17/06/2020 11:06 GMT+7 | Giải trí
(giaidauscholar.com) - Thành công vang dội của Spider-Man: Into The Spider-Verse (2018) đã giúp Sony ẵm tới 3 giải thưởng điện ảnh danh giá nhất bao gồm Oscar, Quả cầu Vàng và BAFTA cho Phim hoạt hình xuất sắc nhất. Sau 2 năm im ắng, hãng này mới chính thức trở lại cuộc đua phim hoạt hình với Connected (tạm dịch: Kết nối).
Mới đây, đạo diễn và nhà sản xuất của Connected đã xuất hiện trong chương trình preview tại Liên hoan phim (LHP) hoạt hình Quốc tế Annecy 2020 để chia sẻ một số thông tin thú vị tới khán giả. Đây cũng là phim hoạt hình duy nhất của Sony được ra mắt trong năm nay.
Chủ đề không còn xa lạ
Ngồi ghế đạo diễn của Connected là Mike Rianda, nổi tiếng với loạt phim hoạt hình Gravity Falls. Ông cũng tham gia phần viết kịch bản cho phim với Jeff Rowe. Tại LHP hoạt hình Quốc tế Annecy, Mike Rianda đã tiết lộ kịch bản phim được dựa trên chính “gia đình điên rồ của mình và niềm đam mê lâu dài với công nghệ”.
Như chính tên của nó, Connected là câu chuyện nhắm đến những rắc rối thường ngày mà nhiều gia đình trên thế giới hiện nay đang gặp phải. Đó là vấn đề về việc các thành viên trong gia đình dần bị “cắt rời” bởi lạm dụng các thiết bị điện tử như smartphone, máy tính bảng...
Phim theo chân gia đình nhà Mitchell, mẹ là Linda (Maya Rudolph) và cha là Rick (Danny McBride). Katie (Abbi Jacobson) là con gái lớn và Aaron (Mike Rianda) là cậu em út. Một hôm, trong chuyến đi đưa con gái lớn tới nhập học tại trường Đại học thì gia đình Mitchell đột nhiên bị đảo lộn bởi cuộc nổi dậy của “thế lực” công nghệ của các thiết bị điện tử. Từ điện thoại, máy móc cho đến hàng loạt người máy hiện đại tới chiếm lĩnh thế giới.
Nói đây không phải một chủ đề xa lạ vì chính gia đình nam đạo diễn Mike Rianda cũng cảm nhận được tình trạng này. “Có 2 điều mà tôi thực sự yêu thích trong đời, đó là gia đình điên rồ của tôi và thế giới công nghệ. Tôi thực sự bị mê hoặc bởi robot khi còn nhỏ, nên khi trưởng thành, tôi dành nhiều quan tâm tới công nghệ. Và cách mà nó ảnh hưởng đến thế giới thực hiện nay, như bạn biết thì bây giờ đã có những nhân viên bảo vệ bằng robot rồi đó” - ông nói.
Tuy nhiên, đây cũng là một chủ đề thú vị khi được khai thác trong phim, ông đã đưa ra rất nhiều câu hỏi để chứng minh cho việc đó. “Nếu nhân loại không bị thay thế bởi robot, thì điều tuyệt vời là gì? Công nghệ một mặt mang chúng ta lại gần với nhau hơn nhưng mặt không tốt của nó là gì? Tất cả những thứ đó dường như là những điều thực sự thú vị để nói và cần khám phá trong suốt quá trình của bộ phim”.
Nhân vật Rick được Mike Rianda lấy cảm hứng từ chính cha của mình, còn mẹ và dì là hình mẫu của nhân vật Linda. “Bố tôi là người yêu thiên nhiên, đó là nguồn cảm hứng sáng tạo ra Rick - một anh chàng không thích công nghệ và nghĩ chúng rất tồi tệ. Còn Linda như mẹ và dì của tôi vậy. Mang khiếu hài hước và giống như băng keo để gắn kết gia đình lại với nhau” - ông chia sẻ.
Áp dụng kỹ xảo hoạt hình đột phá
Điều khiến khán giả chú ý thêm nữa là sự tham gia của bộ đôi sản xuất lừng danh trong giới phim hoạt hình - Phil Lord và Christopher Miller. Trong Connected, bộ đôi này đồng sản xuất cùng với Kurt Albrecht.
Khán giả của thể loại phim hoạt hình dường như chẳng còn quá bất ngờ với 2 cái tên Phil và Christopher. Bởi trước đó, cả 2 đã đóng vai trò sản xuất, biên kịch hay thậm chí là đạo diễn của nhiều bộ phim hoạt hình nổi tiếng. Đáng kể đến như loạt phim về lego bao gồm: Câu chuyện Lego Batman (2017), Lego Ninjago (2017), The Lego Movie (2014) và The Lego Movie 2 (2019).
Phil và Christopher tham gia sản xuất cho cả 4 phim kể trên; ngồi ghế đạo diễn 1 phim và cùng biên kịch 2 phim. Tổng doanh thu phòng vé cho cả 4 bộ phim này lên tới gần 1,1 tỷ USD.
Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới phần sản xuất của Phil và Christopher trong phim Spider-Man: Into The Spider-Verse (2018). Ngoài ra, kịch bản của bom tấn này cũng được viết bởi Phil Lord. Bên cạnh đó, Spider-Man: Into The Spider-Verse không giống với bất kỳ bộ phim hoạt hình nào mà khán giả từng xem.
Trong quá trình sản xuất, theo Lord và Miller, họ muốn bộ phim có cảm giác như người xem được “bước vào trong một cuốn truyện tranh”. Để làm được điều bộ đôi sản xuất muốn, với 2 họa sĩ, sẽ mất khoảng 1 năm mới có thể cho ra được 10 giây trong phim. Vì thế mà 177 họa sĩ của Sony Pictures Imageworks (công ty con của Sony) đã cùng nhau hoạt động hết công suất mới có thể hoàn thiện dự án.
Thêm vào đó, hiệu ứng motion blur (thường được dùng để làm mượt mà các hiệu ứng chuyển động cho phim) cũng được loại bỏ. Và thay bằng một kỹ xảo hiệu ứng “cũ kỹ” có tên motion smearing (lần đầu xuất hiện trong phim hoạt hình năm 1942).
Tốc độ tỷ lệ khung hình cũng được giảm xuống thấp hơn một nửa so với thông thường, chỉ còn 12 khung hình/giây. Sự pha trộn giữa phong cách vẽ truyện tranh, bớt đi phần công nghệ đồ họa hiện đại tưởng chừng mọi thứ trở nên phức tạp và gò bó hơn. Nhưng kết quả đã cho thấy điều ngược lại. Phim có doanh thu toàn cầu là 375,5 triệu USD và giành nhiều giải thưởng quan trọng. Với Phil, ông mô tả phong cách hoạt hình mới này là “hoàn toàn cách mạng”.
Cùng là “đứa con” của Sony, Connected cũng được đảm nhận bởi Sony Pictures Imageworks. Và dĩ nhiên, bộ phim cũng sẽ phần nào mang đậm phong cách kỹ xảo được coi là “cách mạng” này. Nam đạo diễn Mike Rianda cũng nhấn mạnh rằng: “Sự đón nhận của khán giả trên toàn thế giới với Spider-Man: Into The Spider-Verse giống như sự khích lệ vậy. Khán giả muốn thấy những câu chuyện mới và một phong cách hoạt hình khác biệt”.
Thành Quách
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất