23/06/2018 15:37 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, một trong bốn "cây đại thụ" của nền sử học nước nhà, vừa mới qua đời trưa nay (23/6).
Theo GS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng một số bạn bè đồng nghiệp của GS Phan Huy Lê, khoảng hơn một tuần trước sức khoẻ ông bị suy giảm trầm trọng.
Gia đình đưa ông vào bệnh viện Bạch Mai thì các bác sĩ chẩn đoán ông mắc bệnh tim.
Trong quá trình chữa trị, đặt stent để thông mạch, GS Phan Huy Lê tiếp tục mắc thêm những vấn đề sức khoẻ liên quan đến bệnh phổi.
Ông đã không thể qua khỏi cơn nguy kịch và từ trần hồi 13h6' trưa nay, 23/6.
GS Phan Huy Lê sinh ngày 23/2/1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Năm 1956, ông tốt nghiệp cử nhân Sử - Địa trường Đại học sư phạm Hà Nội, sau đó nhận chức danh Trợ lý giảng dạy Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1958, ông là chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại khi mới 24 tuổi.
Từ năm 1988 đến nay, ông đảm nhiệm vị trí Chủ tịch hội Sử học Việt Nam.
GS Phan Huy Lê cũng từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khóa II (1990–1995), khóa III (1995–2000), khóa IV (2000–2005, khóa V (2005–2010) và khóa VI (2010-2015).
Năm 2000, ông được trao giải thưởng Nhà nước về khoa học – công nghệ với tác phẩm “Tìm về cội nguồn”. Đến năm 2016, ông vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học cho công trình Lịch sử và Văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận.
Riêng với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), GS Phan Huy Lê chính là chủ nhân hạng mục Giải thưởng lớn, giải Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà nội năm 2011.
Đó là sự vinh danh dành cho những đóng góp vô cùng quan trọng của ông cho Hà Nội, điển hình như việc chủ biên xây dựng hồ sơ đăng ký Di sản thế giới cho Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, đồng thời đóng góp công sức vào các hồ sơ xin danh hiệu Di sản Thế giới cho Hội gióng Phù Đổng, bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám...
Tại lễ vinh danh này, ông đã chia sẻ: "Bất cứ người Việt Nam nào cũng dành tình yêu cho Hà Nội. Tình yêu đó, không chỉ dành riêng cho một ai đó mà là mẫu số chung cho tất cả mọi người.
Nó biến thành động lực để chúng ta vượt qua khó khăn, cố gắng đến cùng, đem hết tài năng để sáng tạo vì Hà Nội. Đó là tình yêu gắn liền với trách nhiệm để gìn giữ cho một Hà Nội của tương lai.
Tình yêu Hà Nội không chỉ thuần túy về tình cảm mà còn là trách nhiệm để bảo vệ những di sản của Hà Nội cho mai sau".
Đông Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất