19/10/2022 15:39 GMT+7 | HighTech
Cho dù giá các smartphone cao cấp mới được giữ nguyên hoặc ngày càng đắt hơn trong những năm gần đây, cơ quan tính chỉ số giá của Mỹ lại cho thấy, giá smartphone đã giảm 22% so với năm ngoái.
Lạm phát tiếp tục là chủ đề chính của nước Mỹ khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang ở mức cao nhất từ giữa những năm 1980 cho đến nay. Giá cả của hàng loạt hàng hóa và dịch vụ, bao gồm thực phẩm, vé máy bay, nhiên liệu đều gia tăng với mức độ chóng mặt. Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động, cơ quan công bố CPI, lạm phát toàn phần trong 12 tháng qua đã tăng lên 8,2%.
Nhưng thật bất ngờ, smartphone lại không nằm trong số đó. Theo công bố của cơ quan này, CPI của smartphone lại còn giảm 22%.
Đối với cảm giác của nhiều người, điều này thật vô lý. Hầu hết điện thoại hiện nay đều đắt đỏ và giá của những điện thoại mới ra mắt gần như không giảm. Ví dụ những chiếc iPhone mới được Apple ra mắt vào tháng 9 vừa qua có giá tại Mỹ bằng với năm ngoái. Những điện thoại cao cấp nhất của Samsung thậm chí còn có giá đến 1.800 USD. Thống kê cho thấy, giá bán smartphone trung bình đã tăng lên trên toàn thế giới.
Nhưng hóa ra, cho dù smartphone không rẻ đi, nhưng nó lại càng ngày càng tốt hơn. Đó là lý do tại sao chỉ số CPI của Mỹ lại cho thấy giá của chúng đang rẻ đi trong khi những hàng hóa khác lại đắt hơn.
Thông thường, chỉ số CPI được tính bằng cách so sánh giá của các mặt hàng giống nhau, giá không biến động nhiều qua từng năm. Ví dụ, CPI của trứng sẽ được tính bằng cách so sánh giá trứng qua mỗi năm. Nhưng đối với smartphone, cơ quan thống kê còn phải kiểm soát cả việc các thiết bị này đang ngày một tốt hơn qua mỗi năm. Nếu điện thoại có chất lượng tốt hơn và giá cả được giữ nguyên, cơ quan tính CPI sẽ ghi nhận đây là sự giảm giá.
“Rất nhiều yếu tố suy giảm trong chỉ số giá smartphone. Phần lớn điều này liên quan đến việc cải thiện chất lượng.” Jonathan Church, nhà kinh tế học của cơ quan này cho hay.
Hai lần mỗi năm, cơ quan này lại xem xét một mẫu smartphone mới và đo lường xem nó được cải thiện như thế nào – liệu chúng có camera, màn hình tốt hơn hay các tính năng mới nào không.
“Đối với smartphone, các yếu tố được chúng tôi xem xét bao gồm kích thước màn hình, RAM, tốc độ bộ xử lý, camera trước hoặc sau của điện thoại, liệu nó có gập được hay không, hay những thứ đại loại như thế”, ông Church cho biết.
Dựa trên các yếu tố đó, cơ quan này sẽ đưa ra “điều chỉnh chất lượng”. Nếu iPhone mới không tăng giá nhưng nó lại có các tính năng mới, chỉ số CPI sẽ cho rằng thiết bị này giá trị hơn thiết bị cũ và giả định rằng người dùng sẽ nhận được nhiều giá trị hơn với cùng một số tiền bỏ ra.
Việc ước tính giá trị của những điều chỉnh chất lượng này được thực hiện bằng phương pháp lập mô hình Hedonic và cơ quan này sử dụng dữ liệu từ một bên thứ ba cung cấp, bao gồm cả bộ cấu hình smartphone.
Từ đó cơ quan này đưa ra kết luận: “Nếu một smartphone thay thế khác biệt với thiết bị tiền nhiệm và giá trị của sự khác biệt về chất lượng có thể được ước tính chính xác, thì có thể thực hiện việc điều chỉnh chất lượng đối với giá của mặt hàng trước đó để bao gồm cả giá trị ước tính đối với sự khác biệt về chất lượng.”
Cơ quan này bắt đầu lập bảng chỉ số về công nghệ smartphone từ cuối năm 2019, thời điểm Apple vừa ra mắt dòng iPhone 11 và thiết bị mới nhất của Samsung là S10. Theo báo cáo của cơ quan này, chỉ số giá smartphone đã giảm từ 2019 đến nay.
Ông Church cho rằng, đến một lúc nào đó, smartphone sẽ trở thành loại sản phẩm hoàn thiện và trở nên lạm phát khi giá tăng lên. Đó cũng là lúc tốc độ cải thiện sản phẩm sẽ chậm lại.
“Đến một thời điểm chín muồi nhất định trong chu kỳ sản phẩm, giá của chúng sẽ bắt đầu tăng trở lại”, ông Church nhận định. “Nói chung với smartphone hiện nay, chúng vẫn đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ.”
Nguyễn Hải
Nguồn: CNBC
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất