Nhạc sĩ Hồng Đăng: Lênh đênh một ước mơ

27/05/2012 11:17 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Lênh đênh hoa sữa, tên đêm nhạc của nhạc sĩ Hồng Đăng chân dung âm nhạc số 21, do Đài Truyền hình VTC thực hiện, đã diễn ra tối 25/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Bất chấp cơn mưa lớn, mọi người đã đến chật khán phòng.

1. Những trận mưa chiều, tối kéo dài suốt cả tuần không “trừ” ra tối thứ Sáu. Lênh đênh, tên ca khúc trong phim Đời hát rong (ĐD Châu Huế) Hồng Đăng viết 20 năm trước, đã vận vào đời ông, cả lúc tuổi 76 này.

Năm 2005, nhạc sĩ Hồng Đăng mới có live show đầu tiên. Một số doanh nhân “chém gió” hứa hẹn ủng hộ, như “đinh đóng cột”, đến lúc cần chi phí sản xuất, thì họ “biến mất”. Vợ chồng nhạc sĩ phải bán nhà ở Kim Liên để trang trải. Năm 2007, VTV1 làm chương trình Con đường âm nhạc về Hồng Đăng. Nếu không có các đài truyền hình hoặc Mạnh Thường Quân đứng ra lo liệu, sẽ chẳng có cơ hội cho công chúng thưởng thức trọn chương trình về nhạc sĩ tầm cỡ này.

Hai MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng và Đan Lê dẫn dắt đêm nhạc qua 3 phần, theo chủ đề sáng tác. Người nghe biết nhiều đến Hồng Đăng bởi các ca khúc mang dấu vết đô thị, nhất là vẻ đẹp thanh quý nồng nàn của Hà Nội bởi Hoa sữa – ca khúc trong phim truyện nhựa Hà Nội mùa chim làm tổ (ĐD NSƯT Đức Hoàn, 1981) với tiếng hát Lê Dung. Nổi tiếng hơn phim, sức sống vượt khỏi màn bạc, Hoa sữa tha thiết bung toả qua giọng hát Lệ Quyên, Thanh Lam và trở thành một trong những bài hát đỉnh cao về Hà Nội.

Hồng Đăng sinh trưởng ở xứ Nghệ, quê nghèo hiếu học tấp nập nhân tài. Cha là Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa Hà Tĩnh, ông bà sinh được Hồng Đăng và một em gái (kém 3 tuổi, hiện sống tại Hà Nội, đã đến dự đêm nhạc của anh trai). Lên 9 tuổi, cậu bé Phan Hồng Đăng đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc và bài hát đầu tiên Đời học sinh viết khi cậu tuổi 13.

2. Đêm nhạc vừa qua chỉ là một phần của gia tài nghệ thuật ấy, nhưng là tinh cốt của di sản tinh thần ông dâng tặng cuộc đời.

Tai nạn gãy xương đùi trái một năm trước khiến chân ông bước tập tễnh. Vì đau chân, nhạc sĩ ngồi giao lưu tại chỗ, hàng ghế 1, trả lời các câu hỏi của MC Chiến Thắng, Hồng Đăng chia sẻ: “Âm nhạc vang lên trong tâm hồn tôi. Tình yêu thương toát ra lời hát – tiếng nói của âm nhạc. Hợp âm của nụ cười, nước mắt, đau đớn và khát vọng để mỗi tác phẩm như có câu chuyện của tôi, của người nghe, mà chứa cả số phận quê hương, dân tộc”.

Có lẽ do ít kinh phí và thời gian gấp, việc lựa chọn ca sĩ của đêm nhạc chưa chuẩn, tiếng hát Phương Nga quá chói và chênh với những ca khúc giàu biểu cảm của Hồng Đăng. Nhưng khán giả vẫn ngồi đến phút cuối, nán lại thêm bởi những giai điệu đẹp đẽ của Hồng Đăng là những giá trị vững bền hằn tâm chí họ từ lâu, không phải do một lần ca sĩ không đạt. Nhiều người quen Biển hát chiều nay, Hoa sữa, nhưng người sành nhạc đánh giá cao Lênh đênh bởi chất thơ, triết lý, niềm khát yêu, khao khát sống trong sự tương phản của nhan đề và ca từ: Có một con đường như đợi một con suối/ Có một ngọn gió đi tìm một ngọn núi/ Có một cánh rừng chờ một cánh chim đêm/ Tiếng hát lênh đênh mong một phút bình yêu/ Trời xanh thế, đời xanh thế/ Lênh đênh những vì sao xa/ Lênh đênh những vầng mây xa/ Hai đứa như hai vầng mây xa/ Trôi trên sóng bồng bềnh bồng bềnh/ Hai đứa như hai vì sao xa/ Xa xôi lắm mặt trời mặt trời/ Bao câu hát xưa đã từng mê say/ Chiều nay gió đưa đi xa khơi…

Sự khắc khoải đẹp đẽ của Lênh đênh được Thanh Lam diễn tả khá đạt, dù đây là lần đầu chị hát.

Bất ngờ đáng yêu nhất, là tốp ca: Chúng ta là lũ vịt con/ Đường thì xa chân bước lon ton/ Không ai vui, không ai xinh, không ai thông minh bằng lũ vịt con – lời ca khúc viết cho một phim hoạt hình hơn 30 năm trước. Bốn cô bé cầm micro hát chính, 20 bé gái 4-5 tuổi micro cài, tay cầm lá sen lụa, múa thật ngộ nghĩnh. Các em đã hát thật cảm động bài hát “xa lạ” với đời sống đủ đầy ở thủ đô bây giờ, câu chuyện về một gia đình công nhân đất mỏ thời bao cấp, qua bữa cơm tối sum vầy, lời của cô bé: Bàn tay mẹ rất trắng/ Ngày ngày nhặt hòn than đen/ Bàn tay bố sạm nắng/ Chuyển than lên than lên/ Căn nhà nhỏ rất nhiều gió Hạ Long/ Đậm đà tình Hạ Long (Buổi tối, chuyện một căn nhà nhỏ).

Hằng ngày, những buổi trưa qua đường Trần Phú rộn tiếng ve, trong đầu tôi thầm hát: Trưa nay qua đường phố quen/ Chợt nghe tiếng ve đầu tiên/ Chợt nghe tâm hồn xao xuyến/ Điệp khúc tiếng ve triền miên/ Tiếng ve đu cành sấu/ Tiếng ve náu cành me/ Tiếng ve vẫy tuổi thơ/ Tiếng ve chào mùa Hè(Kỷ niệm thành phố tuổi thơ).

Rất nhiều người trong chúng ta đã, đang và cần hát bằng lời, trong tâm hồn, trên những con đường mùa Hạ, hát để sống lại tuổi thơ, vẫy gọi bằng đồng ca của những ca sĩ ve bền khản giọng Hè.

Những bài hát được vang lên, hay ngân nga trong hồn ta, có một người đồng hành – Hồng Đăng. Quê ông không có biển, biển cách nhà 10km bên Diễn Châu, nhưng Yên Thành, đêm có thể nghe tiếng sóng.

“Những say đắm buồn vui trong cuộc đời, tôi đem theo con đường nghệ thuật thú vị và đầy gian nan. Cái lãi nhất của đời tôi là được đến khắp nước mình. Tôi đã đi cùng tàu hải quân từ Hải Phòng vào tận Cà Mau, mà có Biển hát chiều nay” – nhạc sĩ tâm sự.

Cả thứ Bảy ông đã phải nằm nhà vì mệt sau đêm nhạc, bệnh tim, tiểu đường, huyết áp cao lâu năm làm ông phải chống chọi bằng lạc quan.

3. Tôi không thể kìm xúc động, khi thấy người nghệ sĩ “lênh đênh” ấy bước khó khăn lên sân khấu lúc sắp kết thúc đêm nhạc để cảm ơn và chào khán giả. Vây quanh ông là tốp ca thiếu nhi, các MC, ca sĩ. Phía sau ông là cây dương cầm. Khi xuống, ngang qua cây đàn, nhạc sĩ đã dừng lại (ông thường phải thế sau vụ tai nạn không đi bộ được nhiều), hay để nhìn “hiện vật ước mơ”? Đã viết, vẫn viết bằng tay, ký âm và tưởng tượng nó trong tâm tưởng, bởi đến giờ, nhạc sĩ vẫn chưa có được một cây đàn trong nhà, dù chỉ là guitar.

Từ niên thiếu ở khu 4, Hồng Đăng đã mơ có cây đàn guitar, mandoline, hay chí ít được 1 cây sáo. Và rồi không có nổi do chiến tranh liên miên. Con người bẩm chất nghệ sĩ ấy thuần túy tư duy nghệ thuật, xa lạ làm ăn kinh tế, tính nhân hậu, nhịn nhường, nên cuối đời vẫn nghèo, dù ông đã làm việc cật lực. Hơn 50 năm lao động, sáng tác, gia tài âm nhạc của Hồng Đăng có hơn 500 ca khúc (hay 700, ông không nhớ chính xác), viết nhạc cho trên 70 bộ phim khác nhau.

Gia tài đáng giá nhất của ông là tác phẩm, tấm lòng giàu tình bạn, tình đời. Lẽ nào, ước mơ có cây đàn dương cầm vẫn là xa vời với ông, một nhạc sĩ đã cống hiến cả triệu nốt nhạc, bao tình ca đẹp. Người đời nhiều khi quan niệm bảo thủ “Nghệ sĩ là nghèo, cần gì vật chất”, thật bất công và sai lệch. Hồng Đăng là ngọn đèn, nhưng không cố định như hải đăng (đèn biển), mà trôi trên sóng. Lẽ nào “Bao tháng năm đã từng đi qua, mà sao vẫn lênh đênh, lênh đênh”?

Thanh Lam hát nhạc Hồng Đăng tại Paris

Chiều nay, 27/5/2012, tại khán phòng Espace Martin ở Paris sẽ diễn ra chương trình ca nhạc với chủ đề Tình yêu biển đảo quê hương.

Hai ca sĩ từ Hà Nội bay sang buổi hát đặc biệt này là NSƯT Thanh Lam, ca sĩ Tùng Dương. Họ song ca các ca khúc: Tình nghệ sĩ (Đoàn Chuẩn – Từ Linh), Kiếp nào có yêu nhau (Phạm Duy), Hãy yêu nhau đi (Trịnh Công Sơn), Buồn ơi chào mi (Nguyễn Ánh 9).

Đặc biệt, NSƯT Thanh Lam hát các ca khúc về biển và Hà Nội trong đó có Biển hát chiều nay, Hoa sữa của Hồng Đăng. 


Thanh Lam trong chương trình Lênh đênh hoa sữa.

Vi Thùy Linh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm