08/04/2024 07:00 GMT+7 | Giải trí
Chương đầu tiên của chuỗi hành trình nghệ thuật Bamboo Concerto: đêm nhạc EDM Symphony đã được tổ chức ở TP. HCM.
EDM Symphony có sự kết hợp độc đáo giữa các nghệ sĩ: Nhạc trưởng Dustin Tiêu, DJ Huy Ngô, Vocalist Ngọc Khuê, Vocalist Viết Thu và đạo diễn Tùng Leo.
Chương đầu tiên là các tác phẩm kinh điển qua sự kết hợp của DJ Huy Ngô với nhạc trưởng Dustin Tiêu. Cả 2 nghệ sĩ Gen Z theo đuổi 2 phong cách khác nhau: Nhạc điện tử và nhạc thính phòng, tuy nhiên khi kết hợp, họ tạo nên sự hòa quyện tuyệt đối. Ở đó, các tác phẩm nhạc cổ điển của Beethoven, Vivaldi, Brahms, Mozart... vang lên trong sự kết hợp giữa âm thanh điện tử với dàn nhạc giao hưởng.
Chương thứ 2 và thứ 3 là tác phẩm của những tên tuổi như Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đình Thi, Văn Thành Nho, Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến… Trong đó, ca sĩ trẻ Viết Thu trình diễn các bài hát: Người Hà Nội, Chào em cô gái Lam Hồng, Hạ trắng, Đường xa vạn dặm, Người ở đừng về... Còn Ngọc Khuê với phong cách dân gian đương đại khi trình diễn: Chuồn chuồn ớt, Cặp ba lá, Bà tôi, Qua cầu gió bay, Giọt sương bay lên...
Chia sẻ về chương trình, Giám đốc Âm nhạc Huy Ngô cho biết: "Mặc dù với áp lực thời gian nhưng chúng tôi đã tạo được tiếng vang trong lòng khán giả. Tôi đã có những khoảnh khắc thăng hoa trong studio khi thực hiện những bản phối với chất liệu mới và tôi hạnh phúc khi được nhìn thấy những màn trình diễn chỉn chu và ăn ý của một tập thể chuyên nghiệp. Chính sự chuyên nghiệp của từng cá nhân đã khiến cho đêm nhạc diễn ra thành công và trọn vẹn. Tôi muốn gửi một lời cảm ơn đến toàn thể ekip cũng như những khán giả đã tham dự, họ đã truyền cảm xúc cho chúng tôi. Đêm nhạc là kết quả của một tình yêu dành cho văn hóa và con người Việt Nam."
Huy Ngô cho biết khi tiến hành phối khí những bản nhạc giao hưởng, anh đã có nhiều đêm nằm mơ thấy nốt nhạc sau nhiều giờ làm việc trong studio.
"Tôi là một nghệ sĩ âm nhạc điện tử và đây cũng là lần đầu tiên tôi thử sức với âm nhạc cổ điển. Hãy tưởng tượng hình ảnh tôi cùng một trăm nhạc cụ ảo đối thoại trong studio liên tục 12 tiếng trong 30 ngày đêm, đêm về tôi vẫn nghe thấy tiếng nhạc" - Huy Ngô nói thêm.
Huy Ngô chia sẻ khi tiến hành sản xuất và lên ý tưởng, anh đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về câu chuyện đằng sau từng tác phẩm.
"Tôi đã có kinh nghiệm sản xuất âm nhạc cho phim điện ảnh nên khán giả sẽ bắt gặp những tiếng động của thiên nhiên, đây là một trong những mảng màu riêng khi tôi vẽ bức tranh của từng bản phối. Tôi muốn âm nhạc của mình kích thích được sự liên tưởng về mặt không gian. Trong những khoảng lặng khi tiếng violin solo cất lên cũng là khi cơn mưa đi qua và ánh mặt trời hé rạng, bản phối từ đó cũng biến đổi qua từng giai đoạn" - anh nói.
Nói về quyết định làm mới nhạc Trịnh, Huy Ngô cho hay, ê kíp đã liên hệ với em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - bà Trịnh Vĩnh Trinh - để xin phép cũng như để hiểu thêm về những câu chuyện phía sau ca khúc. "Hạ trắng" với một bản phối nhạc Jazz là hình ảnh ê kíp thấy phù hợp cho sự xuất hiện của Viết Thu.
Nhạc trưởng Dustin Tiêu cũng gây ấn tượng với 2 bản phối Chào em cô gái Lam Hồng và Người Hà Nội, những bản nhạc đòi hỏi trình độ xử lý cao khi trình diễn.
Những ca khúc gắn liền với tên tuổi Ngọc Khuê với mảng màu trong sáng, thuần khiết, những câu chuyện về tình cảm gia đình là những điều mà Huy Ngô thấy âm nhạc hiện đại đang thiếu. Vì thế, anh muốn mang đến một Ngọc Khuê vừa lạ, vừa quen trên sân khấu "EDM Symphony".
Màn trình diễn hai ca khúc dân ca quan họ Bắc Ninh của nữ ca sĩ Ngọc Khuê với màu sắc nhạc House thời thượng. Đây là lần đầu tiên âm hưởng dân gian đương đại của Ngọc Khuê được khoác lên mình tấm áo mới với âm thanh điện tử ma mị.
"Ngọc Khuê là một nghệ sĩ không ngại đổi mới và tôi thấy niềm đam mê của Ngọc Khuê như được cháy lên trên sân khấu EDM Symphony. Điều làm tôi thích thú nhất là cách nhả chữ mềm mại của Ngọc Khuê trên nền nhạc điện tử ma mị và nhiều năng lượng.Ngọc Khuê đã có nhiều thay đổi trong màu sắc âm nhạc và đây sẽ là một khởi đầu mới đầy hứa hẹn" - Giám đốc Âm nhạc Huy Ngô chia sẻ.
Đạo diễn Tùng Leo đã dành nhiều tâm huyết cho màn trình diễn "Đường xa vạn dặm - Người ở đừng về". Ở khoảng giữa của tiết mục khi câu hát "Mẹ bỏ tôi đi" vừa dứt cũng là khi tiếng "đoàn tàu âm dương" vang lên nối liền sang câu hát "Người ơi người ở đừng về".
Huy Ngô cho biết khi lên ý tưởng cho bản phối, anh sử dụng tiếng đoàn tàu với ngụ ý dẫn dắt câu chuyện đi tiếp, khi mẹ bỏ con đi cũng là khi con đã lớn khôn và đoàn tàu chính là đại diện cho niềm tin vào ngày mai, khi thời gian tiếp tục lăn bánh, những chân trời mới của ban mai sẽ tiếp tục hé lộ. Câu hát "Người ơi người ở đừng về" đóng lại màn trình diễn cũng là một khoảnh khắc níu giữ cuối cùng khi đoàn tàu đã đi xa.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất