một cách thôi miên. Phong trào dân quyền và phong trào nhạc folk khi đó đang xích lại và liên minh với nhau”.
Chưa đầy một tháng sau khi Dylan thu âm ca khúc, cựu Tổng thống Mỹ Kennedy bị ám sát tại Texas, ngày 22/11/1963. Ngay tối hôm sau, Dylan vẫn mở màn một buổi hòa nhạc bằng The Times They Are A-Changin’. Lần này, ông kể lại với nhà viết tiểu sử Anthony Scaduto: “Tôi đã nghĩ: Trời, làm sao tôi có thể mở màn với ca khúc như thế này? Mọi người sẽ ném đá tôi mất. Nhưng tôi phải hát nó, tất cả các hòa nhạc của tôi đều cất cánh từ đây. Tôi biết là tôi chẳng hiểu gì nữa. Đất nước vừa trải qua một cơn chuyển mình và họ đang vỗ tay cho ca khúc này. Tôi không thể hiểu tại sao họ vỗ tay, hay tại sao tôi viết ca khúc này. Tôi không hiểu gì hết. Với tôi, mọi thứ thật điên rồ”.
Sự bối rối của Dylan là chính đáng. Trong phút xuất thần nghệ thuật, có thể chính tác giả cũng không đào sâu ẩn ý của những lời mình viết. Và một tác phẩm, một khi hoàn thành, không còn thuộc về tác giả nữa, mà thuộc về công chúng. Với một tác phẩm trải dài như The Times They Are A-Changin’, từ những biến đổi môi trường quanh ta, kêu gọi chính phủ lắng nghe và thay đổi, cha mẹ không nên áp đặt con cái… thì đa góc nhìn không có gì lạ. Đặc biệt, khi cao trào ở phiên phúc cuối: “Trật tự nhanh chóng bị xóa bỏ/ Những kẻ đứng đầu bây giờ/ Rồi sẽ thành kẻ đứng cuối/ Khi họ thay đổi” mang âm hưởng Tân Ước. Cụ thể, nó là Mark 10:31, khi Chúa Jesus hứa ban phần thưởng cho người biết bỏ mọi sự mà theo Người: “Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng hàng chót sẽ được lên hàng đầu”. Nhưng tựu trung, tất cả là về sự thay đổi.
Và chính lịch sử đã chứng minh bản thân lịch sử là một dòng chảy bất tận, lớp trước đội lên lớp sau trong sự chuyển dịch, thay đổi không ngừng. Sự thay đổi lại luôn tới từ những xung đột, luôn gây những tranh cãi và nhiều khi, không phân định đúng sai. Nhưng cũng lại chính lịch sử đã chứng minh, cả về mặt tự nhiên và xã hội, rằng nhân loại chỉ có thể tồn tại nhờ thay đổi không ngừng. Thế nên, ý nghĩa cụ thể của The Times They Are A-Chanin’ vẫn luôn là đề tài sợi tóc chẻ làm tư, nhưng mặt khác, nó vẫn bền vững như lịch sử và được nhiều thế hệ chọn để thể hiện khát khao đổi mới.
Giờ đây, khi nghe ai hát “Bất cứ nơi nào bạn lang thang tới/ Hãy thừa nhận rằng mực nước đang dâng/ Và hãy sớm chấp nhận/ Bạn sẽ sũng nước tới tận xương/ Nên nếu có cơ hội/ Hãy tận dụng nó” thì rõ ràng cảm nhận sẽ là: Đó không phải là giai điệu cho quá khứ xa xôi, mà cho chính hiện tại này và cho tương lai vô cùng.
Ca khúc xuất hiện ở nhiều sự kiện Năm 2004, The Times They Are A-Changin’ được tạp chí Rolling Stone xếp thứ 59 trong danh sách 500 ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại. Bản thân Dylan luôn đánh giá nó nằm trong những ca khúc ông yêu thích nhất và thường biểu diễn. Ca khúc cũng ẩn hiện trong nhiều bộ phim cũng như các sự kiện lịch sử. Năm 1984, chàng trai trẻ Steve Jobs đã dẫn đoạn phiên khúc hai của The Time They Are A-Changin’ trong buổi họp cổ đông Apple, nơi ông lần đầu công bố máy tính Macintosh. Mới đây, khi người da màu George Floyd bị cảnh sát ghì chết, nhiều người Mỹ cũng đã bật lại The Time They Are A-Changin’ như một lời cầu nguyện. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất