24/06/2018 11:46 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Giáo sư Phan Huy Lê được biết đến là nhà khoa học tâm huyết có nhiều đóng góp cho nền sử học nước nhà và là một người thầy mẫu mực ưu tú. Hành trình nghiên cứu khoa học của nhà sử học Phan Huy Lê là cuộc hành trình tự học, tự nghiên cứu không mệt mỏi, tất cả xuất phát với niềm đam mê nghiên cứu sử học.
Trọn đời đam mê sử học Việt Nam
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (Cộng hòa Pháp), sinh ngày 23-2-1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1952 ông đến Thanh Hóa học dự bị Đại học. Ông dự định sẽ theo đuổi ngành khoa học tự nhiên tại Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng Giáo sư Trần Văn Giàu và Giáo sư Đào Duy Anh nhận thấy ông là người có năng lực đặc biệt về khoa học xã hội nên đã hướng ông vào học Ban Sử - Địa.
Năm 1956, Phan Huy Lê vừa tốt nghiệp cử nhân Sử - Địa đã được nhận ngay vào Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của Giáo sư Đào Duy Anh. Nhờ sự hướng dẫn của Giáo sư Đào Duy Anh, ông được đào sâu hơn về nền sử học Việt Nam, ngoài ra Giáo sư Đào Duy Anh giao cho viết bài giảng và đảm nhiệm các công việc của những chuyên gia thực thụ.
Giáo sư Phan Huy Lê còn được rèn luyện và học tập dưới sự hướng dẫn của những giáo sư có nhiều kinh nghiệm đã giúp ông hiểu sâu rộng hơn về bộ môn Lịch sử Việt Nam. Trong điều kiện học tập khó khăn, ông đã phải tự đặt ra cho bản thân những nguyên tắc học tập và làm việc, coi công việc hàng ngày là quan trọng bậc nhất và là nguồn động lực đi vào con đường nghiên cứu khoa học.
Năm 1980 ông được công nhận chức danh Giáo sư với hàng trăm công trình nghiên cứu có giá trị về lịch sử, trong đó có những công trình nổi bật như “Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê Sơ”, “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam”, “Khởi nghĩa Lam Sơn”, “Phong trào nông dân Tây Sơn”, “Lịch sử và văn hóa Việt Nam”, “Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay”, “Tìm về cội nguồn”, “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội”…
Một trong những công trình nghiên cứu có giá trị của Giáo sư Phan Huy Lê để lại là công trình “Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận”. Đây là công trình được Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết là trường hợp duy nhất thuộc lĩnh vực sử học được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần V năm 2017.
Công trình gồm 9 chương, tập hợp nhiều bài báo, nhiều công trình nghiên cứu của Giáo sư Phan Huy Lê trong thời gian 10 năm kể từ 1998 (cả trong nước và ngoài nước). Điểm đặc biệt nhất ở công trình này là cách tiếp cận đa tuyến và toàn diện, mở rộng cả về không gian và thời gian trong lịch sử Việt Nam.
Nhớ về Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tống Trung Tín cho biết: Giáo sư Phan Huy Lê là một cây đại thụ của nền sử học Việt Nam, ông là một con người có tinh thần làm việc rất cẩn thận, tác phong nghiên cứu rất khoa học, ông luôn cố gắng ở mức cao nhất để đạt tính hoàn thiện của một vấn đề sử học mà giáo sư đang quan tâm, giải quyết. Ông qua đời là sự mất mát rất lớn đối với ngành sử học nước nhà.
Những công trình nghiên cứu đáng trân trọng
Tổng số các công trình nghiên cứu về mảng kinh tế - xã hội của Giáo sư Phan Huy Lê là 114 (chiếm 25,62%), đứng vào hàng thứ hai ngay sau mảng lịch sử chống ngoại xâm. Tiêu biểu cho mảng đề tài này ngoài "Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ", các tác phẩm viết về phong trào nông dân Tây Sơn, còn phải kể đến các bộ địa bạ Hà Đông, Thái Bình, Hà Nội, chương trình nghiên cứu gia phả Việt Nam, các cuốn sách, chuyên đề về hình thái kinh tế - xã hội, kết cấu kinh tế - xã hội, làng xã người Việt ở vùng đồng bằng Bắc bộ...
Giáo sư Phan Huy Lê bắt đầu mở rộng sang nghiên cứu lĩnh vực văn hoá - truyền thống từ những năm 1980 và sự quan tâm của ông đến lĩnh vực này càng ngày càng sâu sắc, toàn diện với số lượng trung bình trên 20 công trình cho khoảng thời gian 5 năm và tổng số công trình lên đến 104 (chiếm 23,37%).
Những công trình tiêu biểu là "Truyền thống và cách mạng", "Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay" (3 tập), "Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, truyền thống và hiện đại" và hệ thống các bài viết về di sản văn hoá Thăng Long - Hà Nội...
*Trách nhiệm lớn nhất đặt ra cho Giáo sư Phan Huy Lê là tổng kết lịch sử đất nước
Ngay từ năm 1959, nghĩa là khi mới bắt tay viết những trang bản thảo đầu tiên, ông đã có một tập bài giảng "Lịch sử Việt Nam từ 1406 đến 1858". Liên tiếp 2 năm sau, ông cho ra mắt "Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam" tập II (1960) và "Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam" tập III (1961), góp phần làm nên tầm vóc của Khoa Lịch sử.
Năm 1971, ông cùng Trần Quốc Vượng viết "Lịch sử Việt Nam" tập I, được coi là cuốn thông sử đầu tiên của chế độ mới. Trong thời gian này hàng loạt các bài giảng, giáo trình khác về "Lịch sử Việt Nam" ra đời (vào các năm 1966, 1970, 1978...) làm cơ sở cho sự xuất hiện "Lịch sử Việt Nam" tập I (1983) - một cuốn sách tổng kết lịch sử Việt Nam từ thời kỳ nguyên thủy đến thế kỷ thứ X tương đối đầy đủ và cập nhật.
Trong đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước xây dựng bộ sách "Lịch sử Việt Nam" 4 tập, Giáo sư Phan Huy Lê vừa là chủ biên, vừa là tác giả chính của 2 tập I và II, được coi là tổng kết cao nhất về giai đoạn lịch sử từ nguồn gốc cho đến giữa thế kỷ XIX.
Đặc biệt trong thời gian gần đây ông được Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ chủ nhiệm đề án và tổng chủ chương trình quốc gia về Lịch sử Việt Nam, chương trình triển khai đến cuối năm 2018 phải hoàn thành nhưng ông đã cố gắng hoàn thiện công trình được giao.
Đánh giá về sự cống hiến của những công trình nghiên cứu của Giáo sư Phan Huy Lê, Phó Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia Giáo sư Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang chia sẻ: Giáo sư Phan Huy Lê là một người thầy đầy nhân ái, luôn chăm lo đến mọi người và tạo điều kiện giúp đỡ cho học trò của mình.
Thầy Lê còn là một trong những nhà sử học hàng đầu của Khoa học Lịch sử Việt Nam thế kỷ XX, ông là người có nhiều công trình nghiên cứu về những vấn đề lớn về lịch sử dân tộc Việt Nam. Đặc biệt ông là một trong số những người đã viết Bộ sách Lịch sử Việt Nam với hơn 10.000 trang (15 tập).
Với học vấn uyên thâm, được sự tín nhiệm của Đảng, Nhà nước, từ năm 1988 đến nay, ông liên tục là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là ủy viên của nhiều Hội đồng Quốc gia như Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa, Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội đồng Học hàm Nhà nước, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia...
Dù ở cương vị nào, Giáo sư Phan Huy Lê luôn được bạn bè, đồng nghiệp trong nước cũng như quốc tế đánh giá là một trong những giáo sư đầu ngành về lịch sử Việt Nam, là người đi đầu khai mở và xây dựng quan hệ giao lưu, hợp tác với hầu hết các nhà Việt Nam học danh tiếng và các tổ chức nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài.
Cuối đời, ông dành toàn bộ tâm sức để hoàn thành bộ Quốc sử Việt Nam lớn nhất từ trước tới nay với tư cách Tổng chủ biên. Dự kiến, năm 2019 bộ Quốc sử hoàn thành.
Giáo sư Phan Huy Lê đã đưa ra nhiều quan điểm tiến bộ về sử học. Tháng 2/2017, Giáo sư Phan Huy Lê có bài thuyết trình khoa học Một số thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam gây chấn động vì những quan điểm tiến bộ được công khai.
Ông đề xuất phương pháp tiếp cận mới để khỏa lấp những khoảng trống trong lịch sử Việt Nam lâu nay là: “Tất cả nền văn hóa từng tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam đều là di sản của văn hóa Việt Nam, đều là bộ phận tạo thành của văn hóa Việt Nam”. Giáo sư cũng đề xuất phải viết thật khách quan về lịch sử của thực thể chính quyền Việt Nam Cộng hòa, lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo, các sự kiện cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm…
Ghi nhận những đóng góp của ông cho sự nghiệp nghiên cứu và phát nền sử học Việt Nam, ông đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học năm 2016 vì những đóng góp xuất sắc cho nền sử học nước nhà.
Ông được phong học hàm Giáo sư Sử học (1980), Nhà giáo Ưu tú (1988), Nhà giáo Nhân dân (1994); được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (1985), Huân chương Lao động các hạng Nhất (1998), Nhì (1994), Ba (1974, 2012); được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học – công nghệ với tác phẩm “Tìm về cội nguồn” (2000), Giải thưởng Quốc tế Văn hoá Á châu Fukuoka, Nhật Bản (1996), Huân chương Cành cọ Hàn lâm của chính phủ Pháp (2002), Công dân Ưu tú của Thủ đô (năm 2010), Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2012), Bằng khen Thủ tướng Chính phủ (năm 2012), Giải thưởng Danh dự khối Pháp ngữ (năm 2014),…
Là đại thụ của nền sử học Việt Nam, Giáo sư Phan Huy Lê là nhà sử học Việt Nam nổi tiếng nhất trong giới sử học Việt Nam đương đại. Sự ra đi của ông làm cho nhiều người tiếc thương, sau khi nghe tin giáo sư qua đời, rất nhiều lời chia buồn từ các học giả trong và ngoài nước trong đó có: Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc,…. nơi mà quãng thời gian giáo sư từng làm việc và giảng dạy.
Có thể thấy rằng Giáo sư Phan Huy Lê là một nhà khoa học nghiêm túc, luôn luôn phát hiện những đóng góp quan trọng trong khoa học. Ông được coi là trụ cột của ngành lịch sử Việt Nam, là một trí thức tận tâm, tận lực với Tổ quốc.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất