Giáo dục văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa

05/07/2025 08:34 GMT+7 | Văn hoá

Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, giáo dục văn hóa, nghệ thuật dân tộc có vai trò quan trọng, góp phần hình thành thế hệ trẻ, con người Việt Nam phát triển toàn diện.

CHUYÊN ĐỀ VĂN HOÁ SOI ĐƯỜNG

Nhìn nhận sự cần thiết của giáo dục văn hóa nghệ thuật truyền thống, có giải pháp giúp học sinh hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa dân tộc, đặc biệt là bản sắc văn hóa các dân tộc tại địa phương mình sinh sống, trở thành con người phát triển toàn diện, tự tin hòa nhập nhưng không đánh mất bản sắc trong kỷ nguyên mới là vấn đề được nhiều chuyên gia, nhà quản lý quan tâm.

Thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện

Văn hóa, nghệ thuật dân tộc là kết tinh văn hóa truyền thống xuyên suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Các chuyên gia khẳng định, trong bối cảnh đất nước đang trên con đường hội nhập và phát triển, nhất là công nghệ thông tin phủ khắp mọi nơi, công tác giáo dục văn hóa, nghệ thuật dân tộc cho học sinh thực sự là một nội dung quan trọng đối với giáo dục ở các cơ sở đào tạo hiện nay.

Giáo dục văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa - Ảnh 1.

Lễ rước kiệu từ đền Cổ Ngựa đến đền Chúa Then trong Lễ hội mở cửa rừng tại Bắc Giang. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Phó Giáo sư Huỳnh Quốc Thắng (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: bối cảnh công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập toàn cầu hóa ngày càng mở rộng, những giá trị văn hóa, nghệ thuật dân tộc không chỉ là điểm tựa của bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là “hồn cốt” của sự phát triển quốc gia trong thời kỳ mới. Giáo dục văn hóa, nghệ thuật là một nội dung quan trọng của giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội, một trong những định hướng lớn liên quan mục tiêu giáo dục toàn diện (trí, đức, thể, mỹ) của hệ thống giáo dục quốc dân. Đối với Việt Nam, giáo dục văn hóa nghệ thuật dân tộc, trong đó có các dân tộc ít người trong và ngoài nhà trường tại các địa phương là vấn đề rất có ý nghĩa.

Theo Phó Giáo sư Huỳnh Quốc Thắng, từ năm 2018, chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã có thêm môn học mới có tên là Giáo dục địa phương với những vấn đề cơ bản, mang tính thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... Qua đó, trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng tình yêu quê hương, trách nhiệm với cộng đồng, biết trân trọng và phát huy văn hóa truyền thống, đặc biệt là bản sắc văn hóa các dân tộc tại địa phương mình sinh sống.

Cùng quan tâm vấn đề giáo dục văn hóa, nghệ thuật dân tộc, lấy dẫn chứng từ hoạt động giảng dạy văn học dân gian Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa (Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ trăn trở: vấn đề giáo dục văn hóa, nghệ thuật dân tộc ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh chuyển giao công nghệ và giao lưu văn hóa toàn cầu diễn ra rộng khắp, mạnh mẽ theo xu hướng thiết lập một trật tự thế giới phẳng. Các hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên của thanh niên, điệu hò lao động, trò diễn trong các lễ hội truyền thống đang trở nên thưa dần. Thay vào đó, người ta dùng thành ngữ, tục ngữ, ca dao để trò chuyện trên facebook, trong các chương trình truyền hình thực tế, sáng tác âm nhạc và làm chiến lược quảng bá sản phẩm, ứng dụng các yếu tố tự sự trong thần thoại, truyền thuyết, cổ tích để xây dựng các MV ca nhạc, tác phẩm điện ảnh, các trò chơi điện tử... Thực tế này cho thấy văn học dân gian, nghệ thuật truyền thống đang sống một đời sống khác phù hợp với xu thế của thời đại. Trước tình hình đó, cần có các giải pháp hợp lý để người học tiếp cận được phù hợp sự vận hành đời sống xã hội hiện đại.

Giáo dục văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa - Ảnh 2.

Biểu diễn nhạc cụ dân tộc của thiếu nhi nhỏ tuổi đến từ huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Quang Thái/TTXVN

Gìn giữ giá trị, nối tiếp tinh hoa văn hóa dân tộc

Để gìn giữ, phát huy giá trị của văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hoạt động giáo dục cần những giải pháp mới, trong đó, hoạt động giáo dục trong nhà trường là rất quan trọng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồ Phong (Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh) thực tế hiện nay đã và đang có sự thay đổi trong hành vi thưởng thức nghệ thuật dân tộc của những công chúng trẻ, trong đó có một bộ phận quan trọng là học sinh, sinh viên. Với sự hỗ trợ của công nghệ số, công nghệ video được tích hợp vào điện thoại thông minh, máy tính kết nối internet, tivi, học sinh, sinh viên có nhiều cơ hội để lựa chọn, tiếp cận và thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, vui chơi giải trí mà ít bị giới hạn bởi thời gian, không gian.

Từ thực tế đó, nhận thức rõ vai trò của môi trường học đường đối với việc hình thành “vốn văn hóa nghệ thuật” của công chúng, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp theo mô hình “sân khấu học đường”; tích hợp một số môn nghệ thuật truyền thống vào chương trình hoạt động ngoại khóa của học sinh, sinh viên. Đây là giải pháp hiệu quả cần được phát huy.

Giáo dục văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa - Ảnh 3.

Một hoạt cảnh sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Mới đây, tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Thành phố Hồ Chí Minh), trong khuôn khổ dự án tích hợp liên môn Ngữ văn - Giáo dục địa phương và trải nghiệm hướng nghiệp, chương trình nối tiếp tinh hoa - đưa nghệ thuật hát bội vào học đường đã được tổ chức thành công. Theo cô Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai: qua chương trình nhiều học sinh lần đầu tiên được làm quen với nghệ thuật hát bội -một trong những di sản văn hóa Nam Bộ. Nhiều em từ ngỡ ngàng chuyển sang thích thú, say mê tìm hiểu về kỹ thuật hóa trang, vũ đạo và cách thể hiện cảm xúc trên sân khấu mang tính ước lệ cao của môn nghệ thuật này. Các em cảm thấy rất thú vị khi hiểu rằng, với nghệ thuật hát bội, có khi chỉ từ màu sắc trang phục của nhân vật là đã biểu hiện được tính cách nhân vật là “người ngay hay kẻ gian, người hiền lành hay kẻ ác độc”. Chính những kiến thức về nghệ thuật truyền thống như thế sẽ là hành trang để học sinh tự tin hội nhập. Trên bước đường tương lai, nhiều em sẽ là những người lan tỏa nét đẹp văn hóa nghệ thuật dân tộc đến với bạn bè khắp thế giới.

Đối với giáo dục đại học, Tiến sĩ Nguyễn Phước Hoàng (Trường Đại học Bạc Liêu) chia sẻ: giáo dục văn hóa dân tộc là một trong những hoạt động giáo dục quan trọng ở các trường phổ thông cho đến bậc đại học, trong đó có Trường Đại học Bạc Liêu. Trường đóng trên địa bàn có nhiều dân dân tộc anh em cùng cộng cư như Kinh, Hoa, Khmer… nên đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Thông qua một số phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc thiểu số, trường đang góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Trong quá trình đào tạo, các khoa chuyên môn của Trường Đại học Bạc Liêu quan tâm đưa nội dung giáo dục văn hóa dân tộc vào trong chương trình thông qua các học phần đại cương cho tất cả các ngành học, giúp sinh viên, tìm hiểu, khám phá về văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử, phong tục, tập quán của các dân tộc anh em. Cùng với đó, trường tích cực tuyên truyền trên hệ thống thông tin nội bộ, lồng ghép giáo dục văn hóa dân tộc nói chung, các dân tộc thiểu số nói riêng thông qua các nghị quyết của Đảng, chủ trương chính sách dân tộc của Nhà nước để sinh viên hiểu rõ hơn. Trung tâm Thông tin - Thư viện của trường, Ban thông tin truyền thông của các khoa chuyên môn đăng tải nhiều thông tin lên trang trông tin điện tử hay qua các pano, khẩu hiệu, góp phần giáo dục văn hóa dân tộc cho sinh viên, giúp các em hiểu biết sâu sắc hơn, tự hào và có ý thức gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc.

Thanh Trà/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm