Người Việt tiên phong, nghĩ từ Ngô Bảo Châu

13/07/2013 13:31 GMT+7 | Giáo dục

(giaidauscholar.com) - Đề thi đại học môn Văn (khối D) có phần tự luận về tính tiên phong của người Việt. TT&VH đăng tải loạt bài về những người Việt tiên phong và người Việt bàn về tính cách tiên phong.

Trong hiểu biết ít ỏi của một phần cộng đồng, tên tuổi GS Châu gắn với "Bổ đề cơ bản" - công trình đã mang lại cho nhà toán học 41 tuổi giải Fields danh tiếng, ngoài ra dường như… không có gì khác.

Nếu chỉ dừng lại ở đó thì hoàn toàn sai.

Nhà giáo Phạm Toàn, người thầy cũ và hiện là đồng sáng lập trang web về giáo dục Hocthenao.vn với GS Ngô Bảo Châu, từng nói với người viết: "Điểm nổi bật của Châu so với các nhà khoa học khác là anh luôn muốn kết nối khoa học với đời sống, muốn chứng tỏ khoa học có lợi ích trực tiếp với đời sống".

Nhà khoa học không ở trong tháp ngà

Các hoạt động của GS Châu nếu nhìn từ góc độ "kết nối khoa học - đời sống" thì sẽ hiểu rõ hơn những đóng góp của GS.

Ngay cả "Bổ đề cơ bản", công trình mà phần đông xã hội "chỉ biết tên thôi chẳng hiểu gì", cũng làm nên cuộc cách mạng là kết nối các chuyên ngành tưởng như độc lập của toán học, khiến toán học trở thành một "cỗ xe thống nhất", giúp đưa các ứng dụng của toán học vào đời sống.

Bản thân trang Hocthenao.vn (ra mắt tháng 5/2013, do GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn và nhà giáo Phạm Toàn chủ trì) với nhiều bài viết góp ý, chia sẻ, phân tích về nền giáo dục Việt Nam và thế giới cũng là một ví dụ hiển nhiên cho tính hướng đến thực tiễn này.

GS Ngô Bảo Châu từng có nhiều phát biểu về giáo dục trên báo chí và hầu như ý kiến của ông cũng được chú ý, tô đậm. Nhưng đó là những bài viết riêng lẻ, việc GS lập riêng trang Hocthenao.vn cho thấy ông muốn thảo luận về giáo dục một cách bài bản.

Sức cộng hưởng giới khoa học trong nước và quốc tế

Sự có mặt của GS Châu như một người lãnh đạo đã có tác động tích cực đối với nhiều nhà toán học tài năng khác.

Sau khi GS Châu về Viện Toán cao cấp đảm nhận vai trò Giám đốc khoa học (từ tháng 3/2011) thì Hội đồng khoa học của Viện được thành lập với 14 thành viên. Hai "người Việt tiên phong" khác là GS toán Vũ Hà Văn và GS Vật lý Đàm Thanh Sơn - hai trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới hiện nay - cũng được mời vào hội đồng này.

Trong khi GS Văn cộng tác với GS Châu ở trang web Hocthenao.vn, thì GS Sơn, niềm hy vọng Nobel Vật lý của Việt Nam, cũng cộng tác với GS Châu trong một dự án xã hội khác. Một điều rất đáng mừng: có sự cộng hưởng tài năng giữa những nhà khoa học đỉnh cao mang dòng máu Việt Nam ở nước ngoài.

Tất nhiên, hàng năm, các nhà khoa học đều đảm nhận công việc giảng dạy ở các trường đại học Mỹ: GS Châu và GS Sơn là đồng nghiệp ở Đại học Chicago và GS Văn dạy Đại học Yale.

Bên cạnh đó, các hội thảo, hội nghị toán trong nước và quốc tế do Viện Toán cao cấp tổ chức vài năm gần đây có nhiều nhà toán học xuất sắc của thế giới tham dự. Một trong những nguyên nhân quan trọng cho sự có mặt của họ là uy tín của các đồng nghiệp Việt Nam nổi tiếng, trong đó có GS Châu.

Nhà toán học yêu văn chương và viết sách

“Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải tiên phong. Nếu ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ đi theo chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn”. (John đi tìm Hùng, NXB Kim Đồng, 2013, tr.113).

GS Ngô Bảo Châu có hai đóng góp chính với giới xuất bản Việt Nam: thứ nhất, viết "tiểu thuyết toán hiệp" Ai và Kyở xứ sở những con số tàng hình cùng người bạn Nguyễn Phương Văn; thứ hai, sáng lập tủ sách dịch Cánh cửa mở rộng của NXB Trẻ cùng nhà văn Phan Việt.

Trò chuyện với Ngô Bảo Châu, thấy rõ anh đọc nhiều, mê văn chương thực sự và cũng có gu. Hỏi về nhà văn yêu thích, anh suy nghĩ một chút và nêu tên Thomas Mann (tác gia Đức, Nobel Văn học năm 1929). Tủ sách Cánh cửa mở rộng đã ra một cuốn sách của ông là Chết ở Venice.

GS Châu không thấy có gì lạ khi một nhà toán học mê văn chương. Với anh, văn chương và toán học là hai niềm say mê có thể song hành của một con người, cùng với những niềm say mê khác nữa.

Làm sách cho người khiếm thị

TT&VH từng đề cập đến việc GS Châu thực hiện sách nói Ai và Ky cho người khiếm thị ở TP.HCM. Bản thân GS không hề nhận mình là "người tiên phong" trong lĩnh vực này. Trong tọa đàm sách gần đây ở Hà Nội, GS nói, nhiều tổ chức thiện nguyện và cá nhân đã làm công việc này từ trước và làm tốt hơn nhóm của anh.

Nhưng nếu xét từ góc độ người viết sách thì GS và người bạn Nguyễn Phương Văn của ông vẫn là những người hiếm hoi quan tâm đến độc giả khiếm thị. Các tác giả sách thông thường để tâm đến việc bán bản quyền sách điện tử kiếm thêm lợi nhuận hơn là làm sách nói rồi mang tặng (tất nhiên là miễn phí).

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm