29/09/2021 19:18 GMT+7 | Giải trí
(giaidauscholar.com) - Có nhiều bằng chứng cho thấy ảnh hưởng văn hóa toàn cầu của Hàn Quốc đã trở thành thực tế không cần bàn cãi. Riêng trong năm ngoái, thế giới đã chứng kiến nhóm nhạc đình đám BTS phá vỡ hàng loạt kỷ lục và mang về hàng tá giải thưởng trên toàn thế giới, bộ phim Parasite (Ký sinh trùng) gây tiếng vang khi trở thành phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên giành giải cao nhất tại lễ trao giải Oscar.
Cùng với đó là sự áp đảo của Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất trò chơi điện tử và sắp tới có lẽ là ở mảng thể thao điện tử (e-sports).
Giờ đây, thay vì để K-pop hay các bộ phim tiếp tục thu hút khán giả thế giới một cách thụ động, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định tham gia tích cực hơn vào quá trình chuyển đổi nền văn hóa đại chúng và các nguồn lực mềm khác thành một khối "sức mạnh mềm" (soft-power) thực sự.
Làn sóng Hallyu chuyển biến thành sức mạnh mềm
Sự tiếp quản toàn cầu của văn hóa đại chúng Hàn Quốc bao phủ nhiều mảng giải trí, bắt đầu từ phim truyền hình, trò chơi điện tử, nhạc K-pop và giờ ngày càng phân nhánh sang điện ảnh, sách và thậm chí cả thể thao. Hiện tượng này được gọi là “làn sóng Hàn Quốc” hay “làn sóng Hallyu” - một thuật ngữ được đặt ra vào những năm 1990 khi các chương trình của Hàn Quốc bắt đầu trở nên phổ biến ở Trung Quốc.
Nhưng trước khi nhìn sâu hơn, ta cần phân biệt rõ giữa xây dựng thương hiệu quốc gia (quảng bá hình ảnh tích cực về quốc gia mình) và quyền lực mềm. Quyền lực mềm sử dụng sức hấp dẫn của các nguồn lực mềm, bao gồm các đặc điểm văn hóa đại chúng được yêu thích như các ngôi sao điện ảnh và biểu tượng nhạc pop, các điểm du lịch và môi trường cởi mở đối với các chương trình du học, rồi kết hợp chúng để tạo ra và củng cố những thay đổi lâu dài trong cách mọi người suy nghĩ về/ hoặc tương tác với một quốc gia.
Xét cho cùng, như “cha đẻ” của quyền lực mềm, Joseph Nye, đã viết: “Quyền lực mềm là khả năng khiến người khác muốn cái mà bạn muốn, do đó họ sẽ tự nguyện làm điều đó mà không cần ép buộc hoặc mua chuộc”.
May mắn cho Seoul, cách mà văn hóa Hàn Quốc đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới (với sự hỗ trợ chứ không phải chỉ đạo của chính phủ) sẽ giúp đất nước này dễ dàng hơn trong việc chuyển đổi nguồn lực sâu rộng của mình thành sức mạnh mềm. Sự hỗ trợ ấy đã bắt đầu từ đầu những năm 1990, thông qua các chính sách như khuyến khích đầu tư doanh nghiệp và hội nhập theo chiều dọc trong ngành công nghiệp điện ảnh và từ từ loại bỏ các rào cản như hạn ngạch đối với nội dung phim ảnh nước ngoài. Điều này dẫn đến việc tạo ra một nền tảng tài chính ổn định, đồng thời khuyến khích các nhà sáng tạo Hàn Quốc đổi mới và cạnh tranh với các đồng nghiệp quốc tế của họ.
Những chính sách ban đầu này đặc biệt tập trung vào việc tăng cường tiềm năng xuất khẩu của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Như một báo cáo của chính phủ vào năm 1994 đã chỉ ra doanh thu của bộ phim Jurassic Park (Công viên kỷ Jura) tương đương doanh thu mà Hàn Quốc có thể kiếm được từ việc bán 1,5 triệu chiếc ô tô Hyundai ở nước ngoài. Từ đó, Seoul thường xuyên đưa ra những hỗ trợ nhằm tạo môi trường thuận lợi để các ngành công nghiệp điện ảnh, truyền hình và âm nhạc có thể phát triển mạnh mẽ.
Cảm nhận sức mạnh của làn sóng Hallyu
Chỉ tới sau này, khi hàng triệu người hâm mộ cuồng nhiệt ở châu Á, sau đó là ở Mỹ Latin và Trung Đông, và cuối cùng là trên toàn thế giới bị thu hút bởi những sản phẩm văn hóa đại chúng xuất khẩu từ Hàn Quốc, thì hiệu ứng của làn sóng Hallyu mới chuyển thành ảnh hưởng chính trị.
Tuy nhiên, việc tạo ra mối liên kết giữa các ngôi sao, người hâm mộ và các mục tiêu chính sách đối ngoại không phải chuyện dễ dàng. Và Chính phủ Hàn Quốc dường như vẫn ở giữa quá trình chuyển định hướng từ xây dựng thương hiệu quốc gia sang một chiến lược quyền lực mềm ở cấp độ sâu hơn.
Khi Tổng thống Moon Jae In đưa các ca sĩ và ngôi sao golf nổi tiếng cùng tới cuộc gặp với Tổng thống Mỹ khi ấy là ông Donald Trump hay tổ chức đêm hòa nhạc hữu nghị bên lề buổi họp thượng đỉnh giữa ông với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, các động tác đó không có sự rõ ràng về mục đích chính sách, ngoài việc thu hút nhiều người hâm mộ hơn chú ý đến các cuộc gặp này.
Một sáng kiến đặc biệt thành công (mà có thể là do nó gắn liền với một mục tiêu chính sách cụ thể), là khi Chính phủ Hàn Quốc sắp xếp để các ca sĩ nổi tiếng quốc tế như Red Velvet và Baek Ji Young biểu diễn tại một buổi hòa nhạc ở Bình Nhưỡng nhân cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ông Moon Jae In và nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên vào năm 2018. Đúng như tính toán, các clip từ buổi biểu diễn đã thu hút 3 triệu lượt xem trên YouTube. Thực tế, sự kiện kiểu này không phải để giới chức Hàn Quốc thuyết giảng cho khán giả nước ngoài về các chính sách của họ, mà chỉ muốn thu hút sự quan tâm công chúng toàn cầu.
Trong nhiều trường hợp khác, chính phủ thậm chí không cần trực tiếp tham gia (ít nhất là ngay từ đầu) với những người nổi tiếng Hàn Quốc để tiếp tục tạo ra sự tương tác sâu sắc hơn giữa người hâm mộ và văn hóa nước họ. Các nghệ sĩ nổi tiếng có thể (và cũng thường) sử dụng các nhạc cụ, lấy bối cảnh kiến trúc hoặc mặc trang phục truyền thống trong các buổi diễn cũng như đời thường. Việc một nhà thiết kế nhỏ bán hanbok cách tân của Hàn Quốc “ngập” trong đơn đặt hàng từ nước ngoài sau khi thành viên BTS Jungkook mua một bộ đồ ở đây chính là ví dụ.
Tuy nhiên, chiến lược này không phải là hoàn hảo. Sự phổ biến rộng rãi của văn hóa đại chúng Hàn Quốc trên toàn cầu đôi khi mở ra những lỗ hổng mới, có thể ảnh hưởng đến quyền lực mềm đang phát triển của Seoul. Như khi Trung Quốc tức giận vì Hàn Quốc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, một trong những cách đầu tiên mà Bắc Kinh đáp trả là hạn chế xuất khẩu văn hóa và du lịch của Hàn Quốc. Ngoài ra, bất cứ điều gì sao Hàn làm hoặc nói, chẳng hạn như ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của Hàn Quốc đối với các hòn đảo mà Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền, đều có thể trở thành tranh chấp đối ngoại.
Bên cạnh đó, chính sách ngoại giao công chúng của Hàn Quốc có thể tiếp cận thành công mạng lưới người hâm mộ và đưa ra những thông điệp tích cực, chân thực đến những khán giả quan tâm và gắn bó. Tuy nhiên, một khi một thông điệp được đưa lên mạng, các nhà ngoại giao công chúng không còn kiểm soát nó nữa. Việc cư dân mạng có thể tiếp nhận, giải thích và thậm chí thao túng nó theo ý họ muốn cũng là một nguy cơ.
Kết - Làm sao để “cưỡi” sóng Hallyu?
Theo một cách nào đó, đây là nét đẹp của văn hóa đại chúng Hàn Quốc: Các cộng đồng người hâm mộ đã đoàn kết và được truyền cảm hứng để tương tác sâu sắc với nhau và với các ca sĩ hoặc diễn viên yêu thích. Tìm cách khai thác mối quan tâm đích thực này của người hâm mộ, bằng cách tạo cơ hội cho những người nổi tiếng sử dụng tiếng nói của chính họ để nói lên những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc, có thể vô cùng hiệu quả.
Chìa khóa sẽ là đặt ra và bám sát các mục tiêu một cách có chủ đích, bằng cách tìm ra các ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc như xúc tiến và phát triển thương mại hay an ninh y tế… thay vì chỉ đơn thuần giả định rằng sự hiện diện của các ngôi sao Hallyu tại một sự kiện sẽ là đủ để thu hút sự ủng hộ từ người hâm mộ.
Duy An (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất