Liên kết bệnh viện để giảm tải

15/07/2011 14:21 GMT+7 | Y tế

(TT&VH) - Để giải quyết tình trạng quá tải ở nhiều bệnh viện, trong cuộc họp HĐND TP.HCM ngày 14/7, các đại biểu đều nhất trí với khẩu hiệu “liên kết bệnh viện” để giảm tải, bởi ở TP, bệnh viện nơi thì quá tải, nơi thì “vắng bóng” bệnh nhân.

Việc liên kết càng cấp thiết khi mà các dự án bệnh viện của TP diễn ra khá... ì ạch.

Dự án trọng điểm: Chậm

Ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Hiện nay, TP.HCM có 113 bệnh viện (BV), trong đó có 21 BV trực thuộc bộ, ngành; 29 BV trực thuộc Sở Y tế TP; 23 BV trực thuộc quận, huyện và 34 BV tư nhân cùng tham gia khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, quá tải BV là một thực trạng đã diễn ra hơn 10 năm qua. Từ năm 2008 - 2010, Sở Y tế đã tăng hơn 3.000 giường bệnh cho các BV. Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn còn tập trung vào các BV chuyên khoa, các bệnh viện tuyến cuối.

Lý giải việc nơi quá tải, nơi thưa thớt, ông Thanh cho rằng: Các bệnh nhân từ các tỉnh khác và cả trong TP đều ít qua phân tuyến tại y tế tuyến trước mà đến thẳng các BV chuyên khoa, đa khoa hạng 1.

Nhiều BV tuyến cuối phải đối mặt với tình trạng quá tải như BV Nhi Đồng 1-2, BV Nhiệt Đới, BV Phạm Ngọc Thạch... Tại đây, thường xuyên tái diễn tình trạng 2-3 bệnh nhân nằm cùng một giường bệnh.

Nhiều bệnh viện chuyên khoa ở TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải

Trước thực trạng này, ngoài việc đầu tư nâng cấp cho các BV hiện hữu, những năm qua TP đã triển khai chủ trương đầu tư cơ sở vật chất cho các cụm y tế cửa ngõ như: Xây mới BV Nhi Đồng (1.000 giường), BV Chấn thương chỉnh hình (500 giường), BV Mắt (50 giường) tại huyện Bình Chánh. Xây mới BV đa khoa huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận Thủ Đức với cơ số giường bệnh là 1.000 và xây mới BV Ung Bướu (1.000 giường), Bình Dân (300 giường) tại quận 9. Tuy nhiên, cho đến nay các dự án này vẫn chưa tiến hành khởi công xây dựng.

Đại biểu Huỳnh Công Hùng nêu thực trạng: “Tính hết 6 tháng đầu năm 2011, chỉ mới duyệt được 19 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành y tế, trong khi đó còn 101 dự án đang án binh bất động”. Trả lời về thực trạng này, ông Thanh cho rằng: “Việc đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, cơ bản là do vướng các thủ tục, quy định lập dự án kéo dài từ 3-5 năm. Hiện các dự án xây mới BV các cửa ngõ đều vướng ở khâu giải phóng mặt bằng. Trong thời gian sắp tới, ưu tiên hàng đầu của Sở Y tế là đẩy mạnh thực hiện các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án cửa ngõ, các BV cơ sở 2, góp phần giảm tải cho các BV”.

Liên kết BV lớn với BV quận, huyện

Trong khi chờ đợi hoàn thiện các dự án trọng điểm về y tế, trước mắt, để giảm tải cho các BV chuyên khoa trong TP, Đại biểu Nguyễn Quý Hòa cho biết: “Trong khi nhiều BV áp lực quá tải ngày càng lớn, có một số BV hoạt động không hết công suất. Cho nên có một giải pháp vừa có liên kết, vừa sắp xếp lại để làm sao giảm áp lực tại các BV, tranh thủ công suất của các BV mà chưa sử dụng hết. Nếu ngành y tế áp dụng mạnh hơn giải pháp này vào thời gian tới, thì nên có thông báo rộng rãi, tuyên truyền cho người dân biết những trung tâm khám chữa bệnh liên kết để không dồn vào các BV tuyến trên. Đồng thời, có thể liên kết vùng với các tỉnh, thành xung quanh”.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Phạm Việt Thanh nêu rõ: “Tôi hoàn toàn nhất trí và có thể khẳng định rằng Sở Y tế sẽ yêu cầu các giám đốc BV phải tổ chức việc liên kết với các BV tuyến quận, huyện tổ chức các phòng khám và có treo bảng để tuyên truyền cho người bệnh. Hy vọng đến cuối tháng này sẽ có thông báo rộng rãi về việc các BV chuyên khoa đang quá tải triển khai phòng khám tại nơi khác”.

Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm